Chủ tịch xã ký hợp đồng khai thác khoáng sản
Như NTNN đã thông tin, ngày 6.11 vừa qua nhà báo Đặng Văn Nghịnh và Nguyễn Anh Tuấn công tác tại Phòng Thời sự, Đài Truyền hình Thái Nguyên khi đang làm nhiệm vụ đã bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp.
Công an huyện Đại Từ đã xác định người đánh hai nhà báo là Nguyễn Đình Bảy (29 tuổi) và Nguyễn Đình Tám (27 tuổi), con trai ông Nguyễn Đình Mứt, trú xóm Cây Hồng, xã Quân Chu, huyện Đại Từ. Ông Nguyễn Đình Mứt là người đang thực hiện việc khai thác cát sỏi tại khu vực suối Đền, xã Quân Chu, huyện Đại Từ.
Địa điểm mà ông Nguyễn Đình Mứt triển khai máy móc khai thác cát sỏi (ảnh trái) và nhà báo Đặng Văn Nghịnh (ảnh phải). Ảnh: Vinh Hải
Nhà báo Đặng Văn Nghịnh cho biết: “Khi chúng tôi đang ghi hình, ông Mứt và 2 thanh niên đã đến yêu cầu phải xóa hình ảnh vì cho rằng đã được cấp phép khai thác cát sỏi tại khu vực trên. Do không thực hiện yêu cầu của hai thanh kẻ này, hai nhà báo đã bị hai thanh niên dùng gậy đánh tới tấp vào người…”.
Qua tìm hiểu của PV NTNN, đơn vị “cấp phép” cho ông Nguyễn Đình Mứt khai thác cát sỏi chính là UBND xã Quân Chu!
Cụ thể, ông Đặng Hoàng Nhâm - Chủ tịch UBND xã Quân Chu đã ký “hợp đồng kinh tế” với ông Nguyễn Đình Mứt để khai thác tận thu cát sỏi làm đường bê tông nông thôn.
Theo hợp đồng này, UBND xã Quân Chu đã giao cho ông Mứt khai thác tận thu cát sỏi, vận chuyển đến các vị trí làm đường bê thông. Khối lượng khai thác tại 2 vị trí khoảng 1.900m3. Thời gian khai thác từ ngày 25.10 - 15.11.
Giá trị cát sỏi tận thu được tính tại vị trí khai thác là 100.000 đồng/m3, công vận chuyển là 200.000 đồng/xe cho khối lượng 6m3. Tổng giá trị hợp đồng sẽ được thanh toán sau khi có kết quả nghiệm thu khối lượng giữa các bên.
Trong khi UBND cấp xã đứng ra “cho phép” khai thác tận thu cát sỏi, thì những đơn vị đấu giá công khai, thực hiện nghĩa vụ tài chính và được UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định cho phép thăm dò khai thác lại bị xã “gây khó dễ”.
Cụ thể, ngày 17.7, UBND xã Quân Chu có văn bản gửi Sở TNMT Thái Nguyên với nội dung “Nếu cho phép doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại khu vực suối Đền, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh tổ chức về họp lấy ý kiến nhân dân, phân tích, giải thích cho người dân về quy mô, lợi ích của dự án khi đi vào thực hiện”.
Không đúng quy định, vẫn làm
Phải khai thác đúng quy định pháp luật
Sau khi xảy ra vụ việc hành hung hai nhà báo tác nghiệp tại khu vực khai thác cát sỏi không đúng quy định kể trên, ông Vũ Hồng Bắc – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ vụ việc trên, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trước đó, tại cuộc họp ngay sau khi hai phóng viên bị hành hung, ông Vũ Hồng Bắc đã yêu cầu dừng ngay việc khai thác tận thu cát sỏi tại xã Quân Chu và yêu cầu UBND huyện Đại Từ báo cáo về chủ trương tận thu cát sỏi trên địa bàn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.
|
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Đại Từ cho biết trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Thường trực Huyện ủy đã có chủ trương cho phép tận dụng các vật liệu địa phương như cát, sỏi, đá…
Ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương có vận dụng, linh hoạt trong khai thác vật liệu tại chỗ để xây dựng đường bê tông nông thôn, không mua bán đi đâu cả. Xã Quân Chu là 1 trong 4 xã khó khăn, nếu không huy động thì sẽ không huy động nhân dân cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới được”.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định việc làm trên xét theo quy định pháp luật là không đúng.
“Thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản phải của UBND tỉnh. Trước đây UBND tỉnh cũng đã bàn bạc việc này nhưng chưa có văn bản chỉ đạo chính thức. Thẩm quyền, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản rất phức tạp trong khi nhu cầu đại phương chỉ cần vài chục m3 để làm đường bê tông. Còn ai cũng mong muốn cấp phép khai thác cho đúng luật” – ông Sơn cho hay.
Còn ông Phạm Bá Chính – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định: “Theo Luật Khoáng sản, thẩm quyền cấp phép khoáng sản chỉ có 2 cơ quan là Bộ TNMT và UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh cấp phép các khoáng sản thông thường, còn các loại khác thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT. Trường hợp nữa là thẩm quyền thuộc của Bộ nhưng Bộ ủy quyền cho tỉnh thì tỉnh được cấp”.
Ông Chính cũng cho biết bản chất là UBND huyện Đại Từ có chủ trương giảm chi phí cho người dân nên có ý kiến tận dụng vật liệu tại chỗ để làm nông thôn mới.
“Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã nói rõ, tinh thần xây dựng nông thôn mới, chung tay chung sức làm, giảm chi phí cho người dân thì đúng, nhưng cách chưa đúng quy định pháp luật” – ông Chính nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.