Trước vòng đấu cuối cùng V.League 2020, CLB bóng đá Viettel đang giữ quyền tự quyết khi đang dẫn đầu bảng với 38 điểm, hơn đội xếp sau Hà Nội 2 điểm.
Câu hỏi đặt ra là liệu Viettel có thể đá bại chủ nhà Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất (TP.HCM) chiều 8/11 tới để lên ngôi vô địch V.League 2020 hay không?
Còn trên sân Cẩm Phả, liệu Than Quảng Ninh gần như đã hết động lực phấn đấu có thể làm gì để "cản bước" Hà Nội FC đi vào lịch sử với tư cách đội bóng đầu tiên 3 lần liên tiếp đăng quang và là lần thứ 6 vô địch kể từ khi góp mặt ở V.League 2009?
Trước khi V.League 2020 hạ màn, Dân Việt điểm lại 5 cuộc đua vô địch hấp dẫn, kịch tính nhất trong lịch sử 20 năm chiều dài V.League.
1. V.League 2001: SLNA và nghi án "mua" Cúp vô địch
Mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, V.League 2000-2001 đã chứng kiến cuộc đua song mã tranh Cúp vô địch giữa SLNA và Nam Định.
Trước vòng đấu cuối cùng, SLNA (33 điểm) kém Nam Định 1 điểm trên bảng tổng sắp. Nghĩa là SLNA chỉ có thể đăng quang khi hội đủ điều kiện cần (thắng CA.TPHCM) và đủ (Cảng Sài Gòn đá bại Nam Định) .
Kết cục là SLNA đã thắng "kịch tính" CA.TP.HCM 4-3 trên sân Vinh, còn Cảng Sài Gòn đá bại đội khách Nam Định 5-0 trên sân Thống Nhất.
SLNA vô địch mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên và 5 năm sau, thời điểm 2006 họ đã bị cơ quan công an điều tra việc "mua" Cúp vô địch.
Đến năm 2008, các cá nhân có tên trong "nghi án mua Cúp" mới được giải oan.
2. V.League 2006: "Gạch" thăng hoa dưới thời HLV Calisto
V.League 2006, Gạch Đồng Tâm Long An với tư cách đương kim vô địch đã gặp rất nhiều khó khăn trước sự bám đuổi của Bình Dương trong cuộc đua lên đỉnh bóng đá Việt Nam.
Trước vòng cuối, GĐT.Long An (37 điểm) hơn Bình Dương vỏn vẹn 1 điểm. Có trong tay quyền tự quyết, họ đã lội ngược dòng đá bại đội khách Đà Nẵng 2-1 để lên ngôi. Bất chấp những nỗ lực của Bình Dương khi giành chiến thắng 2-1 trên sân Pleiku của HAGL.
Với danh hiệu vô địch V.League 2006, GĐT.Long An là đội thứ 2 vô địch liền 2 mùa sau HAGL (2003, 2004).
3. V.League 2011: HLV Nguyễn Hữu Thắng và giọt nước mắt "gột rửa"
Ba năm sau được "giải oan" nghi án mua Cúp vô địch V.League 2000-2001, Nguyễn Hữu Thắng đã trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên vô địch V.League cả trên cương vị cầu thủ và HLV.
Chưa ai quên bầu không khí vô cùng nóng bỏng trước trận đấu có ý nghĩa chung kết V.League 2011 trên sân Vinh giữa chủ nhà SLNA (48 điểm) và Hà Nội T&T (45 điểm, Hà Nội FC hiện nay).
Khoảng cách 3 điểm sẽ hoàn toàn "biến mất" nếu SLNA thua vì khi đó Hà Nội FC bằng điểm nhưng sẽ vô địch nhờ hơn hiệu số phụ.
Mọi ngả đường, mọi ánh mắt đều hướng về thành Vinh. Trước khi trận đấu diễn ra 3 tiếng đồng hồ, ban tổ chức đã phải đóng cửa sân vì khán giả đã đến chật kín các khán đài.
Rất nhiều người đã bắc thang, dựng cột trèo vào sân Vinh để mong chứng kiến giây phút đăng quang của đôi nhà.
Không phụ lòng mong mỏi của người hâm mộ quê hương, SLNA dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã hòa Hà Nội T&T dưới thời HLV Phan Thanh Hùng 1-1 để lên ngôi.
Sau trận đó, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bật khóc, những giọt nước mắt như để xua tan bao uẩn ức mà anh đã phải trải qua khi mang tiếng "mua Cúp" 10 năm trước.
4. V.League 2012: Sài Gòn.XT và nỗi đau "2 đánh 1"
V.League 2012 chứng kiến cuộc đua tam mã giữa 2 "anh em" Hà Nội T&T – SHB.Đà Nẵng với đội bóng Sài Gòn.XT.
Trước khi bước vào vòng cuối, Hà Nội T&T (46 điểm) có quyền tự quyền và nếu thắng chủ nhà Sài Gòn.XT (45 điểm) trên sân Thống Nhất họ sẽ vô địch.
Còn SHB.Đà Nẵng (45 điểm) phải thắng trong chuyến làm khách của V.Ninh Bình và chờ tin vui từ cặp đấu có sự xuất hiện của "người anh em" Hà Nội T&T.
Kết cục, Hà Nội T&T khi thấy lực không thể thắng đã "tử thủ" cầm hòa Sài Gòn.XT 0-0, gián tiếp giúp SHB.Đà Nẵng vô địch V.League 2012 với 48 điểm.
Đây có lẽ là trận hiếm hoi mà Hà Nội T&T phải đá phòng ngự triệt để đến vậy!
Cay cú vì bị "2 đánh 1" và đành nhận HCĐ V.League 2012, sang V.League 2013, Sài Gòn.XT đã bỏ giải giữa chừng khiến ban tổ chức một phen lao đao khi mùa giải chỉ còn 2 vòng nữa là khép lại.
5. V.League 2016: HLV Trương Việt Hoàng thua vì "bàn thắng"
V.League 2016 chứng kiến cuộc ganh đua vô cùng hấp dẫn giữa Hà Nội T&T và Hải Phòng.
Trước vòng đấu cuối cùng, Hà Nội T&T và Hải Phòng cùng được 47 điểm, chỉ số đối đầu bằng nhau khi cùng thắng đối thủ 2-1 khi được đá sân nhà.
Vòng cuối, Hải Phòng dưới sự dẫn dắt của HLV Trương Việt Hoàng đã thắng SLNA 3-0 trên sân Lạch Tray, còn ở sân Hàng Đẫy, Hà Nội T&T thắng FLC.Thanh Hóa 2-0.
Ghi kém 1 bàn ở vòng cuối nhưng Hà Nội T&T vẫn vô địch nhờ hơn Hải Phòng hiệu số bàn thắng-thua toàn giải (+17 so với +15).
Hôm đó, cảnh ăn mừng vô địch diễn ra trên cả 2 sân Hàng Đẫy và Lạch Tray.
Khán giả Hải Phòng cho rằng họ mới là nhà vô địch trong lòng người hâm mộ và cũng trao Cúp "danh dự" cho đội nhà, trang trọng không kém gì mọi thứ Hà Nội T&T được nhận.
Phía trước, liệu những bài học quý khi dẫn dắt Hải Phòng cách đây 4 năm của HLV Trương Việt Hoàng cộng với những tuyển thủ Việt Nam có gen vô địch trong đội hình như thủ môn Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức... có thể giúp Viettel đá bại Sài Gòn FC để lên ngôi vô địch V.League 2020 trên sân Thống Nhất?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.