Chiều ngày 20.5, trao đổi về thông tin vụ tai nạn lao động gây chết 3 công nhân tại Thanh Trì - Hà Nội, ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐTBXH Hà Nội) khẳng định như trên.
"Đã 2 ngày từ khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 lao động tử vong tại khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) nhưng sở chưa hề nhận được báo cáo từ doanh nghiệp" - Ông Việt nói.
Theo quy định, ngay khi xảy ra tai nạn, bằng mọi cách nhanh nhất doanh nghiệp phải báo cáo về sở tình hình vụ việc. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện doanh nghiệp không có giám định, bảo chì thiết bị lao động, không có hồ sơ tập huấn lao động, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính.
Mỗi một hành vi có thể nhận mức xử phạt cao nhất là 30 triệu đồng. Nếu Đoàn thanh tra phát hiện các sai phạm liên quan tới chậm báo cáo tai nạn, có dấu hiệu che dấu tai nạn lao động, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc đề nghị cơ quan Công an truy tố hình sự.
Ông Bạch Quốc Việt cho rằng mức phạt này còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm và đề xuất tăng mức xử phạt để giảm tình trạng các doanh nghiệp che dấu tai nạn lao động ngày càng tăng như hiện nay. Hiện nghị định xử phạt liên quan tới hành vi vi phạm luật lao động đang được soạn thảo nâng mức phạt lên gấp 10 lần (so với nghị định 47 mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng).
Về vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra, ông Bạch Quốc Việt cho biết, ngay sáng vụ tai nạn diễn ra, cán bộ sở đã có mặt để nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan công an tiến hành niêm phong hiện trường phục vụ điều tra.
Hiện tại, khu vực xảy ra tai nạn đã bị đình chỉ thi công và niêm phong phục vụ điều tra. Trong sáng 21.5, cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường.
Theo ông Bach Quốc Việt, nếu sự việc đơn giản thì trong vòng 30 ngày sẽ có kết luận điều tra. Tuy nhiên, trong vụ tai nạn lao động này, nguyên nhân vụ tai nạn có tình tiết trưng cầu đơn vị kiểm định, giám định thiết bị khá phức tạp nên thời gian điều tra có thể lâu hơn.
Đặc biệt, trong số 3 nạn nhân có 1 nạn nhân Quách Văn Tường ( quê Tân Lạc, Hòa Bình) sinh năm 1995, nếu nạn nhân này chưa đủ 18 tuổi thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vì sử dụng lao động chưa thành niên vào công việc nguy hiểm độc hại.
Ông Bạch Quốc Việt cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2013, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thanh tra về vệ sinh an toàn lao động hơn 50 đơn vị , trong đó phát hiện và xử lý vi phạm 10 đơn vị với tổng số tiền phạt hơn 60 triệu đồng.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.