Vỡ mộng “siêu cao lương”, nông dân ngán ngẩm

Thuận Hải Chủ nhật, ngày 31/01/2016 18:30 PM (GMT+7)
Được “quảng cáo” rầm rộ là cây trồng siêu năng suất, siêu lợi nhuận do chịu được khô hạn, đồng thời tận dụng được tất cả các thành phần của cây. Tuy nhiên, nông dân trồng siêu cao lương tại Đồng Nai đang ngán ngẩm vì kết quả không như mong muốn.
Bình luận 0

Trong khi đó, phía doanh nghiệp (DN) triển khai dự án trồng siêu cao lương tại Đồng Nai cũng không rõ ràng trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm khiến nông dân bất bình.

Canh tác khó, năng suất thấp

Giữa tháng 6 năm 2015, Tập đoàn Sol Holding (DN có vốn đầu tư từ Nhật Bản) giới thiệu dự án trồng siêu cao lương với diện tích lớn. DN này cũng hứa hẹn sẽ xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra các sản phẩm như viên nén sinh học, xăng sinh học… để nâng giá trị gia tăng, cam kết lợi nhuận cao hơn cây ngô cho nông dân. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian tham gia trồng thử nghiệm, nhiều nông dân tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) hiện đang phải đối mặt thua lỗ vì cây cho năng suất thấp, việc canh tác, thu hoạch khó khăn, chi phí đầu tư lớn…

img

Cán bộ tỉnh Đồng Nai kiểm tra cây siêu cao lương được trồng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Ảnh Thuận Hải

Chia sẻ với NTNN, ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng thử nghiệm giống cây siêu cao lương tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc), cho biết, lúc mới tham gia dự án, ông kỳ vọng siêu cao lương sẽ đạt năng suất 180 tấn/ha như phía công ty giới thiệu. Nếu được vậy, việc trồng siêu cao lương sẽ vượt xa cây ngô. Nhưng thực tế sản xuất lại khác. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, ruộng cao lương của ông Thanh cho năng suất gần 60 tấn/ha, nhưng đến đợt thu hoạch lần 2, năng suất chỉ còn 11 tấn/ha, cách xa hoàn toàn so với mức dự báo của phía công ty.

Trong khi đó, là hộ nông dân trồng đạt năng suất cao nhất trong nhóm thử nghiệm siêu cao lương tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), đạt 102 tấn/ha vào vụ 1, nhưng ông Nguyễn Đức Thơm cũng hoàn toàn thất bại ở vụ 2. Ông Thơm cho biết, gia đình phải bỏ luôn ruộng cao lương, không thu hoạch vụ 2 vì năng suất quá thấp.

Ông Thơm khẳng định sẽ không chọn cây trồng này vì hiệu quả kém, chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch giống cây mới này đều cao hơn rất nhiều so với cây ngô. “Những năm trước trồng ngô, tôi bán cả ruộng cho DN thu mua, nhưng với cây siêu cao lương, tôi phải tìm công lao động để thu hoạch. Cây cao 3 - 4m nên nhân công rất vất vả, tốn thời gian công sức rất nhiều. Chỉ riêng chi phí tiền công đã hơn 11 triệu đồng cho 0,5 ha”- ông Thơm nói.

Doanh nghiệp “lấp lửng” với nông dân?

Sau chuyến khảo sát việc trồng thử nghiệm siêu cao lương tại hai huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc, ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu dự án được triển khai theo đúng những gì DN đã giới thiệu trước đó thì mức lợi nhuận của nông dân có thể “đỡ hơn chút đỉnh”. Cụ thể, DN cho rằng cây siêu cao lương có thể chịu được hạn hán, thiếu nước, nhưng trên thực tế, khi DN thu mua đợt 1 chậm khiến cây gặp hạn, không phát triển được ở vụ 2. Hơn nữa, DN “hứa” sẽ xây dựng nhà máy chế biến viên nén nhiên liệu ngay tại địa phương, giúp tăng giá trị cho cây trồng, nhưng đến nay “vẫn chưa thấy gì”.

PGS-TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, do là cây trồng mới, nếu mở rộng sản xuất, nông dân trong nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài từ khâu giống đến khâu tiêu thụ.

Cũng theo ông Báu, khi triển khai trồng thử nghiệm, DN cho rằng sẽ tiến hành thu hoạch bằng máy móc, giảm công lao động cho nông dân, nhưng trên thực tế, nông dân phải tự thu hoạch. Việc tìm công lao động thời vụ rất khó, đẩy chi phí giá thành tăng cao. Hơn nữa, do cây cao lương dài 3 - 4m nên nông dân phải chặt nhỏ cây ra, bó thành bó rất tốn thời gian.

