Vỡ nợ và bị cấm nhập khẩu vàng: Nỗi đau dần in hằn lên nền kinh tế Nga
Vỡ nợ và bị cấm nhập khẩu vàng: Nỗi đau dần in hằn lên nền kinh tế Nga
Huỳnh Dũng
Thứ ba, ngày 28/06/2022 07:07 AM (GMT+7)
Mới đây, nền kinh tế Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918, trước đó bị các nước G-7 sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Vậy liệu chuỗi sóng gió này sẽ làm chao đảo nền kinh tế Nga ra sao trong những tháng sắp tới?
Các hợp đồng bảo hiểm khoản nợ của Nga phát tín hiệu rằng 80% khả năng vỡ nợ trong nhiều tháng tới
Nền kinh tế Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, càng khiến đất nước xa lánh hệ thống tài chính toàn cầu sau các lệnh trừng phạt được áp đặt trong cuộc chiến ở Ukraine. Mới đây, nền kinh tế Nga bắt đầu vỡ nợ nước ngoài lớn đầu tiên trong hơn một thế kỷ, sau khi thời gian ân hạn đối với hai khoản thanh toán trái phiếu quốc tế hết hiệu lực.
Các khoản thanh toán lãi suất tổng cộng 100 triệu USD đã đến hạn vào ngày 27 tháng 5 và phải tuân theo thời gian gia hạn hết hạn vào ngày 27 tháng 6. Một số phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng, các trái chủ vẫn chưa nhận được các khoản thanh toán nào, sau khi nỗ lực thanh toán bằng đồng rúp của Nga đã bị chặn bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Jay S. Auslander, một luật sư về nợ có chủ quyền hàng đầu tại công ty Wilk Auslander cho biết: "Mặc dù có khả năng một điều kỳ diệu nào đó có thể xảy ra" và Nga nhận tiền thông qua các tổ chức tài chính cho các trái chủ bất chấp các lệnh trừng phạt, nhưng thực tế "không ai đặt cược liều lĩnh như vậy cả". Nga cũng không thể vì không có ngân hàng nào sẽ chuyển tiền".
Nga gọi bất kỳ vụ vỡ nợ nào là giả tạo vì họ có tiền để trả nợ nhưng nói rằng các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại tệ của nước này ở nước ngoài.
Các nhà đầu tư phỏng đoán rằng, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục vỡ nợ liên hồi trong nhiều tháng sắp tới vì các hợp đồng bảo hiểm khoản nợ của Nga phát tín hiệu rằng 80% khả năng vỡ nợ trong nhiều tháng tới.
Kịch bản nào xảy ra nếu 25% trái chủ trở lên nói rằng họ không nhận được tiền của mình?
Cách chính thức để tuyên bố vỡ nợ là nếu 25% trái chủ trở lên nói rằng họ không nhận được tiền của mình. Một khi điều đó xảy ra, các trái chủ sau đó có thể yêu cầu tòa án phán quyết để thực thi thanh toán.
Trong các trường hợp bình thường, các nhà đầu tư và chính phủ bị vỡ nợ thường thương lượng một dàn xếp trong đó các trái chủ được trao trái phiếu mới có giá trị thấp hơn nhưng ít nhất cũng phải bồi thường một phần cho họ. Nhưng điều này hơi khó vì nền kinh tế Nga đang bị cô lập và chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt, thế nên phương án ngồi lại cùng nhau là rất khó. Mặt khác, cũng không ai biết khi nào chiến tranh kết thúc, hay các lệnh trừng phạt được dịu dần.
Trong trường hợp khác, tuyên bố vỡ nợ và khởi kiện tức thời "có thể cũng không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất vì không thể đối đầu với Nga một cách dễ dàng vì quốc gia hung hăng này có quá nhiều điều chưa biết ở thời điểm hiện tại".
Nga có thể bị cắt khỏi hoạt động vay nợ trên thị trường trái phiếu, bị cắt đứt khỏi các thị trường vay vốn ở phương Tây cho đến khi tình trạng vỡ nợ được giải quyết hậu quả
Dù hình thức xử lý vỡ nợ xảy ra theo phương thức nào thì một khi cái kết đã đâu vào đó, thì một quốc gia vỡ nợ như Nga có thể bị cắt khỏi hoạt động vay nợ trên thị trường trái phiếu cho đến khi tình trạng vỡ nợ được giải quyết hậu quả, và các nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào khả năng của chính phủ Nga và sự sẵn sàng chi trả của họ sau sự cố mất uy tín nghiêm trọng. Tuy nhiên, Nga đã bị cắt đứt khỏi các thị trường vay vốn ở phương Tây, do đó, việc quay trở lại vay vốn dù sao cũng là một chặng đường dài khó nuốt ở thị trường lục địa già này.
