Cách đây ít năm, võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông sau khi chỉ mất khoảng 10 giây để đánh bại võ sư Ngụy Lôi của Thái Cực quyền đã lớn lối chê bai võ cổ truyền. Anh ta thậm chí còn chê bai võ công của các ngôi sao võ thuật điện anh như Lý Liên Kiệt chỉ là "làm màu".
Vậy thực tế võ công của Lý Liên Kiệt như thế nào và nếu không ốm bệnh, trẻ lại, anh có thể thi đấu lôi đài thắng Từ Hiểu Đông?
Từ thần đồng võ thuật
Lý Liên Kiệt (Jet Li) đến với võ thuật từ khi còn khá nhỏ và anh nhanh chóng thể hiện tố chất của một thần đồng.
Thuở ấu thơ, giống như tiền bối Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt không có thể trạng tốt cho việc học võ. Năm lên 8 tuổi, cậu bé đến với wushu một cách đầy bất ngờ. Anh bái võ sư Ngô Bân làm sư phụ (cùng với Chung Tử Đơn).
Chỉ một thời gian ngắn, cậu bé vốn yếu ớt đã lọt vào top 20 em (trong số 1000) vượt qua được kỳ thi để lọt vào lớp đào tạo đặc biệt, trong đó Jet Li là người trẻ nhất.
Tại đây, khối lượng tập ngày càng nặng thêm. Mùa đông đến, bọn trẻ vẫn phải tập ngoài trời giữa cái lạnh khủng khiếp của Bắc Kinh, tay chân cóng lại, đau buốt nhưng vẫn phải đập tay để tạo ra tiếng thật to, nếu không sẽ bị thầy quát mắng.
Lịch tập luyện trở nên dày đặc, ban ngày học văn hoá, từ chiều đến tối tập võ, đêm về lại chuẩn bị bài vở. Người ta kể rằng, thời gian võ sinh nơi đây đứng tấn nhiều hơn đi ngủ. Thậm chí có lần Lý Liên Kiệt bị gãy chân nhưng vẫn phải tập liên tục suốt 2 ngày sau đó.
Quá áp lực, Jet Li đã từng có ý định bỏ cuộc. Nhưng với sự động viên của thầy, cậu bé đã vượt qua được. Kể từ đây, ngôi sao tương lai nhanh chóng bộc lộ năng khiếu và tư chất để trở thành một cao thủ.
Lý Liên Kiệt biểu diễn đao thuật khi mới 8 tuổi
Lý Liên Kiệt biểu diễn võ năm 8 tuổi.
Đạt đến cảnh giới nào?
Lý Liên Kiệt tham gia vào Đại hội võ thuật toàn năng Trung Quốc lần thứ nhất và ngay lập tức đoạt giải quán quân ở nội dung biểu diễn khi mới 9 tuổi. Sau đó cậu bé được tuyển thẳng vào đội biểu diễn đặc biệt của quốc gia.
Lý Liên Kiệt được triệu tập vào Học viện thể thao Bắc Kinh và chuyển hẳn sang luyện tập võ thuật. Một ngày 8 tiếng, một tuần 6 buổi, cậu chỉ được về nhà vào tối thứ 7 và quay lại trường vào tối chủ nhật.
Trải qua vài lần bị gãy chân, gãy tay, còn những vết bầm tím thì xuất hiện ở khắp cơ thể nhưng sự hy sinh của Jet Li cũng được đền đáp khi liên tiếp giật thêm 4 chức vô địch biểu diễn Giải võ thuật toàn năng nữa và trở thành hiện tượng hiếm có của nền thể thao Trung Quốc ở thời điểm đó.
Lý Liên Kiệt biểu diễn quyền cước
Lý Liên Kiệt biểu diễn quyền cước năm 1974Năm 1974, khi mới 11 tuổi, Lý Liên Kiệt đã trở thành nhà vô địch giải Wushu trẻ toàn Trung Quốc. Mọi người bắt đầu gọi cậu bé là Ngôi sao võ thuật.
Cũng trong năm này, tên tuổi của cậu bé nhút nhát ngày nào đã được nhiều người trên thế giới biết đến sau khi biểu diễn bài thương thuật cho Tổng thống Mỹ Nixon xem tại Nhà Trắng.
