Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH VN
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ qua Ngân hàng CSXH hiện đạt 121.696 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2013 dư nợ tăng thêm gần 8.000 tỷ đồng (7,5%), đạt 100% kế hoạch năm.
Thưa ông, kết quả hoạt động của của Ngân hàng CSXH năm 2013 có gì đáng chú ý?- Năm 2013 tiếp tục là năm thu nợ tốt của Ngân hàng CSXH. Thu nợ tốt giúp cho việc quay vòng vốn hiệu quả. Trong năm, Ngân hàng CSXH đã thu gần 27.000 tỷ đồng nợ đến hạn. Trong số hơn 34.000 tỷ đồng nguồn cho vay mới trong năm 2013 thì có tới 70% là nguồn thu nợ. Thu nợ từ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) đạt hơn 7.000 tỷ đồng, vượt hơn 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Như vậy, Chương trình tín dụng HSSV năm 2013 cho vay 5.500 tỷ đồng nhưng thu nợ được tới hơn 7.000 tỷ đồng, dôi ra hơn 1.500 tỷ đồng để bố trí cho vay các chương trình tín dụng khác. Điều này chứng tỏ việc thu hồi nợ từ chương trình tín dụng HSSV khá tốt.
Giải ngân vốn hộ cận nghèo tại xã Đồng Lạc (Chương Mỹ, Hà Nội)
Cũng năm 2013, lần đầu tiên Chính phủ giao cho Ngân hàng CSXH cho vay đối với hộ cận nghèo. Chỉ trong 8 tháng, ngân hàng đã giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho hơn 390.000 hộ cận nghèo. Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ cận nghèo được người dân và các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao, cho đây là một trong những giải pháp tích cực, hiệu quả góp phần hạn chế tình trạng tái nghèo.
Năm qua, Ngân hàng CSXH quyết liệt áp dụng các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, kết quả ra sao?- Năm 2013, chất lượng tín dụng ưu đãi tiếp tục được nâng lên. Nếu như đầu năm, nợ quá hạn ở mức 1,08% thì cuối năm tỷ lệ này chỉ còn 0,79%. Đây là kết quả của một năm ngân hàng nỗ lực, tích cực, khẩn trương áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng như củng cố hệ thống; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh nội bộ; tin học hóa để nâng cao chất lượng phục vụ; xử lý nợ rủi ro; củng cố nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người vay...
Vốn quay vòng tốt, hiệu quả sẽ có thêm nhiều đối tượng được thụ hưởng, nhiều hộ thoát nghèo trả được nợ để hộ nghèo khác được vay. Xã hội hóa hoạt động tín dụng ưu đãi tiếp tục được thực hiện tốt hơn ở từng khâu, công đoạn của nghiệp vụ như đưa vốn về, bình xét cho vay, giải ngân, giúp nhau sử dụng vốn đúng mục đích, xử lý vấn đề rủi ro… Các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn; xây dựng NTM; thắt chặt tình đoàn kết thôn, xóm, đảm bảo an ninh trật tự…
Thưa ông, năm 2014, hoạt động của Ngân hàng CSXH sẽ có điểm gì mới?- Chúng tôi tiếp tục làm tốt các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng đã được giao; phục vụ tốt nhất cho công tác giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn như thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, tín dụng Ngân hàng CSXH tăng 6,5%, tương đương 7.100 tỷ đồng. Nguồn tăng trưởng sẽ được ưu tiên bố trí cho vay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường... Chúng tôi sẽ thực hiện huy động vốn; thu nợ đến hạn để tạo nguồn cho vay mới.
Dự kiến, năm 2014, ngân hàng thu hồi gần 30.000 tỷ đồng cộng với 7.100 tỷ đồng tăng trưởng thêm để bố trí cho vay các chương trình tín dụng; ưu tiên vốn cho chương trình cho vay hộ cận nghèo. Cả nước hiện nay có hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo, năm 2013 mới chỉ có 390.000 hộ được vay. Ngân hàng cũng sẽ nỗ lực làm tốt công tác xử lý nợ rủi ro cho người dân, nhất là tại những địa phương xảy ra thiên tai…
Còn về những tồn tại, khó khăn thì Ngân hàng CSXH định hướng giải quyết thế nào, thưa ông?
"Các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn; xây dựng NTM; thắt chặt tình đoàn kết thôn, xóm, đảm bảo an ninh trật tự…”. Ông Nguyễn Văn Lý
|
- Hơn 10 năm thành lập và phát triển, Ngân hàng CSXH luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nuớc, Chính phủ, Quốc hội, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Vì thế, ở tầm vĩ mô, Ngân hàng CSXH không có khó khăn gì cả. Tuy nhiên, để ngân hàng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách thì cần giải quyết một số tồn tại sau:
Thứ nhất, đó là bất hợp lý về nguồn vốn. Hiện nay, hơn 70% vốn Ngân hàng CSXH thuộc diện ngắn hạn, trong khi các chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện lại cho vay trung, dài hạn, nên nguồn vốn chưa bền vững.
Thứ hai, vốn huy động hiện 46% là lãi suất thấp, hơn 54% là vốn huy động lãi suất cao. Điều này dẫn tới việc Chính phủ phải bù lỗ lớn.
Thứ ba, mức vay tối đa đối với hộ nghèo 30 triệu đồng/hộ đã 7-8 năm nay rồi. Nhu cầu của bà con muốn nâng mức vay lên 50-60 triệu đồng/hộ. Ngân hàng CSXH đã đề nghị các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ nâng mức vay vốn. Thứ 4, phát triển khu vực “nông nghiệp, nông thôn” còn nhiều vấn đề chưa xử lý được, như bảo hiểm nông nghiệp, cơ cấu sản xuất ngành, hàng chưa bền vững về số lượng và chất lượng… Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ưu đãi.
Xin cảm ơn ông!
Phương Đông (thực hiện) (Phương Đông (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.