Vụ 8 thuyền viên mất tích trên biển: Cuộc tìm kiếm trong vô vọng & những câu hỏi “tại sao”

Mai Khuê (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 22/11/2014 11:07 AM (GMT+7)
Đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, lần đầu phải gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu nhưng dường như một sợi dây vô hình nào đó đang kéo họ lại cùng nhau thành một đội. Phóng viên Dòng Đời đã cùng họ thực hiện những hành trình khốn khổ một cách kiên nhẫn trong vô vọng…
Bình luận 0
“Tám người thân của chúng ta cùng một thuyền, chúng ta nay cũng là một đội, cùng đoàn kết để có phương án tốt nhất tìm cho ra người thân đưa về quê nhà đoàn tụ” – anh trai thủy thủ mất tích Nguyễn Hồng Bản nói.


“Sống thấy người, chết thấy xác”

Cả đoàn thân nhân gần hai chục người, chỉ có hai phụ nữ là chị gái và con gái đầu bếp Trần Văn Quế, số còn lại hầu hết đều làm trong ngành hàng hải. Họ là những thuyền trưởng, sỹ quan boong, đại phó, thủy thủ lâu năm, dày dạn sóng gió kinh nghiệm của những tàu hàng khác nhau. Hải đồ trên tay, ống nhòm sẵn sàng, họ thông thuộc, quan sát từng khu vực cần tập trung rà soát, để cơ may cứu được ai đó đã bị sóng đánh dạt mắc vào gộp đá, hốc vách, bãi vắng.

Bằng phán đoán dựa dòng hải lưu, sức gió, thủy triều và dựa vào kinh nghiêm dân gian, khu vực cần tìm kiếm được những thủy thủ dạn dày này xác định là dọc bờ biển từ bãi Dài (Cam Lâm, Khánh Hòa) đến Cam Linh, Bình Ba (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa), mở rộng xuống vùng biển tiếp giáp tỉnh Ninh Thuận. Đặc biệt là khu vực ven bờ biển từ Bãi Dài đến Cam Linh, nơi thường trôi dạt những vật thể trên biển tấp vào bờ. 

img
Đọc hải đồ xác định vùng tìm kiếm các nạn nhân. (Ảnh: Mai Khuê)

Thắp một nén nhang, cắm lên mũi tàu, em trai thuyền trưởng mất tích Nguyễn Đức Khoa lầm rầm, rưng rưng khấn, cầu cho vong linh xấu số hiển linh, cầu cho trời đất động lòng thương cho họ nhanh về đoàn tụ với gia đình. Xếp bày vàng mã, gạo, muối, trái cây lên mâm cúng cầu siêu, anh trai thợ máy mất tích Nguyễn Bá Kha sụt sịt khóc thầm.

Nhưng thời tiết như đang thách thức họ, tàu cứ đi đến trưa là gió lên, những con sóng lớn cao gần 2 mét cứ vô tình đánh ập trùm tàu. Trừ người lái, hầu như ai cũng say, ai cũng ướt, lạnh cóng, ai cũng mệt đứ đừ vì sóng nhưng không ai bỏ vị trí.

Sau mấy ngày bám tàu, anh Nguyễn Bá Khanh phờ phạc, chốc chốc lại nằm vật ra rồi lại bật dậy vớ lấy ống nhòm. Còn máy trưởng Hà Hồng Thái, dù không có người thân nào nhưng cũng theo tàu tìm đồng đội “ở trên bờ áy náy lắm, nóng ruột lắm”. Họ, đều quá mệt mỏi với nỗi đau tinh thần, rồi tàu xe xa xôi nhưng không ai muốn bỏ cuộc. Thay nhau nằm nghỉ chốc lát rồi họ lại thay nhau bám lấy thành tàu đau đáu nhìn ra biển. Say sóng nên mì tôm, trứng luộc, bánh mì… mang lên tàu hầu như chẳng ai nuốt nổi.

Ngày thứ hai kết thúc, sau 8 tiếng quần kiếm trong biển động mà không mang lại kết quả gì, nhiều tiếng thở dài, nhiều người thốt lên “tìm kiếm thế này thì vô vọng quá”.

Rạng sáng 11.9, trên vùng biển Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang 15 hải lý (khoảng 28km), tàu Phúc Xuân 68 đi từ Hải Phòng đến Vũng Tàu đã bị tàu Nam Vỹ 69 chạy người chiều đâm vào khoang hàng đằng mũi phải. Sau đó mọi việc xảy ra rất nhanh, chỉ trong vẻn vẹn hai phút con tàu chở 1.870 tấn thép bị đâm thủng khoang hàng đằng mũi chìm chúi xuống biển sâu.

Máy trưởng Hà Hồng Thái, người đã 3 lần kinh nghiệm rời tàu thoát hiểm ở những tình huống tương tự, vơ lấy áo phao, chạy lên đằng đuôi tàu nhảy xuống. Con tàu chìm như mũi tên lao xuống biển, tạo nên một sức hút, xoáy nước kinh khủng nhấn chìm mọi thứ xung quanh. Những người trên tàu Nam Vỹ 69 thấy máy trưởng Hà Hồng Thái co quắp người ghì lấy phao, bị nhấn sâu xuống cùng xoáy nước rồi tung lên mặt nước. Còn sỹ quan boong thì lao xuống biển khi chưa kịp cầm phao, được thủy thủ Lê Xuân Rự cầm tay anh kéo lại, nhờ cái phao trên tay thủy thủ Rự mà cả hai thoát chết trong gang tấc.

Cả ba thủy thủ thoát ra ngoài được tàu Nam Vỹ 69 vớt lên tàu cứu sống. Toàn bộ phao cứu sinh trên tàu Nam Vỹ 69 đã được kịp thời vứt xuống biển nhưng đến nay, 8 thuyền viên còn lại vẫn mất tích giữa biển khơi thăm thẳm mang theo nỗi đau buồn đau đáu của bao người thân. 

Ngồi đối diện với thủy thủ thoát chết Lê Xuân Rự, con trai đầu bếp Trần Văn Quế rầu rầu hỏi “Chú ơi, lúc đó, chú thấy bố con thế nào?”, “Chú thấy bố con đã cầm được phao” - ông Rự chỉ khẽ nói vậy. Chị gái đầu bếp Trần Văn Quế rưng rưng “Các anh sống được là phúc của các anh, nhưng còn những đồng đội đã khuất, hãy cho chúng tôi biết, họ đã thoát ra khỏi phòng ngủ chưa?”.

“Tôi ở tầng dưới. Những ai ở tầng trên tôi không thấy được nhưng 4 người cùng phòng với tôi thì đều đã cầm phao lao ra boong tàu” – ông Rự đáp. “Nếu vậy thì, kiểu gì cũng có ít nhất 4 người ra khỏi khoang tàu, ta cứ tìm, thể nào cũng có người trôi dạt trên biển” – thân nhân thủy thủ Nguyễn Hồng Bản nói.

Tiếp tục, ngày thứ ba kết thúc, vẫn chưa có kết quả gì. Những gương mặt xạm đen gió biển ngày càng xám xạm đi với đôi mắt u buồn đến lạ lùng. Đêm, họ tụ nhau lại cùng một phòng thảo luận, chia sẻ và lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Sáng ngày thứ 4, trời không những sóng, gió mà còn mưa. Mọi người đã thuê thêm một chiếc tàu cá công suất lớn để đi được xa hơn, chịu sóng tốt hơn. 

img
Anh trai của thợ máy Nguyễn Bá Kha chuẩn bị lễ cầu siêu. (Ảnh: Mai Khuê)

Trên bờ, tốp đi xe máy cũng vẫn tiếp tục lên đường men dọc bờ biển. “Mấy ngày trước chúng tôi đi tìm người sống. Từ ngày nay, chúng tôi sẽ phải ra xa khơi hơn nữa mong mang được xác thân nhân về quê an táng. Đáy biển vùng này sâu lắm, có thể từ hôm nay mới nổi lên. Chúng tôi đã tìm thợ lặn nhưng đáy biển sâu quá, 82-90 mét, chỉ có thể thuê thợ lặn nước ngoài mới làm được. Nay mọi người lại tính đến chuyện thuê tàu giã cào, có cày xới hết lên cũng phải tìm cho ra người thân, chúng tôi mới về” – thân nhân thuyền trưởng Nguyễn Đức Khoa nói. 

“Chúng tôi cần sự thật”

Đó là một cuộc họp xúc động, trong một phòng nghỉ, chứa chật những thân nhân 8 thuyền viên mất tích. Sỹ quan boong thoát chết Nguyễn Văn Hậu ngồi lọt thỏm ở giữa, bên cạnh thủy thủ Lê Xuân Rự, người đã nắm tay cứu anh thoát chết hôm ấy. “Chúng tôi đã có mặt đông đủ, bây giờ rất cần nghe, cần biết chuyện gì đã xảy ra. Người thân chúng tôi ở quê nhà giao phó cho chúng tôi không chỉ tìm được các anh ấy về mà còn phải biết họ đã sống ra sao, chết như thế nào?”

Viên sỹ quan boong vẫn luôn giữ im lặng từ sau khi vào bờ an toàn, sau nhiều lần bị căn vặn và nghe theo lời khuyên của ân nhân, anh mới khó khăn cất lời. “Tôi nhận ca lái vào 23 giờ 50 phút (ngày 8.11). Tôi ngồi bên ngoài ca bin quan sát. Thời tiết xấu, khi phát hiện ra tàu Nam Vỹ 69 đi ngược chiều thì khoảng cách hai tàu còn khoảng 2,5 hải lí (khoảng 4,6km) chếch bên phía mạn phải của tàu mình. Tôi gọi VHF lần thứ hai thì nghe có tín hiệu trả lời. Tôi gọi “anh ơi mạn trái đối nhau nhá” không thấy trả lời, hỏi lại “hai mạn đảo đối nhau, hai mạn đối nhau” thì có tín hiệu nhưng không rõ. 

Tôi lệnh cho thủy thủ bẻ phải 15 độ, cảm thấy mũi tàu quay, khi còn 5 độ phải, tôi hô “thẳng thế”.  Khi đó tôi đã thấy tàu mình chạy chếch đèn đỏ của tàu đối diện rồi. “Nhưng đúng là sự cố của tàu mình rất đen, khi hai tàu còn cách nhau khoảng 300m, tôi nghe có tiếng động lớn sau lái. Khi hai tàu còn cách chừng 100m, hoảng quá, tôi bẻ hết lái sang phải nhưng tàu không ăn lái. Mũi tàu mình cứ tự nhiên rẽ trái và bị đâm vào mạn phải”.

Tại sao khi cách nhau khoảng 6 hải lí, thuyền trưởng bên kia gọi VHF mà sao anh không trả lời? Anh ngủ gật phải không? Chỉ một chút sơ suất đã trả giá quá đắt thấy không. Thuyền trưởng bên đó nói rằng, họ cho đâm vào đằng mũi mạn phải của tàu mình để giảm thiệt hại. Đó, tàu mình chìm rất nhanh, chỉ trong 2 phút và 8 con người phải chìm theo mà tàu họ không hề hấn gì. 

Tại sao anh là sỹ quan boong, anh nói anh không ngủ gật mà anh không xử lý được cái bài học cơ bản rằng, phải để hai tàu đâm va ở góc hẹp nhất, mũi đối sượt mũi để tránh chìm chứ. Ở đây toàn là người trong nghề, tàu đang hành trình mà anh lại bảo là mất lái, ai mà tin cho nổi... Nhiều tiếng phản đối vang lên…

“Chúng tôi cần biết sự thật, có phải tất cả 3 người còn sống là những người đang trực trên ca bin hay không? Nếu mở rộng tìm kiếm mà không thấy ai nữa thì chắc chắn người thân chúng tôi đang mắc kẹt ở trong khoang tàu. Các anh, cần phải nói cho thật để cuộc tìm kiếm có kết quả, cho nỗi đau này nhanh chóng vơi đi…” – Anh Nguyễn Hồng Kế, em trai thuyền viên mất tích Nguyễn Hồng Bản khẩn nài. Đáp lại là sự im lặng… “Thôi, sỹ quan boong nói như vậy thì đành nghe vậy, dù chúng ta thấy vô lý nhưng khoan đã, hãy để cơ quan chức năng làm việc này trước đi. Nay chúng ta lại bàn tiếp việc tìm kiếm cho ngày mai” – anh Nguyễn Đức Thống, thân nhân thuyền trưởng nói.

“Ừ, chúng ta ai cũng đau, ai cũng muốn khóc mà không khóc nổi, muốn lao vào lặn tìm mà không lặn được. Nhưng sẽ vẫn phải bám trụ, kiên trì vì nếu cứ thế này thì không còn làm ăn gì nổi. Người nhà chúng ta ở quê đau buồn mà chết theo thôi” – người thân thủy thủ Chức tiếp lời. Và họ lại dở hải đồ ra, cùng vạch phương án cho cuộc tìm kiếm 8 người thân xấu số của họ đang mất tích trên biển cả mênh mông, sâu thăm thẳm… 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem