Mục đích ban đầu là chùa cổ Bính Linh, cuối cùng được tưởng thưởng chuyến đi đẹp lạ băng đồi núi nương đồng những ngày xuân vẫn trắng xoá giá băng. Dù không xa bên dưới, nắng đã rờ rỡ trên Hoàng Hà xanh lạ thấp thoáng men theo cung đường.
Những pho tượng hơn ngàn năm tuổi ở Bính Linh Tự vẫn sắc xảo với chừng ấy thời gian.
Chìm nổi cùng dấu xưa đường tơ lụa
Tôi bước xuống ga Lan Châu khi đêm đã sâu hun hút. Nhưng không kiếm lữ điếm mà chạy đi xếp hàng kiếm vé cho chuyến tàu đêm mai hướng về sa mạc Gobi, trên hành trình cùng Con đường tơ lụa. May sao, những ngày xuân này nhiều giá buốt nên vắng khách. Mua được vé đi Gia Dụ Quan đêm mai, quăng balô vô quán trọ nhà ga, tính toán tiếp cung đường sáng mai. Việc vắng khách dễ mua vé lại là khó khăn cho hành trình đến Bính Linh Tự thăm thẳm xa. Các nguồn thông tin đều nhấn mạnh những chuyến canô từ hồ Lưu Gia Hiệp đến đó chỉ khởi hành khi đủ khách, nếu như không muốn bao nguyên chuyến.
Bị chặn bởi đập Kẽm Lưu Gia, Hoàng Hà khúc này trở thành hồ thủy điện Bính Linh xanh màu lạ.
Ngày xưa cũ, Lan Châu sầm uất bây giờ nằm trên nhánh nam Con đường tơ lụa. Nhưng không là điểm dừng quan trọng bằng Bính Linh, nơi có cây cầu bắc ngang sông dữ Hoàng Hà. Cây cầu đá được vinh danh “độc nhất vô nhị thiên hạ” có từ thời Đông Tấn giờ chìm sâu trong lòng hồ Lưu Gia Hiệp (còn gọi hồ Bính Linh) cùng với trấn Liên Hoa xưa. Ngăn dòng Hoàng Hà năm 1974 hình thành trạm thuỷ điện lớn nhất Trung Quốc lúc đó, đập Kẽm Lưu Gia đã nhấn chìm một phần Con đường tơ lụa đến Bính Linh. Theo sách, web du lịch chỉ có tàu, canô đến đó, nên buổi mai sớm tôi lên xe đi Lưu Gia Hiệp (Liujiaxia), huyện Vĩnh Tĩnh (Yongjing) để tìm canô đi Bính Linh Tự (Bingling Si).
Một cây cầu nhỏ ngang Hoàng Hà đoạn ở Bính Linh, nhưng không phải cây cầu đá xưa đã chìm sâu vào lòng hồ.
Co ro gần 90 phút nơi bến đò Lưu Gia Hiệp vắng tanh gió buốt không ai đi Bính Linh. Bao nguyên canô đi về là “điệp vụ bất khả thi”, tôi cất bước lang thang Lưu Gia Hiệp một vòng trước khi quay lại Lan Châu. Hơi lạ khi thấy các bác taxi rù quến chở đi Bính Linh Tự vì chưa hề nghe cung đường bộ đó. Mấy cô bán vé canô đang dụ khách bao nguyên chuyến cũng lắc đầu khi hỏi chuyện xe cộ. May sao một ông chú đi ngang, giỏi tiếng Anh hiếm thấy miền quê xứ này, liền nói là có con đường mới làm xong, lôi bản đồ tận tình chỉ dẫn. Hơi xiêu lòng. Đã vậy, thấy các bác tài lúc nãy hô 300 tệ (khoảng 1 triệu đồng) giờ xuống 150 tệ cho cung đường 110km đi về và chờ đợi là ưng cái bụng lắm. Làm bộ ỏng eo sinh viên (?!) nghèo chỉ còn 100 tệ trong túi… ông chú đen đen ít nói nãy giờ chợt lên tiếng chắc kiểu “thôi để tui chở nó cho” rồi mở cửa xe. Sung sướng leo lên. Rồi ngỡ ngàng. Chưa đến Bính Linh Tự đã ngất ngây với cung đường núi đồi ngày xuân trắng xoá tinh khôi miền Vĩnh Tĩnh.
Vĩnh Tĩnh đồng nương núi đồi trắng tuyết
Nằm trong châu tự trị dân tộc Hồi Lâm Hạ, Cam Túc, cách thủ phủ Lan Châu 80km phía tây nam, Vĩnh Tĩnh rộng lớn ôm lấy Hoàng Hà khúc này chạy giữa những triền núi hẹp. Đó là lý do gần 2.000 năm trước người xưa làm được cây cầu đá bắc ngang sông dữ tại Bính Linh. Cũng là lý do đập thuỷ điện Kẽm Lưu Gia hoành tráng được dựng lên.
Những cánh đồng, nương đồi bậc thang trắng xóa lung linh những ngày xuân Vĩnh Tĩnh.
Ở độ cao 1.560 – 2.851m, trong châu Lâm Hạ nhiệt độ trung bình 8 độ C với hơn 200 ngày sương mưa quanh năm, Vĩnh Tĩnh ngày xuân tháng 4 vẫn tuyết giăng dù nắng đã về. Rời trấn, đường leo nhanh lên những dốc đèo cao ngất loáng thoáng bên dưới Hoàng Hà đoạn này vẫn chưa vàng. Quanh co giữa những vách núi dưới nắng trưa xanh ngắt, trắng loá tuyết, con đường chợt đâm ra những nương đồng lạ lùng quá đỗi. Ruộng bậc thang, xứ mình đầy. Mùa nước ải, đòng non, lúa vàng đều lê lết. Những miền tuyết xứ khác không ít lần ngang. Nhưng đây là lần đầu chạm ngõ nương đồng bậc thang phủ trắng tuyết tinh khôi.
Những bậc thang trắng loá càng nổi bật trên nền đất rất đen vấn vương đám rạ cháy thui, cỏ vàng úa càng bật sắc. Trời cao chao màu khi xanh nắng lúc xám mây đổi hậu cảnh cho những nương đồng hun hút đuổi nhau. Vệ đường hao gầy hàng cây mong manh trong gió lạnh sánh bên vài cội cổ trơ khấc. Nhấn nhá trên thân khô những khăn lụa nguyện cầu khatag đủ màu của người miền cao phất phới bay. Xa xa những mái nhà phủ tuyết băng óng ánh chấm phá với các thánh đường Hồi giáo, mái chùa làm con đường thêm thi vị. Giờ ngẩn ngơ tiếc 90 phút hoang phí do tiếc của chờ đợi nơi bến đò.
Bính Linh Tự gần 2.000 năm tuổi độc đáo bên hồ xanh, con đường vẫn mãi đẹp chiều vội vã quay về… càng tăng nỗi nuối tiếc thời gian quá ngắn Lan Châu dù đã hai lần ghé. Đành mơ một ngày quay lại. Mà lâu lắm rồi mộng ước vẫn chưa thành!
Thái Hoãn (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.