“DN nói cây không bị ngã đổ nếu gặp thời tiết xấu, bão lũ… nhưng thực tế cây cao quá nên oằn mình ngang dọc khắp ruộng, rất khó thu hoạch. Dù DN có hỗ trợ một nửa chi phí thu hoạch, nhưng cũng khiến nông dân không bằng lòng”- ông Báu cho biết thêm.

NTNN đã liên lạc với ông Nguyễn Thái Sơn – Tổng Giám đốc Sol Holding Việt Nam, đơn vị triển khai dự án nhưng ông nói do đang công tác nước ngoài nên không thể trả lời những vấn đề liên quan đến cây siêu cao lương. Hơn nữa, ông chưa được Sở NNPTNT mời dự tổng kết hay cho phát biểu ý kiến gì về kết quả dự án. Do đó, ông Sơn không thừa nhận những kết quả ban đầu này từ phía Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng như nông dân tham gia dự án.

Trước đó, NTNN cũng đã có bài viết phản ánh rằng, việc Sol Holding “vẽ” ra dự án với khá nhiều mục tiêu lớn, đi từ ngành thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học đến phân bón như trên khó thành hiện thực trong thời gian ngắn. Hơn nữa, đã từng có nhiều loại cây trồng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam nhưng đến nay, hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng, thậm chí, nhiều dự án còn rơi vào tình trạng “chết yểu” như cây ca cao, cây bông vải…

Cây siêu cao lương là gì?

Theo giới thiệu của Tập đoàn Syswave Holdings Nhật Bản được đăng trên website của Cục Trồng trọt, giống “Siêu cao lương” mới (Super Sorghum) có ưu thế lai có sinh khối lớn; hàm lượng đường cao hơn mía; hiệu suất sản xuất etanol cao và sử dụng là thức ăn xanh, thức ăn lên men cho công nghiệp chăn nuôi bò sữa.
Theo các nhà khoa học của Sysware Holding Nhật Bản, siêu cao lương được tạo ra trong khoảng 7-8 năm gần đây bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học, không phải là giống chuyển gen (GMO), sau khi giải mã gen của cây cao lương thành công, các nhà khoa học đã đưa các gen quyết định sinh khối và hàm lượng đường cao vào dòng bố, mẹ của giống siêu cao lương này bằng lai quay lui (back cross), dùng phương pháp đánh dấu phân tử, và sử dụng hạt ưu thế lai F1 để gieo trồng.

Siêu cao lương trồng một lần, thời vụ ở khu vực phía bắc là vào vụ xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 và cho thu hoạch 3 lần trong năm, với khối lượng chất xanh lên tới trên 400 tấn chất xanh/ha, sản lượng etanol đạt trên 17.000 lít/ha; siêu cao lương có hàm lượng đường cao, hàm lượng chất khô trên 40%.

So với sắn, mía, sản xuất etanol từ siêu cao lương cao gấp 2-2,5 lần siêu cao lương có chiều cao từ 5-6m, khả năng tái sinh nhanh, thích ứng rộng và có thể gieo trồng trên nhiều loại đất, khả năng chịu hạn tốt, chống đổ khá, đổ ngã khi tốc độ gió đạt trên 17m/s, tuy nhiên siêu cao lương có khả năng hồi phục sau 3-4 ngày bị đổ nghiêng (giai đoạn cây cao 3-4 m).

Những vấn đề cần lưu ý với siêu cao lương là- đòi hỏi thâm canh cao, tốn chi phí phân bón, pH đất không được thấp hơn 5, tốt nhất là pH= 6-8, song nó cũng không bị ảnh hưởng trên đất kiềm pH>8,5, ngay cả khi pH= 9, chú ý sâu đục thân, bệnh đốm lá lớn và đốm lá nhỏ, rệp...

Theo kết quả khảo nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ, giống siêu cao lương VN1401 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết, đất đai ở các điểm khảo nghiệm trong chu kỳ 1 (gieo trong tháng 5 - tháng 6, thu lần 1 tháng 9 - tháng 10).

Tuy nhiên, theo Trung tâm này cần nghiên cứu thời gian thu hoạch tốt nhất cho mục đích cung cấp thức ăn xanh cho chăn nuôi bò, đồng thời phân tích thêm thành phần dinh dưỡng của sản phẩm ở các giai đoạn thu hoạch khác nhau.

Thuận Hải

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem