Võ sư Phi Ngọc Long: Chiến thư gửi tới cao thủ Vịnh Xuân Flores

PV Thứ tư, ngày 08/09/2021 21:10 PM (GMT+7)
Dùng mắt nhấc bổng hai thùng nước nặng trên 10kg, lấy thân mình uốn cong thanh sắt, dùng đầu đập vỡ gạch ngói, để đá tảng lên người rồi dùng búa đánh bể đá mà người không hề hấn gì…
Bình luận 0

Đó là một số tuyệt kỹ khí công mà võ sư Phi Ngọc Long thường biểu diễn. Để có những tuyệt kỹ dị thường đó, Phi Ngọc Long đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ miệt mài và kiên định tập luyện.

Xuất ngoại tầm sư

Võ sư Phi Ngọc Long tên thật là Nguyễn Bá Ngọc. Nguyên quán anh ở tỉnh Hà Tĩnh, nhưng  sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lâm Đồng. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Ngọc được cha dẫn đến thọ giáo võ thuật với võ sư Nguyễn Minh Tuấn, thuộc môn phái Thiếu Lâm bắc phái ở Lâm Đồng. Có thiên chất và năng khiếu võ thuật cùng niềm đam mê và sự khổ luyện, dưới sự dìu dắt tận tình của danh sư Nguyễn Minh Tuấn, Long tiến bộ rất nhanh trên con đường võ thuật.

Võ sư Phi Ngọc Long: Tuyệt kỹ Thiếu Lâm dị thường và chiến thư gửi tới võ sư Vịnh Xuân Flores - Ảnh 1.

Võ sư Phi Ngọc Long.

Nhận thấy Long có tiềm năng và đam mê với võ thuật, võ sư Tuấn hết lòng truyền dạy những tuyệt kỹ của bổn phái cho cậu học trò. Năm 14 tuổi, sau khi học và nắm bắt thuần thục về ngoại công, Long được thầy Tuấn dạy về khí công, nội công. Nhưng do tuổi còn nhỏ, Long chưa thể lĩnh hội hết sự huyền vi của khí công, dù cậu đã kiên nhẫn tập theo thầy. 16 tuổi, Long đã đi thi đấu trong đội hình của hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng.

Năm Long học lớp 11, được người cậu Lê Mậu Phúc, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng nay là Giám đốc Nông trường Cao su Đồng Nai dẫn qua Trung Quốc đi du lịch và tìm sư học võ. Hai cậu cháu đến một võ quán do võ sư Zin Zang mở ra nằm cách chùa Thiếu lâm tự khoảng 80km, để học võ. Ở đó, Long được võ sư Zang truyền dạy cho kỹ năng Thiết đầu công. Sau ba tháng, Long về Việt Nam.

Khổ luyện tuyệt kỹ

Năm 18 tuổi, Long tạm biệt thầy và gia đình xuống TP.HCM theo học ngành Răng Hàm Mặt ở đại học Y Dược. Bắt đầu từ đây, con đường võ học của Long bước sang một giai đoạn mới. Long tìm đến nhiều danh sư trong làng võ TP.HCM để xin thọ giáo thêm các kỹ năng của các môn phái khác để bổ sung cho nền tảng võ học của mình.

Anh từng theo học võ công phái Nga Mi với võ sư Ngô Xuân Hiển ở quận Thủ Đức (TP.HCM), học quyền Anh với võ sư Nguyễn Tiến Minh, cựu vô địch quyền Anh, học với các võ sư Nguyễn Văn Du, Nguyễn Võ Tấn Hùng… Rồi học Kickboxing, tham gia vào đội tuyển thi đấu  võ cổ truyền của võ sư Hà Trọng Ngự.

Võ sư Phi Ngọc Long: Tuyệt kỹ Thiếu Lâm dị thường và chiến thư gửi tới võ sư Vịnh Xuân Flores - Ảnh 2.

Võ sư Phi Ngọc Long từng theo học võ công phái Nga Mi với võ sư Ngô Xuân Hiển ở quận Thủ Đức (TP.HCM).

Càng học, Long càng thấy võ học là vô bờ. Và niềm đam mê với khí công, nội công từ năm 14 tuổi luôn đau đáu, thôi thúc Long phải khám phá, khổ luyện về khí công, bởi học võ mà không luyện công thì chưa thể gọi là thành tựu. Anh nhớ lại lời thầy Tuấn dạy: “Luyện võ không luyện công, luyện cả đời cũng như không”.

