Vơi dần hiểm nguy nơi biển dữ: Không đơn độc trước tàu lạ

An Sơn – Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 10/05/2016 06:27 AM (GMT+7)
Trước việc ngày càng có nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn bị tàu Trung Quốc phá hoại tài sản, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) đã cùng ngư dân triển khai giải pháp đối phó.
Bình luận 0

Thiệt hại nặng nề

Đã 1 tháng kể từ khi bị tàu Trung Quốc phá hoại ngư lưới cụ, ngư dân Đỗ Thanh Hùng (ngụ thôn 5, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) vẫn sống trong lo lắng. “Vụ phá hoại của tàu Trung Quốc khiến tàu của tôi thiệt hại 80 triệu đồng, tôi phải vay mượn tiền để khắc phục. Giai đoạn này việc đánh bắt gặp khó khăn do tình trạng cá chết hàng loạt, nên tôi rất lo lắng về khoản nợ trên”- ông Hùng nói.

img

Hành vi phá hoại của tàu Trung Quốc đã khiến nhiều ngư dân Quảng Trị thiệt hại nặng nề (trong ảnh: Chiếc mỏ neo cố định lưới rập ghẹ của tàu cá Trung Quốc dùng để phá hoại lưới của ngư dân Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Vũ

Tàu cá của ông Hùng chỉ là một trong số rất nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở xã Vinh Thanh bị tàu Trung Quốc phá hoại tài sản trong vài năm trở lại đây. Chỉ tính từ giữa tháng 11.2015 đến nay, đã có 11 tàu cá của ngư dân xã này khi đang đánh bắt xa bờ tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt xẻ, phá hoại ngư lưới cụ. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã có 5 trường hợp tàu cá của ngư dân địa phương bị tàu Trung Quốc phá hoại tài sản. Ông Nguyễn Thanh Phát- Chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Thanh cho biết, hành vi phá hoại của các tàu Trung Quốc trong thời gian qua đã gây thiệt hại tiền tỷ cho ngư dân địa phương.

Giúp ngư dân thu thập  chứng cứ

Đại tá Lê Văn Phương- Phó chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Sau khi nhận được thông tin về việc nhiều tàu cá của ngư dân xã Vinh Thanh bị tàu Trung Quốc phá hoại tài sản, đơn vị đã báo cho các lực lượng liên quan vào cuộc. Theo ông Phương, không chỉ ngư dân xã Vinh Thanh mà ngư dân xã Phú Thuận (cùng thuộc huyện Phú Vang) thời gian qua cũng gặp tình trạng này.

"Nếu gặp sự cố, đầu tiên ngư dân phải báo cho Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, ngư dân nên gọi cho lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, đơn vị Tìm kiếm cứu nạn, Biên phòng. Số điện thoại của những lực lượng này ngư dân đều đã được thông tin cụ thể”. 
Ông Bùi Thanh Hòa- cán bộ Chi đội Kiểm ngư 3 
(đóng tại Đà Nẵng)

Theo đại tá Phương, những vụ việc tàu cá của ngư dân ở tỉnh bị tàu Trung Quốc phá hoại trong thời gian qua khó xử lý vì ngư dân báo quá muộn. Cụ thể, khi bị tàu Trung Quốc phá hoại, ngư dân không báo ngay cho lực lượng chức năng mà đợi đến khi vào bờ mới trình báo. Lúc ngư dân trình báo thì sự việc đã xảy ra khoảng 1 tuần nên các lực lượng tuần tra trên biển không thể can thiệp. Trong khi đó, những hình ảnh về hành vi phá hoại của các tàu Trung Quốc mà ngư dân cung cấp không đạt chất lượng nên không rõ chứng cứ để đấu tranh. Trước thực trạng này, ngoài yêu cầu ngư dân báo ngay khi bị tàu Trung Quốc phá hoại, lực lượng biên phòng tỉnh đã triển khai hướng dẫn cho ngư dân trên địa bàn cách thu thập chứng cứ đấu tranh. Việc quay phim lại hình ảnh tàu Trung Quốc phá hoại, tọa độ nơi xảy ra vụ việc và nhiều nghiệp vụ khác đã được lực lượng bộ đội biên phòng tập huấn cụ thể cho ngư dân.

Theo thống kê của BCH BĐBP tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay có hàng chục lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Quảng Trị, phá hoạt tàu cá Việt Nam. Đơn cử như hồi đầu năm, chỉ trong 20 ngày (từ 1-19.1) BĐBP Quảng Trị đã phát hiện 47 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển, và còn phá hoại tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, có ngư dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì bị tàu cá Trung Quốc cắt phá lưới.

img

Lực lượng cảnh sát biển luôn sát cánh bảo vệ, hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: Nam Cường

Ngư dân Võ Thanh Tánh - chủ tàu cá QT 91379 - TS 440CV (trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và bản thân tàu cá của ông nói riêng đã nhiều lần bị tàu cá Trung Quốc tấn công, dùng mỏ neo phá hoại cắt lưới, thiệt hại quá lớn.

Đại tá Đào Hồng Nghiệp - Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2:

Nên đi theo tổ đội

Để an toàn đánh bắt trên biển, ngư dân nên đi theo tổ đội ít nhất 3-4 tàu trở lên. Dù lực lượng Cảnh sát biển luôn có mặt tuần tra trên biển, nhưng  biển cả mênh mông, không thể lúc nào cũng có mặt kịp thời được. Nhiều lúc, tuần tra qua một vùng biển không có vấn đề gì, nhưng tàu Cảnh sát biển di chuyển được khoảng 50-60 hải lý thì tàu ngư dân lại gặp sự cố. Chúng tôi mong muốn ngư dân luôn giữ liên lạc với các cơ quan chức năng để có thông tin kịp thời.

Ông Bùi Tân Nguyên - Giám đốc Trung tâm Phối hợp và Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2:

Cảnh giác hơn khi ra biển

Thời gian qua  việc ngư dân ta đánh bắt trên biển bị uy hiếp, thậm chí bị cố tình đâm chìm tàu đang gia tăng. Chúng tôi luôn sẵn sàng ứng cứu ngư dân,  nhưng với phương tiện ít ỏi khó có thể đảm bảo hỗ trợ 100%. Vì thế, trước hết ngư dân cần tăng cường cảnh giác hơn khi ra biển, nhất thiết đi theo các tổ đội để có thể hỗ trợ nhau khi gặp nạn. Các tàu cũng nên thông tin mật thiết với các lực lượng thực thi trên biển để cầu cứu khi tai nạn xảy ra.

Đại tá Lê Tiến Hưng - Tham mưu trưởng  Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng:

Giữ liên lạc với cơ quan chức năng

Với diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng thường xuyên phối hợp các cấp chính quyền tổ chức các buổi làm việc để lắng nghe ý kiến của bà con ngư dân, động viên bà con phải bình tĩnh, tiếp tục bám biển để làm kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi cũng khuyên ngư dân khi đánh bắt trên biển phải thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng để có vị trí chính xác ứng cứu kịp thời khi có sự cố.

Đình Thiên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem