VNCB được “hưởng lợi kép” nếu không trả lại số tiền 4.500 tỷ đồng?

Hữu Ký Thứ hai, ngày 22/01/2018 16:48 PM (GMT+7)
Luật sư cho rằng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sử dụng số tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng cho hoạt động ngân hàng nên cần phải hoàn trả lại cho các cá nhân đóng góp, đồng thời khẳng định VNCB yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền 6.126 tỷ đồng là đang “hưởng lợi kép”.
Bình luận 0

Chiều nay (22.1), các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục phần tranh luận của mình, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ của VNCB. Luật sư cho rằng số tiền này dùng để tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, nhưng việc tăng vốn điều lệ không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Do đó, số tiền này vẫn còn và đề nghị VNCB trả lại cho 22 cá nhân góp vốn này.  

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh cũng phản bác lại ý kiến của đại diện VNCB cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung, hiện không thể xác định được. Luật sư cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng được sử dụng phục vụ cho hoạt động ngân hàng, không phải cho cá nhân Phạm Công Danh và các bị cáo. Việc không được chấp nhận tăng vốn điều lệ thì VNCB phải trả tiền lại để các bị cáo khắc phục hậu quả.

img

Toàn cảnh phiên tòa.

Theo luật sư, khi nào chứng minh được số tiền 4.500 tỷ đồng các bị cáo dùng cho mục đích cá nhân thì mới giữ lại, còn nếu dùng cho mục đích của VNCB thì phải trả lại. Việc VNCB cho rằng số tiền không còn, không trả lại là thiếu căn cứ.

Đáng chú ý, luật sư còn khẳng định trong vụ án này VNCB đang được “hưởng lợi kép”, đó là vừa được sử dụng số tiền 4.500 tỷ đồng do 22 cá nhân đóng góp để phục vụ cho hoạt động ngân hàng, vừa được hưởng lợi khi yêu cầu các bị cáo trả lại số tiền 6.126 tỷ đồng. Luật sư nêu các cá nhân đóng góp, tiền nằm tại ngân hàng thuộc nhóm được Nhà nước bảo vệ, kể cả khi NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng thì vẫn phải bảo vệ cho nhóm nộp tiền vào.

Từ những nội dung trên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng, cấn trừ số tiền này vào số tiền 6.126 tỷ đồng để các bị cáo khắc phục hậu quả.

Sáng nay, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) cũng đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh gây ra hành vi và dòng tiền của ngân hàng, trong đó có số tiền VNCB tăng vốn không thành (4.500 tỷ đồng). Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét vì sao gọi vụ án Ngân hàng Xây dựng là giai đoạn 2, trong khi ở giai đoạn 1 có nhiều khoản tiền chưa được xem xét. Luật sư Hoài cho rằng có nhiều khoản tiền có hồ sơ chứng từ, hợp lệ, hợp pháp có thể đưa ra để khắc phục chưa được xem xét đầy đủ. Do đó, mong HĐXX cân nhắc xem xét việc ông Phạm Công Danh không dùng tiền cho riêng mình mà dùng để hỗ trợ thanh khoản ngân hàng, chi chăm sóc khách hàng, để quy hồi dòng tiền.

Trước đó, trong phần xét hỏi, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng VNCB đều khẳng định số tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ ngân hàng này không bị mất đi mà hòa vào dòng tiền chung của VNCB (hiện là CB), đồng thời xin cấn trừ số tiền này vào số tiền thiệt hại (6.126 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả.

Về vấn đề này, đại diện VNCB (CB) cho rằng số tiền 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ đã hòa chung vào dòng tiền của VNCB nhưng không xác định được còn lại bao nhiêu. Từ 14.2-26.7.2014, VNCB chỉ còn lại 526,1 tỷ đồng nhưng không thể tính được trong đó số tiền của khoản 4.500 tỷ đồng còn lại. Đại diện CB cho biết, từ 14.2-26.7.2014, số dư của VNCB tại NHNN là 80.429 tỷ, tổng phát sinh nợ là hơn 81.000 tỷ. Tính từ số dư trong tài khoản tiền gửi của VNCB tại thời điểm đó là âm 694 tỷ. Trong 13.000 tỷ đồng (số dư đầu ngày 14.2.2014) không có số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ mà có tại tổ chức tín dụng khác.

"Bị cáo Phạm Công Danh thiếu kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng"

Trong phần trình bày tại tòa chiều 22.1, luật sư Bùi Thị Hồng Giang (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) cho rằng bị cáo Danh vào làm hệ thống ngân hàng trong khi chưa có kinh nghiệm. Luật sư cho biết, đáng lý ra với cương vị là Chủ tịch ngân hàng, bị cáo Danh cần hiểu rõ nhất về luật, các quy định về quản lý tài chính.

“Bị cáo Danh có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, nhưng trong hoạt động ngân hàng thì còn thiếu. Bị cáo chỉ hiểu rằng hoạt động ngân hàng là làm những điều pháp luật không cấm, nhưng không phải như vậy, hoạt động này phải tuân thủ theo quy định pháp luật”, luật sư Giang nêu.

Luật sư giải thích thêm, khi Phạm Công Danh điều hành ngân hàng thì thấy rằng có nhiều luật không giống như khi làm doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng lên đến hàng ngàn văn bản liên quan. Hệ thống quy định này phức tạp nên một người ít kinh nghiệm khó điều hành được. Luật sư dẫn chứng riêng luật về cho vay trên khoản tiền gửi, mỗi người trong vụ án này đã có cách hiểu khác nhau, nhận thức khác nhau dẫn đến sai phạm…

Cũng tại tòa, luật sư Giang đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Danh. Luật sư cho rằng bị cáo Danh trước khi nhảy vào làm ngân hàng đang là chủ tập đoàn hết sức yên ổn. Ông Danh đã từng rất quyết tâm tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Ông đã phải bỏ tiền túi ra để vực dậy ngân hàng, nhưng kết quả lại trở thành bị cáo trong phiên tòa hôm nay. Luật sư bày tỏ sự cảm thông với thân chủ của mình, đồng thời đề cập đến vai trò của NHNN, nếu như NHNN kịp can thiệp và có biện pháp kịp thời thì sẽ không có vụ án này xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem