Vợ chồng người Mông ở Mù Cang Chải làm homestay, miễn phí bữa sáng cho khách để học 3 câu tiếng Anh mỗi ngày

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 27/03/2024 12:47 PM (GMT+7)
Để có thể giao tiếp, kéo khách du lịch người nước ngoài đến với homestay "Hello Mù Cang Chải", vợ chồng Giàng A Dê ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) quyết định áp dụng “chính sách” nếu khách dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng.
Bình luận 0

Miễn phí bữa sáng để học tiếng Anh

Đó là một trong những câu chuyện mà Giàng A Dê (sinh năm 1989) kể về hành trình khởi nghiệp đầy gian khó của mình với "Hello Mù Cang Chải" tại buổi giao lưu và gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan với các đoàn viên, thanh niên của Bộ NNPTNT, ngày 26/3.

Nhớ lại thời điểm năm 2007, Giàng A Dê trúng tuyển đại học. Đây là niềm tự hào của người Mông ở La Pán Tẩn bởi nơi đây nghèo khó, miếng ăn còn chật vật nghĩ gì đến chuyện học hành. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên, anh về làm việc tại Viettel Mù Cang Chải. Rồi lấy vợ, sinh con như bao người Mông khác ở cái xứ đầu trời cuối đất này.

Vợ chồng người Mông ở Mù Cang Chải làm homestay, miễn phí bữa sáng cho khách để học 3 câu tiếng Anh mỗi ngày- Ảnh 1.

Giàng A Dê (ngoài cùng bên trái) và Chẩu Thanh Ngà (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp làm homestay với đoàn viên thanh niên Bộ NNPTNT, ngày 26/3. Ảnh: Bình Minh

Thế nhưng, có lẽ cơ duyên đặc biệt nhất đến với Giàng A Dê là khoảnh khắc anh thấy những du khách nước ngoài cắm trại ngủ lại bên cạnh bờ suối giữa cơn mưa rừng khắc nghiệt của vùng cao. Dê chia sẻ: "Mình nghĩ trong bụng, nếu đêm mà có lũ về thì chẳng biết sao nữa. Thế là đêm ấy về, trong đầu mình cứ trăn trở đến việc làm thế nào phải xây dựng cho được một nơi ăn, chốn nghỉ cho những vị khách đến thăm vùng quê của chính mình. Ngay đêm hôm đó, hàng loạt ý tưởng ra đời”.

Dẫu biết để thực hiện được thì khó khăn trăm bề nhưng trong anh luôn vững tin "chắc chắn mình sẽ làm được”. Giàng A Dê đứng trước lựa chọn đánh đổi công việc ổn định, hay bắt đầu những thử thách mới. Chưa đầy một tháng, anh đã có quyết định của mình. Anh kể: "Hôm đó bàn với vợ, thật may mắn vì được vợ ủng hộ và quyết cùng mình thực hiện. Cuối năm 2017, mình nghỉ việc ở Viettel để thực hiện mong muốn đó từ con số không”.

Có người còn nói về tôi: “Thằng A Dê nó điên rồi. Con ma rừng đã bắt nó rồi!”. Nhưng vượt qua tất cả sự phản đối, dè bỉu của dân bản, A Dê quyết tâm làm. 


Vợ chồng người Mông ở Mù Cang Chải làm homestay, miễn phí bữa sáng cho khách để học 3 câu tiếng Anh mỗi ngày- Ảnh 2.

Giàng A Dê cho biết, để biết ngoại ngữ, anh áp dụng “chính sách” nếu khách du lịch dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng. Ảnh: Bình Minh

Xây dựng được homestay đã khó nhưng để vận hành được nó lại là một quãng đường gian nan nữa của vợ chồng Giàng A Dê. Khách nước ngoài đến La Pán Tẩn ngày một đông hơn mà khổ nỗi, anh chị chẳng hề biết tiếng Anh. Nhận thức được rõ sự cản trở ngôn ngữ khi giao tiếp, thế là anh chị lại quyết định "mạo hiểm”. Anh ở nhà tiếp tục cải tạo và xây dựng cảnh quan cho homestay, còn chị ngược lên Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng với mục đích chính là học bằng được tiếng Anh.

