![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2010/images/2010-11-18/1435964856-so250_360do_kieu.jpg) |
Người trồng kiệu mong giá kiệu Tết cao để bù đắp thiệt hại do lũ. |
Những ngày này về các vùng trồng kiệu Tết ở Khánh Hòa đều nhận thấy một màu vàng xơ xác, trơ trụi từ các ruộng kiệu sau lũ.
Thiệt hại quá nửa
Sáng 17-11, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tính (Quảng Đức, Cam Hiệp Nam, Cam Lâm) ra chăm sóc lại ruộng kiệu để mong vớt vát được gì sau cơn lũ dữ. Trong 2 sào (1.000m2/sào) kiệu của bà thì đã có non 1 sào ngập trong nước, mất trắng hoàn toàn.
Hy vọng một mùa kiệu Tết huy hoàng đã nhanh chóng "sụp đổ", người trồng kiệu chỉ mong vớt vát những gì sót lại và hy vọng giá sẽ cao hơn để bù đắp những gì mất mát.
Số tiền đầu tư hơn 10 triệu đồng đã đi theo dòng nước lũ. Một sào còn lại cũng chỉ vớt vát được phân nửa, không thối gốc thì cũng bủn rễ, rất khó hồi phục.
Vùng trọng điểm kiệu của tỉnh, xã Cam Thành Nam (TX. Cam Ranh) cũng không nằm ngoài tình trạng này. Nước lũ hung dữ đã cuốn trôi, làm hư hỏng gần 100ha kiệu Tết. Ngay những "đại gia" trồng kiệu lâu năm như ông Võ Trọng Dư, Trần Đức Trầm (thôn Quảng Hòa) cũng phải "khóc" thầm.
Trúng mùa kiệu năm ngoái lãi hàng trăm triệu đồng, năm nay ông Dư "thừa thắng xông lên" làm 2,5ha, nhưng dòng nước lũ đã "cướp" không của ông 2 sào, số còn lại giảm 30-40% năng suất, thiệt hại ước tính vài chục triệu.
Ông Dư cho biết, đây là năm thiệt hại nặng nhất từ khi người dân Cam Thành Nam biết làm kiệu. Vụ này ông Trầm trồng 9 sào, mất trắng gần 2 sào, số còn lại thiệt hại 60-70%. Diện tích mất trắng là do xói lở, rửa trôi làm trơ cả gốc.
Vườn kiệu của ông Nguyễn Đức Thạnh (Quảng Hòa) và nhiều bà con khác cũng chịu chung số phận, mất trắng và thiệt hại lên đến 50-60%. Điều đáng lo là hầu hết những người trồng kiệu, ai cũng đi vay vốn, thiệt hại bất ngờ do lũ đã gây không ít khó khăn cho họ trong kế hoạch trả nợ và sắm sửa Tết.
Vớt vát sau lũ
Ông Nguyễn Trung Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại nhiều diện tích kiệu Tết, trong đó mất trắng gần 4 ha, 50% còn lại bị nước xói lở, vùi lấp, khó phục hồi, năng suất giảm ít nhất 40%.
Vụ kiệu này chi phí đầu tư lớn do giống khan hiếm và mọi chi phí khác như: công, vật tư, cày bừa… cũng đều cao, tăng 30% so với năm ngoái. Do giá giống tăng, bình quân 30-35 nghìn đồng/kg, đã đẩy chi phí đầu tư 1 sào kiệu lên 13-15 triệu đồng. Hội đang có kế hoạch vận động nông dân giữ giống, chủ động sản xuất giống cho vụ sau để giảm bớt sự phụ thuộc vào nơi khác.
Thiệt hại cây kiệu lớn còn do người trồng kiệu năm nay mở rộng thêm diện tích bởi thắng lớn trong vụ kiệu năm ngoái. Diện tích trồng kiệu của Cam Thành Nam lên tới 102ha, tăng 35ha, trong đó thôn Quảng Hòa mở rộng diện tích gần 100ha.
Thu hoạch kiệu năm ngoái vừa trúng giá vừa trúng mùa nên người trồng kiệu thắng lớn, bình quân 1ha lãi ròng 100 triệu đồng. Nhiều người nhận định, nếu năm nay giá kiệu có cao hơn (giá năm ngoái 18-20 nghìn đồng/kg) thì người trồng kiệu vẫn không lãi bằng năm ngoái vì chi phí đầu tư tăng và trận lũ "lịch sử" này để lại nhiều "tàn dư" ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng kiệu.
Q.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.