Vụ 1 cá nhân lập 116 công ty trong vài tháng: Bịt lỗ hổng từ việc đăng ký lập doanh nghiệp

Bùi Tư - Đăng Khôi Thứ ba, ngày 02/07/2024 18:00 PM (GMT+7)
Từ vụ việc 1 cá nhân lập 116 công ty trong vài tháng, người này bị Công an TP.HCM bắt trong đường dây tội phạm xuyên quốc gia, luật sư Nguyễn Văn Tín nhận định, cần bịt lỗ hổng từ việc đăng ký lập doanh nghiệp.
Bình luận 0

Công an TP.HCM đã bắt giữ Nguyễn Thị Hương (SN 1990, quê tỉnh Nam Định) về tội rửa tiền. Người này còn gây xôn xao dư luận khi đại diện pháp luật cho 116 công ty chỉ trong vài tháng.

Người phụ nữ 34 tuổi lập 116 công ty

Trước đó, Chi cục thuế quận 6 đã có văn bản cảnh báo gửi Cục thuế TP.HCM cùng các Chi cục thuế khác trên địa bàn về việc Hương làm đại diện pháp luật cho 116 công ty, trong đó có 5 công ty đặt tại quận 6.

Tại quận Tân Bình có 22 công ty; quận Tân Phú có 15 công ty; TP.Thủ Đức có 11 công ty; quận 10 có 10 công ty; quận 5 có 5 công ty...

Vụ 1 cá nhân lập 116 công ty trong vài tháng: Bịt lỗ hổng từ việc đăng ký lập doanh nghiệp- Ảnh 1.

Nguyễn Thị Hương - người đại diện cho 116 công ty trên địa bàn TP.HCM.

116 công ty đều do Nguyễn Thị Hương làm đại diện pháp luật, được thành lập trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024.

Chi cục thuế quận 6 cho biết đã kết hợp với UBND phường kiểm tra xác minh thực tế trụ sở của 5 công ty trên địa bàn quận này. Kết quả cho thấy 5 công ty đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Liên quan đến vụ việc, Công an TP.HCM xác định Hương cùng hàng chục người khác đã bị bắt vì hành vi rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Vụ 1 cá nhân lập 116 công ty trong vài tháng: Bịt lỗ hổng từ việc đăng ký lập doanh nghiệp- Ảnh 2.

Con dấu một số công ty mà các đối tượng lập ra.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Tín, Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Thiên Tín nhận định, thời gian vừa qua, lợi dụng việc thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp một cách nhanh chóng, dễ dàng nên các đối tượng đã thực hiện việc lập nhiều công ty để phục vụ cho mục đích trái pháp luật.

Việc một cá nhân thành lập 116 công ty trong nhóm các đối tượng phạm tội có tổ chức liên quan đến nhiều hành vi trái pháp luật.

Với những thủ đoạn của các đối tượng trong băng nhóm thực hiện hành vi có chủ đích, thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm của từng đối tượng, có thể đối mặt với các tội danh theo quy định pháp luật hình sự hiện hành - Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể "Tội rửa tiền"; "Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".

Vụ 1 cá nhân lập 116 công ty trong vài tháng: Bịt lỗ hổng từ việc đăng ký lập doanh nghiệp- Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Văn Tín - Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo đó, đối với "Tội rửa tiền" quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự, tùy theo tính chất mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội có nguy cơ đối diện với khung hình phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự, theo đó với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp trong quá trình điều tra phát hiện hành vi của các đối tượng tại Việt Nam có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì các đối tượng cũng rất có thể có nguy cơ đối mặt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự hiện hành, với khung hình phạt của tội này, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Không chỉ những cá nhân thực hiện hành vi phạm tội chịu trách nhiệm hình sự, bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội cũng có nguy cơ buộc chấm dứt hoạt động, theo đó trường hợp đối với những công ty "ma" này được thành lập nhưng với mục đích chỉ để thực hiện tội phạm, thì sẽ bị chấm dứt hoạt động, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Cần bịt lỗ hổng từ thực hiện đăng ký lập doanh nghiệp

Theo luật sư Tín, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về việc số lượng công ty mà cá nhân được phép thành lập. Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, việc một cá nhân thành lập nhiều công ty để phục vụ cho mục đích trái pháp luật đang tác động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Chính vì thế, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập nhiều công ty để phục vụ cho mục đích trái pháp luật, luật sư cho rằng trước hết phải quy định chặt chẽ về việc lập hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, quy định có giới hạn về số lượng công ty được thành lập mà do một người đứng tên làm người đại diện theo pháp luật của công ty; khoảng thời gian cụ thể cho mỗi lần thành lập doanh nghiệp mới do một người đứng tên.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thực hiện kiểm tra tiền kiểm cũng như hậu kiểm về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đưa những doanh nghiệp vào diện theo dõi khi có dấu hiệu nghi ngờ; cơ quan thuế cần yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế trước khi thành lập doanh nghiệp mới.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần theo dõi, giám sát đưa vào diện theo dõi trong việc lưu chuyển tiền tệ khi có dấu hiệu nghi ngờ bất hợp pháp, có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng để sớm phát hiện, ngăn chặn ngay những hành vi trái pháp luật của các đối tượng gây ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem