VPF không thể độc lập với VFF
Vài ngày qua, dư luận có phần ngạc nhiên khi ông Phạm Ngọc Viễn và ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hà Nội ACB đăng đàn phát biểu những ý kiến thiếu đồng nhất, dù đã trực tiếp làm việc với nhau trong ngày 10.10.
|
Ông Phạm Ngọc Viễn: “VPF phải là một thành viên của VFF”. |
Trong khi ông Viễn cho rằng: “VPF phải chịu sự quản lý, giám sát về mặt chuyên môn của VFF, chịu sự quản lý về mặt nhà nước của Bộ VHTTDL và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”, thì bầu Kiên lại nói “giảm” với câu chữ: “VPF chỉ là một thành viên của VFF như rất nhiều thành viên khác. Về mặt chuyên môn, với kinh nghiệm của mình, VFF có thể tư vấn cho VPF như tổ chức, điều hành giải đấu”.
Thậm chí, trước khi bầu Kiên lên tiếng, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL đã kịp phản ứng “VFF chỉ có lợi thế là cổ đông lớn (giữ 35,6% cổ phần và có quyền phủ quyết-PV), nhưng không có nghĩa sẽ quyết được mọi thứ. Tất cả các vấn đề khi cần giải quyết đều phải thông qua Đại hội cổ đông”.
Bất chấp việc bị “ném đá hội đồng”, ông Viễn vẫn nhẹ nhàng chốt lại: “VPF phải là một thành viên của VFF. Đương nhiên, họ phải chịu sự ràng buộc, tuân thủ theo các điều lệ của bóng đá Việt Nam”. Qua cách phát biểu của lãnh đạo VFF, có thể hiểu là chắc chắn VPF không thể hoàn toàn độc lập với VFF như mong muốn của các ông bầu.
Chưa hết, việc 10/14 CLB hạng Nhất được góp vốn với tư cách cổ đông vào VPF, thay vì chỉ có 14 CLB ngoại hạng như đề án ban đầu của bầu Kiên cũng sẽ giảm đi rất nhiều những lo ngại về một cuộc “lật đổ” của các ông bầu “tai to mặt lớn”.
Ở đây, VFF đã dùng một mũi tên trúng hai đích: Thứ nhất, bảo đảm quyền lợi cho các CLB hạng Nhất, đồng thời hạn chế tầm kiểm soát của các ông bầu V.League. Thứ 2: Gián tiếp buộc 4 CLB hạng Nhất chưa chuyển đổi mô hình doanh nghiệp phải làm ngay trong năm 2012 (thay vì hạn chót 2013) nếu không muốn chịu thiệt về nhiều mặt khi không được làm cổ đông của VPF.
Xác định cơ cấu VPF
Chia sẻ với ý kiến của ông Viễn, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế. VPF sẽ ra đời trong năm nay để điều hành giải ngoại hạng, giải hạng Nhất, phục vụ lợi ích chung của VFF và các CLB, chứ không có lợi ích cá nhân. Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF sẽ do Đại hội cổ đông bầu và có tiếng nói quyết định trong hoạt động của VPF”.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF cho biết: “Đại hội thường niên VFF sẽ tổ chức vào ngày 4.11, thay vì diễn ra cuối tháng 10 như dự kiến. Đại hội cổ đông VPF sẽ tổ chức vào cuối năm nay, ngay trước khi khởi tranh mùa giải 2012”.
Về cơ cấu, HĐQT VPF dự kiến sẽ gồm 9 người, trong đó có 3 người của VFF, 4 người của các CLB ngoại hạng (trước đây là V.League), 1 đại diện của CLB hạng Nhất, 1 người bên ngoài xã hội, không phải là người của Tổng cục TDTT. Được biết, trong ngày 11.10, các công văn cơ bản nhất liên quan tới đề án thành lập VPF đã được hoàn thành, và hôm qua (12.10), ông Nguyễn Trọng Hỷ đã đặt bút ký trình Bộ VHTTDL. Sau khi HĐQT đã hình thành, sẽ thuê giám đốc điều hành, trước khi cụ thể hóa các hoạt động, cấu trúc của VPF.
Nếu như cơ cấu trên được thông qua, mọi tranh cãi có thể sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sẽ còn những khúc mắc, “đấu đá” gì trong việc bầu những thành viên của HĐQT VPF? Chỉ biết rằng đã xuất hiện những lời qua tiếng lại giữa bầu Hiển (Hà Nội T&T) và bầu Kiên (Hà Nội ACB) cũng như những “đồng minh” của mình trong thời gian qua. Và liệu 4 đội hạng Nhất chưa chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp sẽ có những động thái gì phản ứng gì khi bị “ép”?
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.