Chứng kiến Lý Liên Kiệt biểu diễn ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Nixon hỏi:
"Võ nghệ của cháu rất tuyệt vời! Lớn lên, cháu có muốn làm cận vệ cho tôi không?", cậu trả lời: "Cháu không muốn bảo vệ riêng ai. Cháu muốn bảo vệ tất cả đồng bào của cháu".
Câu nói khiến người Mỹ sững sờ, các tờ báo lớn đua nhau đưa cậu bé lên trang nhất.
Nhiều năm sau, anh liên tục giật giải quán quân trong các kỳ thi võ thuật, với màn múa thương và kiếm rất đẹp mắt (1975, 1977, 1978).
Đến năm 1979, anh đoạt giải Thành tựu Vàng của Tổng hội võ thuật Trung Quốc khi mới 16 tuổi và trở thành HLV võ thuật cấp quốc gia trẻ nhất Trung Quốc.
Phong cách chiến đấu
Chỉ nổi danh ở thể loại taolu (biểu diễn) nên Lý Liên Kiệt không được đánh giá quá cao ở khả năng thực chiến.
Theo phân tích từ các nhà nghiên cứu võ thuật thì anh thậm chí bị đánh giá thấp hơn người đồng môn Chung Tử Đơn, “hậu bối” vô địch tán thủ (đối kháng) Triệu Vân Trác hay các bậc đàn anh như Lý Tiểu Long, Trần Huệ Mẫn…
Không giống như Lý Tiểu Long, Thành Long… tập luyện rất nhiều môn võ khác nhau (cả wushu, taekwondo, karatedo… của phương Đông hay quyền Anh, đấu kiếm của phương Tây), Lý Liên Kiệt chủ yếu được biết đến nhờ môn võ wushu.
Điều này được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm điện ảnh mà anh tham gia diễn xuất. Khi nhập vai các nhân vật như Phương Thế Ngọc, Hồng Hi Quan, Trương Tam Phong, Hoắc Nguyên Giáp, Trần Chân, Vô Danh… nam tài tử đều thể hiện những tuyệt kỹ mang tính… biểu diễn.
Những đặc trưng tinh túy truyền thống của võ thuật Trung Hoa với nền tảng là võ Thiếu Lâm, Thái cực quyền của Võ Đang được siêu sao thể hiện rất nhuần nhuyễn.
Phong cách chiến đấu của Lý Liên Kiệt không thiên về sức mạnh cơ bắp mà thay vào đó là sự khéo léo. Đó là sự kết hợp của cương – nhu đặc trưng trong môn võ wushu.
Tiêu biểu nhất cho phong cách này chính là nhân vật Hoắc Nguyên Giáp chiến đấu với một võ sĩ cực kỳ to lớn và cơ bắp của Mỹ.
Clip tổng hợp các pha chiến đấu kinh điển của Lý Liên Kiệt trong phim
Một số pha hành động của Lý Liên Kiệt trong phim.
Là nhà quán quân taolu nhiều năm liền nên Lý Liên Kiệt sử dụng cực kỳ thành thạo những loại binh khí sở trường như thương, kiếm, đao, trường côn, côn tam khúc… Anh cũng có thể thực hiện những cảnh võ thuật nhanh, mạnh và chuẩn xác trên phim chứ không phải kỹ xảo hay máy vi tính.
Trong phim, Lý Liên Kiệt khiến người xem thán phục và thần tượng bởi những thế võ rất đẹp mắt, quyền ra quyền, cước ra cước, lả lướt nhưng có sức mạnh và tất cả đều rất mềm mại uyển chuyển, hoàn toàn khác với phong cách mạnh mẽ, quyết đoán của Lý Tiểu Long hay hài hước như Thành Long.
Tạp chí Võ lâm của Trung Quốc nhận xét: "Võ thuật của Lý Liên Kiệt đặc biệt nhất ở chỗ: Tốc độ nhanh, động tác chuẩn, lực đánh mạnh, cú đá đẹp, tiết tấu rõ ràng, thần thái đẹp mắt".
Những động tác quá chuẩn mực và đẹp mắt khiến người xem có cảm giác như Jet Li là võ sư “bất khả chiến bại”.
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu võ thuật thì những chiêu thức mà anh thường biểu diễn trên màn ảnh rất khó có thể sử dụng ngoài thực chiến.
Về trình độ võ thuật bản thân, Lý Liên Kiệt nói: “Tôi đã luyện tập Wushu hơn 28 năm. Trong những năm tháng đó, tôi đã gặp cả nghìn người và chứng kiến vô số loại võ thuật, và tôi cũng đã học được khá nhiều từ họ”.
Tuy nhiên chính bản thân anh thừa nhận trình độ võ thuật của mình chưa thể so với những huyền thoại. Khi được ví với huyền thoại Lý Tiểu Long, Jet Li đáp: “Tôi chưa bao giờ và sẽ rất khó có thể đạt đến trình độ của anh ấy - thần tượng của tôi”.
Là siêu sao nhưng Jet Li rất khiêm tốn.
Trong một lần khác khi được hỏi về phương pháp tự vệ, Lý Liên Kiệt tự nhận bản thân không có nhiều kinh nghiệm, "vì tôi luyện wushu thường tập trung vào những yếu tố khác nên không đưa ra được lời khuyên cụ thể, việc luyện tập cần phù hợp với sức khỏe và thể chất của mỗi người".
Về thực chiến, theo Lý Liên Kiệt, mỗi khi gặp tình huống nguy hiểm, hành động khôn ngoan nhất là nhờ đến sự can thiệp của cơ quan an ninh.
Anh lấy ví dụ khi gặp một tên cướp dí súng vào đầu với ý định cướp của: "Trong trường hợp này tốt nhất là đưa tiền cho hắn hơn là mạo hiểm tính mạng. Biết đâu trong giây lát khẩu súng cướp cò sẽ tiêu tan bao năm trời bạn luyện tập võ thuật".
Lý Liên Kiệt khẳng định: "Bạn phải phân biệt được giữa phim ảnh với thực tại. Những người hùng trên phim có thể đánh văng súng đối phương để cứu bản thân, còn thực tế sẽ khó xảy ra điều như vậy".
Những dấu ấn võ thuật trên màn ảnh
Sau khi thực sự nổi danh với bộ phim Hoàng Phi Hồng (1991), anh được cho là người thứ hai sau Lý Tiểu Long tạo nên cơn sốt tại Mỹ và châu Âu với những pha võ thuật Trung Quốc.
Khởi nghiệp ở Hollywood năm 1998, năm 2000, lần đầu tiên Lý Liên Kiệt được giao vai chính trong Romeo phải chết. Từ đó anh được coi là siêu sao hành động Hollywood.
Những năm sau, Lý Liên Kiệt góp mặt trong các phim Nụ hôn của Rồng, Chúa Cứu thế, Anh hùng, Long đàm hổ huyệt, Đấu khuyển…
Dù trong gần 30 năm sự nghiệp diễn xuất, anh đóng rất nhiều phim với nhiều vai diễn khác nhau nhưng dấu ấn để lại hầu như chỉ đến với hình tượng anh hùng võ thuật Trung Hoa cổ truyền chưa bị Tây hóa.
Người ta có thể quên anh trong các vai diễn ở Hollywood nhưng không bao giờ quên Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc, Trần Trân, Hoắc Nguyên Giáp, Vô Danh…
Giống như đàn anh Lý Tiểu Long, Jet Li được đánh giá cao nhờ việc quảng bá những tinh hoa của võ thuật Trung Quốc và đưa kungfu lên một tầm cao mới . Với anh, võ thuật chính là văn hóa, là triết học.
Trên chặng đường từ võ thuật đến với điện ảnh, ngoài những danh xưng mang tính ca tụng như “thần đồng võ thuật, “ông hoàng võ thuật”, Lý Liên Kiệt còn được danh gia võ học Trung Quốc - ông Lê Đạt Xung ca ngợi là “kỳ tài võ học”.
Dù đó chỉ là những từ ngữ để ca ngợi nhưng dẫu sao, Lý Liên Kiệt vẫn được coi là một trong những ngôi sao võ thuật sáng chói nhất, đem lại nguồn cảm hứng lớn nhất cho những thế hệ khán giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.