Từ vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Căn cứ pháp lý bồi thường giải phóng mặt bằng

Cao Hùng - Đình Việt Thứ hai, ngày 09/10/2023 10:59 AM (GMT+7)
Các luật sư nhận định căn cứ pháp lý trong vụ việc bồi thường giải phóng nặt bằng Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM) đối với ông Võ Văn Nguyền (trú xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM).
Bình luận 0

Cơ quan chức năng huyện Củ Chi vào cuộc

Ngày 28/9, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải bài viết "Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM): Sử dụng, tôn tạo 4.000m2 đất suốt 30 năm, nhưng không được bồi thường GPMB".

Vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Đủ căn cứ để được bồi thường - Ảnh 1.

Ông Nguyền cho rằng, mảnh đất ông nhận chuyển nhượng, sử dụng, tôn tạo 30 năm nay và đủ điều kiện được bồi thường. Ảnh: Dân Việt.

Nội dung bài báo phản ánh về việc: Ông Võ Văn Nguyền (thường trú tổ 3, ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) sử dụng, tôn tạo hơn 4.000m2 đất suốt 30 năm, nhưng không được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Dự án đường Vành đai 3, đoạn đi qua huyện Củ Chi, TP.HCM.

Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền đã có văn bản giao Thanh tra huyện xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại của ông Nguyền.

Chiều ngày 5/10, đoàn công tác của huyện Củ Chi gồm đại diện: Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện và UBND xã Bình Mỹ đã có buổi làm việc với ông Nguyền để kiểm tra hiện trạng khu đất.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyền đã cung cấp cho đoàn làm việc các giấy tờ liên quan đến khu đất và dẫn đoàn đi kiểm tra thực địa.

Ông Nguyền khẳng định, khu đất hơn 4.000 nghìn m2 ông đang sử dụng được ông nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông bà Dương Văn Tâm - Nguyễn Thị Kiến từ năm 1992 và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi khu đất nằm trong quy hoạch mở đường Vành đai 3, ông Nguyền đề nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bồi thường thỏa đáng cho ông, theo đúng quy định pháp luật.

Hiện cơ quan chức năng huyện Củ Chi đang xem xét, đánh giá cụ thể vụ việc này.

Áp dụng Luật Đất đai thế nào trong trường hợp này?

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trịnh Văn Dũng, Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, nguồn gốc thửa đất nông nghiệp, diện tích khoảng hơn 4.000m2 được ông Nguyền nhận chuyển nhượng từ gia đình ông bà Dương Văn Tâm - Nguyễn Thị Kiến từ năm 1992. 

Trong khi đó, ông Tâm, bà Kiến khẳng định thửa đất này có nguồn gốc do ông bà khai hoang và đưa vào canh tác sử dụng từ những năm 1975 với mục đích sản xuất nông nghiệp.

Theo thông tin từ ông Nguyền, trong quá trình sinh sống, canh tác, sản xuất, gia đình ông không vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đúng mục đích, ổn định và không có ai tranh chấp.

"Nếu cơ quan chức năng xác minh các tình tiết trên là đúng, căn cứ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thửa đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyền đủ điều kiện để đề nghị cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích thửa đất nông nghiệp này", luật sư Dũng cho biết.

Vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Đủ căn cứ để được bồi thường - Ảnh 3.

Khu đất hơn 4.000m2 ông Võ Văn Nguyền đã nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Dương Văn Tâm, bà Nguyễn Thị Kiến và sử dụng, tôn tạo suốt 30 năm. Ảnh: Dân Việt.

Cụ thể, theo luật sư Dũng, Điều 101, Luật Đất đai năm 2013 quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất…

Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 1, Điều 75, Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này sẽ đủ điều kiện được bồi thường.

Vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Đủ căn cứ để được bồi thường - Ảnh 4.

Các luật sư cho rằng, huyện Củ Chi có dấu hiệu áp dụng chưa đúng luật Đất đai 2013 nên việc ông Nguyền khiếu nại là có căn cứ. Ảnh: Dân Việt.

Trên thực tế, diện tích đất trên đã được gia đình ông Nguyền canh tác sử dụng, sinh sống ổn định từ trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch chỉ giới đường Vành đai 3.

Theo luật sư Đồng, bản chất của thửa đất vẫn đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất nên khi tiến hành thu hồi, cần bồi thường đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyền.

Trước đó, phản ánh tới Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyền cho biết: Năm 1992, ông nhận chuyển nhượng hơn 4.000 m2 đất và một căn chòi từ vợ chồng ông bà Dương Văn Tâm - Nguyễn Thị Kiến, với giá 50 triệu đồng. Diện tích đất giáp ranh, chạy dài theo mảnh đất của vợ chồng ông Tâm đang canh tác, tọa lạc tại ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Theo ông Tâm, mảnh đất này có nguồn gốc do vợ chồng ông Tâm khai phá trước năm 1975. Từ năm 1975 đến năm 1992, vợ chồng ông Tâm vẫn canh tác nông nghiệp trên khu đất này.

Việc mua bán được hai bên thỏa thuận với nhau và thống nhất trả tiền thành nhiều đợt. Sau đó, ông Nguyền cất nhà, sinh sống ổn định và canh tác tại mảnh đất đã nhận chuyển nhượng. 

Đến năm 2005, ông Nguyền thanh toán hết số tiền chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Tâm. Việc mua bán được vợ chồng ông Tâm, bà Kiến xác nhận tại tờ thỏa thuận ngày 26/8/2005. Theo đó, vợ chồng ông Tâm khẳng định đã chuyển nhượng đất cho ông Nguyền từ năm 1992.

Năm 2010, ông Nguyền được cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân và số nhà tại địa chỉ trên. Lúc này, ông mới đủ điều kiện để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2011 và năm 2014, ông Nguyền làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, khi đang làm thủ tục thì năm 2015, UBND xã Bình Mỹ thông báo có quy hoạch đường Vành đai 3 TP.HCM. Vì vậy, ông không tiếp tục làm thủ tục nữa, mà vẫn sinh sống, canh tác trên mảnh đất từ đó cho đến nay.

Ngày 25/5/2023, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn đi qua huyện Củ Chi (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) gửi văn bản số cho ông Nguyền, thông báo về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người có đất bị có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Theo văn bản này, ông Nguyền không được bồi thường về đất, không được tái định cư, mà chỉ được bồi thường… 26 loại cây trồng trên đất, với số tiền hơn 21,4 triệu đồng.

Không đồng ý, ông Nguyền đã làm đơn khiếu nại.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem