Đội đèn giữa đêm đen, dân Hà Tĩnh í ới gọi nhau đi tóm cua đồng, lên khỏi bờ là bỏ túi tiền triệu
Đội đèn giữa đêm đen, dân Hà Tĩnh í ới gọi nhau đi tóm cua đồng, lên khỏi bờ là bỏ túi tiền triệu
Tập Thỏa
Thứ năm, ngày 01/12/2022 13:20 PM (GMT+7)
Những ngày này, tại các ruộng lúa ở Hà Tĩnh có rất nhiều cua đồng. Sau khi xong bữa cơm tối, nông dân Hà Tĩnh lại đội đèn, gọi nhau đi bắt cua đồng. Cua đồng bắt được bán giá 70.000 -90.000 đồng/kg, người dân bỏ túi nửa triệu đồng mỗi đêm.
Clip: Những ngày này, người dân huyện huyện của tỉnh Hà Tĩnh đổ xô đi bắt cua đồng, bán với giá cao.
Khi màn đêm buông xuống, trời mát mẻ, tại các cánh đồng lúa đã thu hoạch trên địa bàn Hà Tĩnh cũng là lúc cua đồng bò ra khỏi hang đi kiếm ăn. Đây cũng là lúc nhiều nông dân gác lại việc nhà, đầu đội đèn pin đi ra các ruộng lúa của các huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… (Hà Tĩnh) để săn cua đồng
Cua đồng (còn gọi là điền giải hoặc dam) là một loài trong họ cua đồng nước ngọt, có số lượng nhiều tại Việt Nam. Cua đồng phân bố rộng ở vùng nước ngọt, từ đồng bằng, trung du, miền núi. Cua đồng sống ở tầng đáy, ưa nước sạch, đào hang thích nghi với bùn sét, bùn cát. Cua đồng sống trong hang, lỗ tại các bờ ruộng, bờ kênh, rạch, chúng thường bò ra khỏi hang kiếm ăn vào buổi tối.
Sau giờ cơm tối, ông Phạm Bá Tiến (thôn Phúc Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) lại mặc đồ bảo hộ, đi ủng để đi "săn" cua đồng. Ảnh: PV.
Cua đồng xuất hiện quanh năm, thời điểm sau khi thu hoạch các vụ lúa là cua đồng nhiều và dễ bắt nhất. Những năm gần đây, các món ăn từ cua đồng được thị trường ưa chuộng, thương lái thu mua với giá cao nên nghề đi bắt cua đồng mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
Mặt trời chưa kịp tắt nắng, ông Phạm Bá Tiến (trú tại thôn Phúc Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) đã chuẩn bị bữa cơm tối bên cạnh đó tranh thủ sắp xếp các dụng cụ như: đèn pin, xô nhựa, bao tay, đôi ủng… để sẵn sàng cho cuộc "đi săn" cua đồng trong đêm.
Người dân "săn" cua đồng cũng dễ gặp nguy hiểm, ban đêm trên các cánh đồng nhiều côn trùng xuất hiện, kể cả rắn độc… Ảnh: PV.
Khoảng 18h30, ông Tiến đã tụ họp với các đồng nghiệp của mình tại cánh đồng xã Cẩm Sơn (cách nhà anh Tiến khoảng 2km) sau đó mỗi người chia nhau một hướng để thuận tiện hơn cho cuộc "đi săn" cua đồng".
Với kinh nghiệm 7 năm trong nghề bắt cua đồng, ông Phạm Bá Tiến bật mí: "Sau khi thu hoạch lúa là thời điểm con cua đồng béo và nhiều gạch nhất vì chúng ăn những hạt lúa rơi vãi. Cua đồngmùa này có kích cỡ lớn hơn những mùa khác, cũng không lo sợ thuốc trừ sâu của bà con nên cua đồng sạch và ngon hơn. Đây cũng là lúc chúng tôi dễ dàng phát hiện cua đồng để bắt chúng.
Muốn bắt được cua đồng, ngoài mang theo chiếc đèn pin sáng ra thì chúng tôi còn phải di chuyển nhẹ nhàng, mắt tinh, nhanh tay vì nếu phát hiện nguy hiểm cua sẽ bò vào hang hoặc nấp dưới bùn ngay".
Cùng "săn" cua đồng với ông Tiến, bà Nguyễn Thị Đào cho biết: "Đi săn cua đồng ban đêm không có gì khó, chỉ hơi cực do phải lội nhiều trong bùn. Chúng tôi cần phải nhanh tay và biết cách tóm cho đúng chỗ để cua không chạy đi, không bị kẹp tay. Mùa này tôi cùng mọi người ra đồng bắt cua đồng vui hơn ở nhà, lại có tiền để chi tiêu".
"Đề phòng rắn cắn, nên tôi đi soi cua đêm ngoài đầu tư mua đèn pin có độ sáng cao, còn phải đi ủng cao sát đầu gối. Bên cạnh đó, mang tất tay nhằm tránh cua cắn và đỉa hút máu" – bà Đào bật mí.
Theo người dân địa phương cho biết, họ xem cua đồng là "lộc trời" nên ban ngày thì người lớn đi làm việc, trẻ em đến trường nhưng tối đến thì mọi người tranh thủ ra đồng soi cua đồng, có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.
Sau 4 tiếng, bà Đào bắt được hơn 5kg cua đồng, được thương lái thu mua với giá từ 70.000 -90.000 đồng/kg, một đêm đi săn vất vả "chiến lợi phẩm" bà đã bán được gần 500.000 đồng.
Cua đồng có tên khoa học là Somanniathelphusa Sinensis tên gọi khác là điền giải, nằm trong nhóm cua đồng nước ngọt. Cua đồng không chỉ được dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau mà nó còn có rất nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của người dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.