Sau khi homestay đi vào hoạt động, rất nhanh chóng, Vàng Thị Lý (vợ) và Giàng A Dê đều nói tiếng Anh vô cùng thuần thục nhờ áp dụng “chính sách” nếu khách du lịch dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng.

Dê cho biết, doanh thu của "Hello Mù Cang Chải" mỗi năm đạt gần 800 triệu đồng. Hiện homestay có 8 Bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành gần 20 tua du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng… Đặc biệt, "Hello Mù Cang Chải" đã truyền cảm hứng, dẫn dắt, giúp đỡ 40 thanh niên người Mông ở La Pán Tẩn cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Chàng trai người Tày giúp nhiều thanh niên có việc làm

Cũng thành công từ cách làm du lịch cộng đồng độc đáo, Chẩu Thanh Ngà (sinh năm 1991), người dân tộc Tày ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết, homestay Tài Ngào là “trái ngọt” của Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm, đạt giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Tuyên Quang năm 2018.

Ngà nói bản thân có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch từ năm 2010, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2014, anh đã được nhận làm hướng dẫn viên chính của nhiều công ty lữ hành nổi tiếng, được đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất mới.

Thời điểm ấy, được đi nhiều nơi, được nghỉ ở nhiều homestay và không ít resort 5 sao, Ngà càng nhận ra, Lâm Bình quê mình dù là huyện vùng sâu, vùng xa, huyện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, nhưng cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt với 2/3 diện tích là rừng, hồ thủy điện rộng lớn, nhiều thác nước, hang động đẹp, ẩm thực và văn hóa bản địa đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống như Lồng Tông, nhảy lửa, nghi lễ cấp sắc…

“Quê mình đẹp tuyệt, con người sống thuận theo tự nhiên, không ồn ào, xa hoa, nhưng an yên, hạnh phúc. Vậy sao không lập nghiệp ở quê ngay từ khi còn trẻ?”, Ngà nghĩ thế và quyết định trở về quê trong niềm vui sướng và ủng hộ của cha mẹ.

Vợ chồng người Mông ở Mù Cang Chải làm homestay, miễn phí bữa sáng cho khách để học 3 câu tiếng Anh mỗi ngày- Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng hoa 3 thanh niên trẻ tiêu biểu đến từ tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang đã chia sẻ, truyền cảm hứng về cách làm du lịch cộng đồng tại buổi giao lưu, gặp gỡ với đoàn viên thanh niên Bộ NNPTNT. Ảnh: Bình Minh

Từ khi được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Lâm, Chẩu Thanh Ngà có thêm ước mơ mới là tạo ra việc làm để 800/1.200 đoàn viên của xã không phải đi làm ăn xa, có thể góp phần xây dựng quê hương. Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm ra đời từ những cơ duyên đó.

Lấy tên Tài Ngào, các chàng trai Tày mong ước bằng sức trẻ của mình góp sức xây dựng quê hương như chàng Tài Ngào y xửa, y xưa. Đây là một nhân vật anh hùng trong truyện kể dân gian của người Tày - người đã đắp đập, ngăn sông để lấy nước giúp dân làng vượt qua trận hạn hán kéo dài.

Toàn bộ hoạt động của homestay Tài Ngào đều do đoàn viên trong xã đảm trách. Họ tự tay trang trí, dọn dẹp, vào bếp nấu nướng các món đặc sản địa phương và làm hướng dẫn viên cho du khách. Bằng những mối quan hệ và kiến thức 7 năm làm hướng dẫn viên, Chẩu Thanh Ngà đứng ra kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, lập các trang quảng cáo trên mạng xã hội, nhận booking online...

Từ những thành công ban đầu và niềm tin vào sức trẻ của mình, Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm tiếp tục đầu tư xây dựng nhà sàn thứ hai trong khuôn viên homestay Tài Ngào, đón khách từ ngày 1/1/2021. Tổng hai nhà sàn có thể phục vụ khoảng 60 -70 du khách.

Chàng trai Tày cho hay: “Sứ mệnh của Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm là đảm bảo thu nhập cho đông đảo thanh niên, càng nhiều càng tốt. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng tôi quyết tâm làm chậm nhưng chắc và quy tắc bất biến là phải giữ gìn cho bằng được bản sắc văn hóa của đồng bào Tày”.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem