Vốn “vàng” giúp đồng bào Raglai thoát nghèo, trở thành hộ khá giả

Thu Hà Thứ ba, ngày 28/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Phát huy nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ đồng bào Raglai ở huyện nghèo miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên thành khá giả.
Bình luận 0

Tạo động lực cho người nghèo

Mô hình chăn nuôi bò của anh Katơr Thơm ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái là một điển hình về sử dụng hiệu quả vốn vay của Ngân hàng CSXH. 

Với số tiền vay ban đầu là 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, anh Thơm mua được 3 con bò cái sinh sản. Đến nay đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên đến 28 con, cùng với 3ha đất trồng điều, 1,4ha đất trồng màu, 0,7ha ruộng lúa… Bình quân hàng năm gia đình anh có tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Gia đình chị Cadá Thị Yến ở xã Phước Chính huyện Bác Ái cũng được vay chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo với mức vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi nuôi bò. Từ tiền bán bò, đến nay gia đình chị Yến đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định, có tiền cho con cái học hành. Với những kết quả đó, gia đình chị tự tin đăng ký với địa phương sẽ thoát nghèo trong năm 2020.

Vốn “vàng” giúp đồng bào Raglai thoát nghèo - Ảnh 1.

Nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều đồng bào dân tộc Raglai ở xã Phước Trung (Bác Ái) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh Tiến Mạnh

Ông Châu Văn Vé – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái cho biết: Bác Ái là một trong 62 huyện nghèo cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với 8/9 xã thuộc khu vực III, có 36/38 thôn đặc biệt khó khăn và trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Hơn 90% người dân không biết chữ, sống chủ yếu du canh du cư, tập quán lạc hậu, một số bộ phận người dân còn nhận thức kém cùng với đó là sự thiếu thốn về y tế, giáo dục, nông nghiệp... Đây thực sự là "lực cản", bài toán khó để thay đổi hẳn diện mạo Bác Ái và đặc biệt phải kiên trì triển khai thực hiện theo từng giai đoạn.

Xác định đồng vốn tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH được triển khai bài bản trên địa bàn huyện Bác Ái luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành có liên quan cùng tham gia chỉ đạo, phối hợp thực hiện.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu vay vốn, mọi thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi, thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái đều được thực hiện công khai tại tất cả 9 Điểm giao dịch xã, với sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể.

Ngân hàng CSXH huyện duy trì đều đặn phiên trực giao dịch cố định hằng tháng tại các xã; nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban nhằm phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp kịp thời tháo gỡ.

Vốn “vàng” giúp đồng bào Raglai thoát nghèo - Ảnh 2.

Từ vốn vay ưu đãi, đồng bào dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận có điều kiện phát triển nghề truyền thống. Ảnh Thanh Loan

Với mạng lưới gần 112 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín trên khắp các thôn, buôn tại 9 xã trong toàn huyện, Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái đã tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Hộ nghèo giảm mạnh hàng năm

Sau 15 năm hoạt động, tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái thực hiện đạt 150 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái là 1 trong những đơn vị tiêu biểu của hệ thống Ngân hàng CSXH duy trì chất lượng tín dụng tốt, không có nợ tỷ lệ nợ quá hạn. 

Giai đoạn 2015 - 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 1.473 lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo, 5.773 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 2.521 lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm.

Nguồn vốn vay ưu đãi được Ngân hàng CSXH thực hiện cũng đã góp phần thu hút và tạo việc làm cho trên 20.000 lao động; trên 370 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; cải tạo và xây mới được hơn 1.500 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới, sửa chữa gần 1.500 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Nhờ những chính sách từ chương trình giảm nghèo, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có bước khởi sắc rõ nét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày một ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo tuy có thay đổi về tiêu chí, nhưng trung bình hằng năm huyện vẫn giảm từ 6-8% hộ nghèo. Riêng năm 2019, qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 34,25% (giảm 6% so với năm 2018), hộ cận nghèo giảm còn 10,96%.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem