Visa và Mastercard thu 5.000 tỷ mỗi năm từ ngân hàng Việt: Phí chồng phí, không chịu giảm

H.Anh Chủ nhật, ngày 29/08/2021 08:30 AM (GMT+7)
Giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm).
Bình luận 0

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard kiến nghị miễn, giảm các loại phí trước bối cảnh các ngân hàng đang giảm phí hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thu 270 đầu phí nhưng Visa, Mastercard không chịu giảm cho ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho các ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn, chia làm 3 nhóm chính gồm phí áp dụng cho mảng phát hành; phí áp dụng cho mảng thanh toán và các phí thu khác (liên quan đến hệ thống và các giao dịch tra soát).

Trung bình mỗi năm, mỗi tổ chức thẻ quốc tế như Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại.

Trong đó, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng. Điều đáng nói, tổ chức thẻ quốc tế vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với một giao dịch.

Chi 5.000 tỷ mỗi năm, các ngân hàng “tố”Visa, Mastercard thu phí chưa hợp lý nhưng không chịu giảm - Ảnh 1.

Giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm). (Ảnh: S.T)

Đối với giao dịch không được cấp phép chuẩn chi, ngân hàng không thu được phí từ đơn vị chấp nhận thẻ nhưng vẫn phải trả phí cấp phép cho tổ chức thẻ quốc tế.

Do đó, có trường hợp ngân hàng phát hành đã gửi các bản tin giao dịch không thành công nhưng vẫn phải trả phí xử lý giao dịch đến trên 20 lần so với phí xử lý giao dịch thành công. Theo Hiệp hội Ngân hàng, điều này là hết sức vô lý.

Cùng với đó, mức phí tổ chức thẻ quốc tế áp dụng đối với giao dịch trong nước và tại nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn, giao dịch tại nước ngoài chịu mức phí cao gấp 10 - 50 lần so với giao dịch trong nước...

Đáng chú ý, mặc dù Hiệp hội đã đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế xem xét miễn giảm phí ngay từ khi dịch bệnh còn chưa lan rộng (hồi tháng 4/2020), song tổ chức thẻ quốc tế vẫn chưa phúc đáp.

Đối với các giao dịch có giá trị nhỏ, các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng mức phí trong khoảng 0,1-1 USD/giao dịch, trong khi đó, nguồn thu của ngân hàng chỉ có phí interchange tính trên giá trị giao dịch và ở mức rất thấp, không đủ bù đắp chi phí trả tổ chức thẻ quốc tế...

Đối với chính sách thu phí không tuân thủ, trường hợp ngân hàng thành viên không đáp ứng được tỷ lệ tuân thủ tối thiểu của các tổ chức thẻ quốc tế sẽ phải trả một khoản phí phạt dựa trên số tháng không tuân thủ, mức phí trung bình khoảng 2.500 USD/tháng.

Đặt trong giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, việc quy định tỷ lệ tuân thủ về báo cáo doanh số giao dịch và áp dụng phí phạt như hiện nay theo Hiệp hội ngân hàng là rất bất hợp lý.

Hiệp hội thông tin thêm, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến doanh số thanh toán thẻ quốc tế tính đến hết quý II/2021 giảm 23% so với năm 2019, đặc biệt doanh số thanh toán tại nước ngoài giảm tới 85%. Doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 cũng đã sụt giảm từ 50 - 70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch.

Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam vẫn phải trả mức phí rất lớn cho tổ chức thẻ quốc tế. Giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm).

Chi 5.000 tỷ mỗi năm, các ngân hàng “tố”Visa, Mastercard thu phí chưa hợp lý nhưng không chịu giảm - Ảnh 3.

Các ngân hàng đề nghị Visa, Mastercard giảm phí. (Ảnh: VCB)

Kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng

Từ thực tế kể trên, Hiệp hội đề nghị Visa và Mastercard đơn giản hóa cơ chế thu phí để tránh tình trạng thu phí chồng phí, áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với một giao dịch (chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch).

Đồng thời, chỉ áp dụng một mức phí đối với phí xử lý giao dịch rút tiền mặt, không phân biệt theo giá trị giao dịch; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.

Không thu phí phạt đối với trường hợp ngân hàng thành viên không đạt mức báo cáo doanh số quy định; miễn các loại phí phạt không tuân thủ trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...

Về phí xử lý giao dịch, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành.

Cụ thể, triển khai các chương trình tài trợ hoàn phí xử lý giao dịch và giảm 50% phí dịch vụ cho các ngân hàng tại Việt Nam theo nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng của Covid-19, gồm: đơn vị công, du lịch, lĩnh vực thiết yếu, thời trang/trung tâm thương mại, điện máy, viễn thông.

Đối với giao dịch giá trị nhỏ, đề xuất tổng các loại phí (không bao gồm phí interchange) thu trên một giao dịch theo một mức tỷ lệ % và không quá 0,05% doanh số giao dịch. Cùng với đó, miễn các phí xử lý giao dịch - phí thu theo số lượng trung gian thanh toán để khuyến khích phát triển mô hình dịch vụ qua trung gian thanh toán.

Về phí interchange, Hiệp hội cũng đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giảm tối thiểu 50% đến miễn phí.

"VNBA đề nghị tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard căn cứ vào thực tế trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng xem xét xử lý những kiến nghị nêu trên, đồng thời có ý kiến phản hồi chính thức bằng văn bản cho Hiệp hội trước ngày 10/9/2021 hoặc bố trí lịch làm việc với VNBA và các tổ chức tín dụng Việt Nam vào trung tuần tháng 9 nhằm làm rõ những thắc mắc mà các tổ chức tín dụng Việt Nam đang yêu cầu tháo gỡ", VNBA nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem