Gian nan tìm lại công bằng
Các hụi viên ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng bức xúc khi bị ông Trần Văn Cậy lừa tiền. Ảnh: C.L
Qua thông tin của phóng viên NTNN, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tới đây, UBND tỉnh sẽ mời các ngành, đơn vị có liên quan báo cáo, xử lý về vụ vỡ hụi có quy mô lớn ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Ông Chuyện cũng cho biết, trước đó, ông đã giao cho UBND huyện Trần Đề tìm hiểu vụ việc trên.
|
Những vụ vỡ hụi ở miền Tây có tổng số tiền người chơi từ 1 tỷ đồng trở lên đều mới nổi lên trong thời gian gần đây. Theo đó, người bị thiệt hại (hụi viên - HV) rất khó khăn trong việc đòi lại số tiền mà mình đã đóng trước đó cho chủ hụi (đầu thảo). Chẳng hạn như vụ vỡ hụi ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, xảy ra từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.
Bà Trần Thị Hiểu - một trong những nạn nhân trong vụ vỡ hụi trên cho biết: “Hơn 2 năm qua, tôi cùng những HV khác làm rất nhiều lá đơn, cầu cứu nhiều cơ quan chức năng như Công an, UBND, Tỉnh uỷ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa mà không thấy động thái nào giải quyết”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ vỡ hụi trên, Công an tỉnh Sóc Trăng vào cuộc và chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan về Công an huyện Trần Đề giải quyết theo thẩm quyền từ tháng 10.2015. Tuy nhiên theo bà Hiểu, đến tháng 3.2016, phía Công an huyện vẫn “tiếp tục im lặng”. Sau đó, các HV tiếp tục gửi đơn cầu cứu nhiều cơ quan chức năng thì Công an huyện Trần Đề lại chuyển ngược hồ sơ trên về tỉnh.
Nhiều HV cho biết: Trong thời gian các HV tìm đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, chủ hụi là bà Nguyễn Thị Quyết đã có dấu hiệu tẩu tán tài sản khiến cho các bị hại vô cùng bức xúc. Cụ thể, bà Quyết tìm cách bán chiếc tàu đi biển trị giá 400 triệu đồng mặc dù đã bị cơ quan chức năng kê biên (vụ việc đã được ngăn chặn sau đó), sang tên nhiều diện tích đất trong khu tái định cư…
Hơn 1 năm qua, vụ vỡ hụi khiến cho khoảng 150 người (tổng số tiền HV đóng vào hơn 10 tỷ đồng) ở ấp 4B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Sóc Trăng lâm vào cảnh khốn đốn cũng chưa được giải quyết sau khi chủ hụi rời khỏi địa phương.
“Nhiều người bị giựt hụi đã làm đơn hơn 1 năm nay, phía Công an huyện cũng đã xuống làm việc rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ trả lời với dân” - ông Trần Văn Tươi – Trưởng ấp 4B thông tin.
Tương tự, vụ vỡ hụi khoảng 6 tỷ đồng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Thế nhưng, nhiều nạn nhân của vụ vỡ hụi trên đều biết rằng vụ việc sẽ không bao giờ giải quyết được sớm và hy vọng lấy lại tiền sẽ không bao giờ có khi vợ chồng chủ hụi là ông Đinh Trung Trường và bà Hứa Kim Liên không về địa phương.
Khó khăn điều tra, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân
Bà Trần Thị Hiểu cho biết, vụ vỡ hụi xảy ra hơn 2 năm nhưng ngành chức năng chưa giải quyết
thoả đáng. Ảnh: H.X
Nói về lý do hình thức chơi hụi thường phổ biến tại các vùng nông thôn, đại tá Ngô Thành Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Ở nông thôn đồng tiền thường eo hẹp, nếu có nhu cầu cất 1 căn nhà hay mua sắm gì lớn người dân sẽ dành dụm chơi hụi. Đây là hình thức nhiều người góp vốn với nhau, nếu làm minh bạch sẽ giúp đỡ nhau.
Cũng theo đại tá Thật, cũng từ việc chơi hụi trên, thông qua việc lợi dụng lòng tin, đã có nhiều người nảy sinh lừa lọc bằng nhiều hình thức khác nhau. “Khi có hành vi lừa đảo trong chơi hụi, theo thẩm quyền, trên 500 triệu đồng thì do tỉnh xử lý, còn dưới 500 triệu đồng thì ở cấp huyện. Tuy nhiên, cần phải giải thích rõ hành vi lừa đảo, được xem là phạm tội là khi chủ hụi làm tên HV khống, hốt khống để trục lợi” – ông Thật thông tin.
Chơi hụi là tự nguyện với nhau trong một nhóm người, chính quyền không can thiệp vào. Chính vì vậy, theo đại tá Thật, khi có một vụ vỡ hụi xảy ra thì lực lượng chức năng phải điều tra, xác minh lại từ đầu. Đối với những vụ vỡ hụi có số tiền lớn, nhiều người tham gia thì việc điều tra, xác minh vô cùng khó khăn.
Từ năm 2006, hình thức chơi hụi được pháp luật công nhận với những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người tham gia. Tuy nhiên, quy định này cũng không ngăn được các vụ vỡ hụi quy mô lớn liên tiếp xảy ra khi thói quen chơi hụi ở nhiều nơi vẫn là sự tin tưởng lẫn nhau, không giấy tờ có căn cứ pháp lý.
Về những khó khăn khi bảo vệ quyền lợi người chơi hụi, luật sư Nguyễn Trường Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP.Cần Thơ) thông tin với phóng viên NTNN: “Khó khăn là ở chỗ xác định việc bội tín trong chơi hụi có dấu hiệu hình sự hay chỉ là quan hệ dân sự. Ngoài ra, quá trình thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh số tiền bị chiếm đoạt hoặc chiếm giữ cả vốn lẫn lãi cũng không phải dễ”.
Vì vậy, theo luật sư Thành, khi tham gia chơi hụi, người dân cần phải lưu ý chủ hụi phải là người có tín nhiệm và phải có tài sản để bảo đảm. Khi góp hụi, hốt hụi phải có sổ sách giấy tờ ghi lại đầy đủ. Khi bị chủ hụi hoặc HV chiếm đoạt tiền hụi bỏ trốn, cần trình báo ngay công an phường hoặc cảnh sát điều tra quận, huyện.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng ở miền Tây, khi chơi hụi, giữa các HV cần phải biết rõ về nhau. Đặc biệt là luôn cảnh giác, không đem số tiền quá lớn vào chơi hụi để tránh những tổn thất lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.