Dư luận cũng hoan nghênh Bộ Công an, Công an tỉnh Phú Yên, VKS tỉnh này đã kịp thời vào cuộc để làm rõ những việc làm khuất tất của công an và VKS huyện Sơn Hòa.
Hành vi sai phạm của công an và VKS huyện Sơn Hòa đã xâm phạm nghiêm trọng đến đời sống tâm linh của người dân (không chỉ ở nước ta mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới) được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Chúng ta đã từng biết nhiều vụ tai nạn máy bay, tàu thủy có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tử nạn. Khi đó các cơ quan chức năng đều phải cố gắng tìm cho được người thân của nạn nhân, kể cả trường hợp nạn nhân chỉ còn chút ít phần cơ thể. Nhiều trường hợp phải tốn kém cả triệu USD để giám định ADN. Nhưng họ vẫn phải làm. Đó không chỉ là pháp luật mà còn là đạo lý của loài người.
Không ai có thể tin nổi việc cho chôn giấu xác nạn nhân một cách vội vàng khi chưa thông báo đến gia đình. Vậy mà Công an huyện Sơn Hòa lại biện minh cho việc làm của mình rằng “vì không tìm được thân nhân nạn nhân nên nếu để lâu, công an huyện sẽ không đủ kinh phí chi trả việc bảo quản thi thể”. Cách biện minh này chính giám đốc BV Đa khoa Phú Yên đã bác bỏ và dư luận thì càng thêm nghi ngờ!
Có thể một cán bộ công an mới vô nghề không biết, không thuộc các quy định của pháp luật về quy trình giải quyết một vụ TNGT đường bộ nhưng một sĩ quan cấp tá, lại là lãnh đạo công an của huyện thì phải biết, phải thuộc Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA về quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ. Lý giải như vị phó Công an huyện Sơn Hòa đến trẻ con cũng nghe không lọt lỗ tai! Dư luận có quyền nghi ngờ về tính trong sáng, liêm khiết, trung thực của công an và VKS huyện Sơn Hòa trong vụ TNGT này.
Khi báo chí nêu, dư luận bức xúc thì Công an huyện Sơn Hòa vẫn còn cố tình báo cáo thiếu trung thực, rằng “lãnh đạo công an huyện đã thống nhất với VKSND huyện báo cáo lãnh đạo UBND huyện phối hợp với chính quyền địa phương xã Suối Bạc mai táng nạn nhân”. Trong khi đó, chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa khẳng định: “Họ có xin ý kiến gì đâu, bên công an chỉ có báo sự việc, còn chuyện mai táng thì không có báo cáo”.
Căn cứ vào đâu mà công an huyện cho rằng hành vi của anh Huỳnh Xuân Điền là hành vi gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho xã hội khi lao vào xe mà trên tay có cầm đá! Giả thiết có chuyện này đi nữa thì đó cũng không phải là căn cứ để vội vã chôn giấu xác nạn nhân nhằm xóa đi các chứng cứ quan trọng của vụ án.
Điều đáng chú ý là khi anh Điền bị tai nạn, công an có đến nhà nhưng cố tình không cho gia đình hay tin anh Điền bị tai nạn. Trong khi đó, nhà nạn nhân chỉ cách công an huyện và cả nơi xảy ra tai nạn khoảng 1 km!
Nếu đúng Công an huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo phó Công an thị trấn Củng Sơn và một trinh sát viên đến nhà nạn nhân báo tin vụ tai nạn thì càng chứng tỏ rằng Công an huyện Sơn Hòa biết rõ nạn nhân là ai, ở đâu! (Còn việc những người được cử đến nhưng không thông báo cho gia đình lại thuộc về trách nhiệm cá nhân của hai người này.) Nếu không biết nạn nhân là ai thì sao Công an huyện Sơn Hòa phải yêu cầu công an thị trấn viết kiểm điểm trình bày lý do vì sao không báo cáo trung thực?
Như vậy, việc vội vã chôn giấu xác nạn nhân là việc làm mờ ám, có chủ ý của công an, VKS huyện Sơn Hòa và chủ xe gây tai nạn. Việc làm này cũng không khác gì đem giấu xác nạn nhân để phi tang… Hành vi này trước hết đã xâm phạm thi thể vì đã tự ý đem xác nạn nhân chôn giấu ở nghĩa trang khi chưa cho thân nhân nhận diện. Hành vi chôn giấu xác nạn nhân còn có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm cho người lái xe tải đã gây tai nạn làm anh Điền bị chết (nếu sau này chứng minh được lỗi gây TNGT hoàn toàn thuộc về lái xe). Ngoài ra hành vi của một số cán bộ công an và VKS huyện Sơn Hòa có thể còn là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu điều tra đến nơi đến chốn, biết đâu ai đó còn có tội nhận hối lộ hoặc tội đưa hối lộ… Nói chung, phải điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao lại có việc vội vàng chôn giấu xác nạn nhân như vậy?
Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.