Màn ảo thuật với giấy đăng ký xe
Tháng 9.2007, Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Việt Bắc (gọi tắt là Công ty Việt Bắc) đóng trên địa bàn thôn Đông Hào, xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, do ông Phạm Công Bắc làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho phép khai thác tuyến xe bus Hải Dương-Bến Trại (tuyến số 06) với 13 xe hoạt động.
Chiếc xe bus BKS 34B-001.31 được ông Bắc bán và thế chấp cho 3 người. Ảnh: P.V
Ông Bắc đã khai báo với Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Hải Dương rằng bị mất giấy đăng ký xe để làm lại 2 giấy đăng ký (cấp lại lần 1 và lần 2) cho chiếc xe bus mang biển số (BS) 34B - 001.31. Bằng thủ đoạn này, ông Bắc đã có được 3 giấy chứng nhận đăng ký xe do CSGT Hải Dương cấp chỉ với một chiếc xe BS 34B-001.31. Tiếp đó, ông Bắc đã dùng 3 giấy đăng ký xe trên để thế chấp vay vốn, bán cho 2 người với cùng một chiếc xe. Cụ thể, ngày 20.10.2011, ông Bắc thế chấp chiếc xe bus trên để vay của vợ chồng ông Nguyễn Đức Sinh và bà Lương Thị Loan 150.000.000 đồng bằng giấy đăng ký xe cấp lần đầu, thời hạn vay từ ngày 20.10.2011 đến ngày 20.03.2012, đến nay chưa trả tiền.
Cùng thủ đoạn trên, ngày 22.12.2011, ông Bắc sử dụng giấy đăng ký xe cấp lần 2, lấy danh nghĩa Công ty Việt Bắc thế chấp chiếc xe bus trên cho vợ chồng ông Vũ Văn Mừng - bà Hồ Thị Thảo để vay 300 triệu đồng, thời hạn vay 6 tháng và đến nay vẫn chưa trả tiền. Chỉ sau đó 1 ngày, ông Bắc đã viết giấy bán chiếc xe này cho ông Mừng.
Liên tiếp những thủ đoạn tương tự
Nhưng ông Bắc thực hiện cú lừa nữa tinh vi hơn khi ngày 15.06.2012, Công ty Việt Bắc ký hợp đồng kinh tế số 01/2012/VB với ông Vũ Duy Trinh. Nội dung chính của hợp đồng là ông Trinh góp 300 triệu đồng vào Công ty Việt Bắc để nhận quyền quản lý trực tiếp xe ô tô BS 34B-001.31 (dù xe này đã được bán cho ông Mừng ngày 23.12.2011) khai thác tuyến xe bus 06 Hải Dương - Bến Trại.
Ông Trinh đã nộp 220 triệu đồng, số tiền còn lại phải nộp sau 30 ngày (với giấy đăng ký xe cấp lần 1). Ông Trinh sở hữu xe bus này và khai thác tuyến bus số 06. Sau đó, ông Trinh bán chiếc xe bus này cho ông Phạm Huy Phất với giá 360 triệu đồng khai thác tuyến xe bus số 6.
Tiếp tục với các thủ đoạn trên, ông Bắc lại khai báo bị mất đăng ký xe bus BS 34B-001.45 và làm thủ tục đăng ký lại tại CSGT Hải Dương để bán và thế chấp vay vốn của 2 người. Cụ thể, ông Bắc bán chiếc xe bus BS 34B-001.45 cho ông Nguyễn Đức Thiệp với giá 365 triệu đồng với đăng ký xe cấp lần đầu. Ông Thiệp đã khai thác ổn định trong tuyến bus 06.
Đến ngày 4.12.2011, ông Bắc lại đứng tên thế chấp chiếc xe bus mang BS 34B-001.45 cho ông Vũ Văn Thiệu và bà Lưu Thị Luyến vay số tiền 200 triệu đồng (với giấy chứng nhận đăng ký xe cấp lại lần 1), theo nội dung giấy vay tiền viết tay ngày 4.12.2011 có đóng dấu của Công ty Việt Bắc, chữ ký của ông Bắc, thời hạn vay là từ ngày 4.12.2011 đến ngày 4.6.2012. Đến hạn trả, ông Bắc không thanh toán, bà Luyến bắt xe trừ nợ mới “ngã ngửa” khi phát hiện ông Bắc đã bán chiếc xe BS 34B-001.45 cho ông Thiệp. Còn ông Thiệp đã bán lại chiếc xe này cho ông Nguyễn Văn Tùng với giá 365 triệu đồng.
Ngày 24.5.2013, ông Thiệu và bà Luyến làm đơn trình báo lên cơ quan cảnh sát điều tra và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hải Dương về hành vi lừa đảo của ông Bắc - dùng nhiều đăng ký xe để bán và thế chấp vay tiền và việc ông Bắc trốn không chịu trả tiền. Ngày 21.12.2013, bà Loan làm đơn đề nghị lên Công an tỉnh Hải Dương điều tra về hành vi lừa đảo của ông Bắc - dùng 3 đăng ký cho xe bus BS 34B-001.31 bán và thế chấp cho 3 người; 2 đăng ký xe BS 34B-001.45 thế chấp và bán cho 2 người.
Làm việc với PV, lãnh đạo và cán bộ quản lý đăng ký xe - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, đối với trường hợp 2 chiếc ô tô BS 34B-001.31 và BS 34B-001.45 của Công ty Việt Bắc đều có công văn báo mất giấy đăng ký trước khi được cấp lại. Hồ sơ chiếc ô tô BS 34B-001.31 đang lưu tại Phòng CSGT đường bộ, đường sắt được công ty này làm đơn báo mất 2 lần; hồ sơ chiếc ô tô BS 34B-001.45 báo mất 1 lần. Các công văn báo mất đều do ông Bắc đại diện Công ty Việt Bắc ký.
CSGT Hải Dương cũng cho biết thêm, các chủ nợ là bà Loan, Thảo, Luyến khi được ông Bắc dùng các ô tô BS 34B-001.31 và BS 34B-001.45 với các đăng ký khác nhau để thế chấp vay tiền, họ không thông báo đến cơ quan công an nên đơn vị này không nắm được chiếc xe đã được đem thế chấp. Mặt khác, khi ông Bắc bán 2 chiếc xe trên cho các chủ mới cũng không tiến hành sang tên đổi chủ, nên hồ sơ của 2 chiếc xe vẫn đứng tên Công ty Việt Bắc. Lợi dụng kẽ hở này, bằng hành vi gian dối của mình, ông Bắc đã nhiều lần trình báo với CSGT mất đăng ký đối với nhiều chiếc xe bus để được cấp lại đăng ký mới, sau đó ông Bắc sử dụng các đăng ký đó để thế chấp vay tiền của dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.