Các nhà phân tích đầu tư đang thận trọng tính toán rằng một vụ vỡ nợ của Nga sẽ không gây ra tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ và thế giới do Nga "vốn đang bị cô lập tài chính", không như vụ vỡ nợ trong nước vào năm 1998. Hồi đó, việc Nga vỡ nợ trái phiếu trong nước bằng đồng rúp đã khiến chính phủ Mỹ phải vào cuộc và yêu cầu các ngân hàng cứu trợ cho Quản lý vốn dài hạn, một quỹ đầu cơ lớn của Hoa Kỳ bị sụp đổ, người ta lo ngại, nếu không giải quyết nó có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính và ngân hàng rộng lớn hơn.
Vàng: mặt hàng xuất khẩu chính thu về hàng chục tỷ đô la cho Nga sắp bị lên dàn hỏa thiêu trừng phạt
Vốn dĩ, Nga là một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới và kim loại này là mặt hàng xuất khẩu có giá trị thứ hai sau các sản phẩm năng lượng. Hầu hết những mặt hàng xuất khẩu đó đến các nước G7, đặc biệt là Anh, thông qua trung tâm giao dịch vàng ở London.
Tuy nhiên gần đây Tổng thống Biden cho biết Mỹ và Nhóm quốc gia G-7 sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga, tìm cách cắt giảm nguồn thu chính của Moscow khi nước này gây ra chiến sự ở Ukraine khi các nhà lãnh đạo G7 tập trung tại Bavarian Alps.
"Cùng nhau, G7 sẽ thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính thu về hàng chục tỷ đô la cho Nga, Việc cấm nhập khẩu sẽ khiến Nga khó tham gia vào thị trường vàng toàn cầu hơn", ông Biden viết trên Twitter.
Giúp cô lập nền kinh tế Nga hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế
Một quan chức chính quyền Mỹ cấp cao nói với các phóng viên rằng động thái này sẽ giúp cô lập Nga hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Đây là lệnh mới nhất trong một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các đồng minh của Ukraine áp đặt, bao gồm cả việc đàn áp xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu xuất khẩu lớn nhất của Nga.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một tuyên bố rằng các hành động được thực hiện chống lại vàng của Nga sẽ "giáng đòn trực tiếp vào các đầu sỏ chính trị của Nga và tấn công vào trung tâm bộ máy chiến tranh của Putin".
Ông nói thêm: "Chúng ta cần phải bỏ đói chế độ Putin. Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng tôi đang làm điều đó". Quan chức này cho biết: "Biện pháp vàng là" một minh họa liên tục về các bước mà G7 có thể thực hiện để cô lập Nga và tách nước này ra khỏi nền kinh tế toàn cầu".
"Và những tác động đó chỉ tích lũy theo thời gian, chẳng hạn như khả năng sản xuất của Nga, khả năng tiến hành chiến tranh của Nga sẽ suy giảm theo thời gian do kết quả của các bước đi chung mà G7 đã thực hiện".
Người dân Hoa Kỳ đã bị cấm tham gia vào các giao dịch liên quan đến vàng với ngân hàng trung ương Nga, Quỹ tài chính quốc gia của nước này và bộ tài chính theo lệnh hành pháp do Tổng thống Joe Biden ký ngày 15/4.
Trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm trừng phạt Nga đã đóng cửa hầu hết các thị trường châu Âu và Mỹ đối với vàng từ công ty khai thác vàng lớn thứ hai thế giới, cam kết G-7 sẽ đánh dấu sự cắt đứt hoàn toàn giữa Nga và hai trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, London và New York. Các nước G-7 khác là Đức, Pháp và Ý.
Trong những năm gần đây, vàng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sau năng lượng - đạt gần 19 tỷ USD hay khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vàng toàn cầu vào năm 2020, theo Nhà Trắng.
Trong số vàng xuất khẩu của Nga, 90% được chuyển đến các nước G-7, tương đương gần 17 tỷ USD. Hoa Kỳ nhập khẩu vàng dưới 200 triệu đô la từ Nga vào năm 2019 và dưới 1 triệu đô la vào năm 2020 và 2021.
Cộng với đó, với việc giới thượng lưu của Nga đổ xô mua vàng trong một nỗ lực để tránh tác động tài chính của các lệnh trừng phạt, lệnh cấm "sẽ trực tiếp giáng vào các nhà tài phiệt Nga", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong tuyên bố. Lệnh cấm nhập khẩu, sắp có hiệu lực, sẽ áp dụng đối với vàng mới được khai thác hoặc tinh chế, theo tuyên bố.
Đối phó lại, ngành công nghiệp vàng của Nga đang tìm kiếm các phương án bán hàng mới, chẳng hạn như xuất khẩu vàng nhiều hơn sang Trung Quốc và Trung Đông, những quốc gia không thuộc nhóm G-7.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.