Lúc này, những kiến thức về y lý, sinh học, phẫu thuật… mà Long tiếp thu trong trường đại học Y Dược đã giúp Long hiểu thêm về võ học, khí công, bởi võ học phương Đông luôn gắn kết với y lý và triết học âm dương. Nhiều lần Long khổ công luyện khí công, nhưng không thành. “Một lần tình cờ trên đường đi về nhà thì xe máy của tôi bị thủng bánh không đi được phải dắt bộ một đoạn khá xa. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ miên man. Rồi bỗng nhiên tôi hiểu ra rằng: Chiếc xe chạy được là nhờ có xăng và động cơ, cái đó ví như máu và tim của con người. Nhưng nếu không có không khí trong bánh xe, thì chiếc xe thành vô dụng. Xe cũng như người, không có không khí thì không sống được. Do vậy. cần biết cách thu khí và dẫn vào cơ thể. Đó là yếu quyết trong việc luyện khí công mà tôi chợt ngộ ra lúc đó”, võ sư Long nói.

Từ đó, vận dụng kiến thức y học, Long bắt đầu tập khí công. Khí công phải luyện vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối, vì lúc đó không khí trong lành, dễ luyện. Để luyện khí công anh phải thức khuya dậy sớm, miệt mài hàng năm trời bất kể nắng mưa và dần dần có tiến bộ. Hiện nay, ngoài môn Thiết đầu công, Long có thể biểu diễn các tuyệt kỹ võ công khác như: Nhãn cốt công từ là dùng  mí mắt nâng vật nặng lên, Long có thể dùng mí mắt nhấc bổng hai thùng nước nặng trên 10kg, lấy thân mình uốn cong thanh sắt, dùng đầu đập vỡ gạch ngói, để đá tảng lên người rồi dùng búa đánh bể đá mà người không hề hấn gì…

Tuy nhiên để luyện được những tuyệt kỹ đó không hề đơn giản. Võ sư Long kể về quá trình mình khổ luyện môn Nhãn cốt công, tức dùng mí mắt nâng vật nặng: “Một lần, lúc còn ở ký túc xá, tôi nhìn thấy đồng tiền xu nên nhặt lên cầm chơi. Xoa xoa đồng xu trên tay một lúc, tôi nghĩ mình thử xỏ dây vào đồng xu, dùng mắt nâng vật nặng xem.

Lúc đầu, tôi chưa dám đặt đồng xu mà dùng hai miếng nhựa đặt vào mắt cho quen, sau mới đặt đồng xu vào. Mới đầu bị xót mắt, đau mắt mấy bữa luôn. Một thời gian sau, tôi đã biểu diễn được kỹ năng Nhãn cốt công: Cho hai đồng xu vào mắt, hai đồng xu xỏ lỗ cột hai sợi dây có hai móc móc vào một cây quạt rồi nâng lên cho bạn bè xem. Họ tán thưởng tôi nhiệt tình và tôi thấy mình tự tin hơn. Sau nhiều năm tập luyện, tôi mới nâng được hai thùng nước nặng trên 10kg như giờ”.

Để quảng bá, xiển dương võ thuật bổn phái và cũng là dịp để thử nghiệm, rèn luyện thêm những tuyệt kỹ của mình, Long đi cùng với một đoàn tạp kỹ đi biểu diễn những tuyệt kỹ của mình ở nhiều nơi như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Gia Lai…

Truyền thụ võ thuật

Ngoài biểu diễn võ công võ sư Long còn là một vận động viên thi đấu tự do ở môn phái võ cổ truyền, quyền Anh, Kickboxing… Anh đoạt trên 10 huy chương Vàng ở các giải đấu của tỉnh Đồng Nai.

Võ sư Phi Ngọc Long: Tuyệt kỹ Thiếu Lâm dị thường và chiến thư gửi tới võ sư Vịnh Xuân Flores - Ảnh 3.

Võ sư Phi Ngọc Long chưa thể giao đấu với võ sư Vịnh Xuân Francois Flores.

Năm 2006, Long đoạt huy chương Bạc quốc gia ở tiết mục đấu đối kháng. Năm 2007, Long đoạt huy chương Vàng tại giải đấu Quyền anh toàn quốc tổ chức ở Phú Yên… Nhưng niềm đam mê lớn nhất của anh là khổ luyện thêm những tuyệt kỹ võ thuật và truyền thụ võ thuật cho mọi người.

Năm 2008, võ sư Long mở võ đường mang tên mình ở chùa Phước Quang nằm cạnh quốc lộ 51 đi Vũng Tàu tại xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học trò anh đến nay đã có hàng ngàn người theo học. Hàng ngày có gần 100 học trò tập luyện ở võ đường. Anh từng nhiều lần dẫn học trò đi thi đấu ở các giải võ thuật cổ truyền.

Trong đó có nhiều em đã đoạt nhiều thành tích ở các giải đấu võ cổ truyền, như: Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thế Hợp, Lê Tuấn Anh, Tô Bảo Lâm, Phùng Kim Ngân, Thái Nguyễn Thành Đô… Anh cũng từng mở lớp Kỹ năng tự vệ võ thuật miễn phí cho mọi người. Danh tiếng và uy tín trong làng võ của Long ngày một cao, anh được một đơn vị quân đội mời đến làm cố vấn võ thuật cho đơn vị.

Hồi năm 2017, trên facebook cá nhân của mình, Võ sư Phi Ngọc Long thuộc môn phái Võ cổ truyền Việt Nam đã gửi thư ngỏ, muốn giao đấu cùng võ sư Vịnh Xuân Francois Flores.

Cụ thể, võ sư Phi Ngọc Long viết:

Xin chào võ sư Pierre Francois Flores. Tôi – võ sư Phi Ngọc Long thuộc bộ môn võ cổ truyền Việt Nam. Tôi là người cũng có biết chút võ nghệ và cũng có dạy một số bạn trẻ về võ cổ truyền tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Tôi cũng chỉ là người bình thường không lấy gì là tiếng tăm hay nổi trội. Qua phần giao lưu giữa ông và võ sư Châu, tôi nhận định ông Châu chưa thực sự đấu và chưa đấu đá bao giờ, kinh nghiệm thực chiến chưa có nên đã bị như thế.

Nên nay tôi mạo muội muốn được có cơ hội giao lưu học hỏi cùng ông ,và nhờ ông chỉ bảo thêm. Tôi sẽ dùng võ cổ truyền Việt Nam để được giao lưu cùng ông. Nếu có dịp cho tôi xin được thọ giáo ông một lần coi như giao lưu. Địa chỉ tôi ở 54A tổ 1 kp 11 An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai.

Tuy người Việt nam chúng tôi không to con như người nước ngoài, chỉ tầm 70kg, cao chưa quá 175cm nên vấn đề thua như võ sư Châu là chuyện đương nhiên. Riêng tôi không dám nói sẽ thắng ông hay có thể hạ ông được. Nhưng tôi tin mình có thể cùng ông giao lưu đến hết hiệp đấu.

Theo nguyên tắc tham gia thi đấu các hạng cân với nhau không quá 5kg, nhưng tôi vẫn muốn thử sức mình nhờ vào đòn thế của võ cổ truyền Việt Nam. Xin được thọ giáo và giao lưu với ông, tôi tin chắc rằng sẽ đấu được với ông theo luật thi đấu của cổ truyền hoặc kick-boxing.

Bởi võ cổ truyền chúng tôi lấy nhỏ để đánh lớn, lấy yếu chế mạnh nên tôi tin chắc sẽ không để ông thất vọng. Nếu ông có thể cho tôi cơ hội được gặp và giao lưu, tôi – võ sư Phi Ngọc Long xin được ngỏ lời, không dám nói là thách đấu hay nghênh chiến, nhưng tôi rất mong muốn được giao lưu và học hỏi cùng ông.

Thắng hay thua đối với tôi không phải là vấn đề để chúng ta tranh luận, mà chỉ là một cuộc giao lưu học hỏi, nhằm bổ sung thêm kiến thức võ thuật cho cá nhân tôi nói riêng và nền võ học nước nhà nói chung.

Tôi tin rằng võ cổ truyền Việt Nam không phải như những gì chúng ta đang thấy. Xin chân thành cảm ơn.

Tôi, võ sư Phi Ngọc Long".

Tuy vậy, vì những lý do khác nhau mà từ đó cho tới nay, võ sư Phi Ngọc Long và võ sư Vịnh Xuân Francois Flores chưa thể giao đấu với nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem