Vụ 9 người trốn ở lại Hàn Quốc: Làm gì để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”?

Hoàng Nhật Thứ bảy, ngày 28/09/2019 08:00 AM (GMT+7)
“Sự việc 9 người trốn ở lại Hàn Quốc là bài học đối với chúng ta trong việc giữ gìn hình ảnh thân thiện và gây dựng lòng tin trong mắt đối tác. Vậy mới có thể phát triển lâu dài”, GS. Nguyễn Mại cho biết.
Bình luận 0

img

GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư. 

Hai mặt của hội nhập kinh tế quốc tế

Phần lớn thời gian trò chuyện với Dân Việt, GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, dành để nói về cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trước khi nhắc tới câu chuyện 9 người trốn ở lại Hàn Quốc hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí.

Theo GS. Nguyễn Mại, đây là một sự việc đáng tiếc, song cần đặt trong tổng thể  phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới. Đó là hàng năm, có hàng trăm chuyến xuất ngoại của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm đối tác và cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có nhiều đoàn doanh nghiệp với số lượng từ 50-70 doanh nghiệp tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài.

GS. Nguyễn Mại cho biết: “Nhìn vào bối cảnh chung của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài và sự xuất hiện của một vài con sâu làm rầu nồi canh như vậy mới có được góc nhìn đúng đắn. Không nên coi đây là sự việc trời ơi đất hỡi, nhưng cũng không được coi nhẹ sự việc.

Một vấn đề luôn có tính hai mặt, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho Việt Nam nhiều dòng vốn và các đối tác đầu tư, đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ có thêm cơ hội ở các thị trường mới. Nhưng mặt trái chính là tình trạng lao động, và mới đây là doanh nghiệp Việt bỏ trốn ở lại nước ngoài. Trước đây, do mức thu nhập tại Hàn Quốc khá hấp dẫn nên tình trạng lao động lưu trú quá hạn tại Hàn Quốc luôn ở mức cao, từ 40-50%. Năm 2018, từng xảy ra câu chuyện 152 du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan. Đây là điều không thể tránh bởi trong cuộc sống, không gì là hoàn hảo. Bản thân chúng ta cần tiếp cận vấn đề với tư duy khách quan, tỉnh táo”.

img

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, sự việc 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc có thể do khoảng trống trong quá trình quản lý thực tế hoặc có thể có sơ hở bị các đối tượng lợi dụng. Việc doanh nghiệp hay cá nhân bỏ trốn trong chuyến đi là một điều đáng tiếc, làm xấu hình ành một Việt Nam đang hội nhập.

Tương quan thương mại Việt Nam-Hàn Quốc và bài học cho DN Việt

Trở lại câu chuyện tương quan hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều năm qua, GS. Nguyễn Mại đã dẫn chứng câu chuyện Vingroup nhận khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD từ Tập đoàn SK của Hàn Quốc theo hình thức M&A và BIDV tiếp nhận 850 triệu USD từ hoạt động phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho KEB Hana Bank.

“Hàn Quốc là một trong hai quốc gia đứng đầu trong nhóm các quốc gia đầu tư, phát triển thương mại và viện trợ ODA cho Việt Nam. Họ cũng coi trọng việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Hàn Quốc và Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020. Tới lúc đó, Việt Nam sẽ vượt qua Trung Quốc, Hồng Kông, trở thành nước có quan hệ thương mại hàng đầu với Hàn Quốc. Phải nói Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác thân thiện nhất với Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp thương mại đang trở thành vấn đề toàn cầu”, GS. Nguyễn Mại nhận xét.

Câu chuyện này cho thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm, coi trọng thị trường Việt Nam. 6 tháng vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài trong vai trò môi giới đã thu xếp rất nhiều thương vụ để các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam.

"Bản thân Vingroup nhận được khoản đầu tư lớn như vậy từ SK là nhờ có VinFast, Vinsmart và các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoa học-công nghệ. Rõ ràng vị thế của Vingroup trong khu vực đã khác, nhà đầu tư Hàn Quốc tới với Vingroup không chỉ vì Vingroup muốn thu hút đầu tư từ họ, mà họ muốn thông qua Vingroup đầu tư vào Việt Nam.

Một tập đoàn khác của Hàn Quốc, chuyên sản xuất khuôn mẫu cho ô tô cũng đang đi tới giai đoạn đàm phán cuối cùng, hướng tới cung cấp khuôn mẫu ô tô cho VinFast, có thể sẽ có liên doanh giữa hai bên ở Hải Phòng”, GS. Nguyễn Mại cung cấp thông tin.

Theo ông Mại, trước đây, chúng ta mong muốn Samsung tới Bắc Ninh, Thái Nguyên đầu tư, xây dựng nhà máy, đã phải đánh đổi bằng rất nhiều ưu đãi về thuế và đất đai. Nhưng hiện nay, vị thế tương quan đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm cách đây 7 năm.

Thay vì ra nước ngoài tìm kiếm liên doanh, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam và Chính phủ cần chung tay xây dựng các doanh nghiệp quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong đó, Chính phủ tập trung tháo gỡ rào cản kinh doanh, giải quyết vấn đề tích tụ đất đai. Còn doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tin hơn trong mối quan hệ với phía đối tác Hàn Quốc. Đồng thời, giảm thiểu những yếu tố phía Hàn Quốc cho rằng chúng ta cần phải giảm.

Sự việc 9 người trốn ở lại Hàn Quốc, tới nay tôi vẫn chưa nắm rõ nguyên nhân, nhưng nó là bài học đối với chúng ta trong việc giữ gìn hình ảnh thân thiện và gây dựng lòng tin trong mắt đối tác. Vậy mới có thể phát triển lâu dài”, GS. Nguyễn Mại cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem