Vụ án bị lãng quên do điều tra viên Mỹ tắc trách

Chủ nhật, ngày 11/08/2019 12:33 PM (GMT+7)
Thiếu sót của cảnh sát bang Texas khiến cái chết của Pamela Shelly bị kết luận sai trong 12 năm, cho tới khi một kênh truyền hình vào cuộc.
Bình luận 0

Ngày 6/1/2001, cảnh sát quận DeWitt, bang Texas, Mỹ nhận tin báo Pamela Shelly (31 tuổi) trong lúc quẫn trí đã dùng súng tự vẫn tại nhà bạn trai Ronnie Hendrick (41 tuổi). Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy khẩu súng lục cỡ đạn 8 mm, bao đựng súng trong nhà tắm, trên sàn có vỏ đạn và máu của Pamela.

Pamela và hai con mới chuyển tới sống cùng bạn trai được 5 tháng. Trước ly dị, gia đình cô sống ở bang Arkansas. Gia đình Ronnie cho biết gần đây, Pamela buồn phiền vì con gái 11 tuổi đòi về với bố. Đầu giờ chiều 6/1/2001, Pamela nhờ bố dượng của Romie chở ba mẹ con trở lại nhà cũ theo nguyện vọng của con gái. Mọi người đang dọn đồ trước nhà thì Pamela bước vào trong, lát sau có tiếng súng nổ.

Khám nghiệm tử thi cho thấy nòng súng được dí vào thái dương phải, đường đạn điển hình của tự sát bằng súng. Dựa vào kết quả khám nghiệm và lời khai của gia đình Ronnie, điều tra viên phụ trách kết luận đây là vụ tự tử.

Vì vẫn nghi ngờ, một số cảnh sát hẹn Ronnie tới làm bài kiểm tra nói dối nhưng cả hai lần anh ta đều không có mặt. Vài tuần sau sự việc, Ronnie đi khỏi địa phương. Nhà chức trách cũng ngừng "đào sâu" về vụ án.

Mùa hè năm 2008, khi Ronnie bị dẫn giải về trại giam quận DeWitt với cáo trạng bạo hành bạn gái mới trong thời gian cư trú tại bang South Dakota, nhà chức trách mở lại cuộc điều tra. Trước đó, mấy năm qua, Ronnie phải ngồi tù tại bang này về tội Lái xe say xỉn có tình tiết nghiêm trọng.

Khi thấy kết quả bải kiểm tra nói dối gây bất lợi cho mình, Ronnie lập tức thuê luật sư. Nội dung Ronnie trao đổi với gia đình từ sau song sắt thể hiện anh ta có mặt trong phòng lúc Pamela "tự sát". Đây là sự chênh lệch lớn so với lời khai ban đầu. Tuy vậy, vụ án vẫn bế tắc vì không có bước đột phá.

Năm 2012, một kênh truyền hình ở Mỹ khởi động chương trình mới có tên Công lý lạnh lùng với sự tham gia của cựu công tố viên và đội điều tra viên để giúp các địa phương gặp khó khăn về ngân sách giải quyết vụ án chưa có lời giải. Vụ án đầu tiên chương trình này tiếp nhận là trường hợp của Pamela.

img

Cựu công tố viên Kelly Siegler (trái) và đội điều tra viên được thuê bởi chương trình Công lý lạnh lùng.

Điều tra viên của chương trình rà soát lại lời khai của gia đình Ronnie, phát hiện một số điểm mâu thuẫn. Ronnie cùng mẹ và anh trai đều khai thay nhau hô hấp nhân tạo cho Pamela trong khi chờ xe cấp cứu, nhưng nhân viên y tế hôm đó cho biết cả ba người này chỉ đứng yên quanh thi thể khi họ tới nơi. Không người nào bị dính máu, trong khi căn phòng chứa đầy máu của Pamela.

Dựa vào nhân chứng và bằng chứng liên quan, điều tra viên thiết lập được tuyến thời gian cho thấy từ lúc có tiếng súng tới lúc xe cấp cứu được gọi có khoảng trống hơn một tiếng vì căn nhà ở địa điểm hẻo lánh. Ronnie và người thân có nhiều thời gian để thống nhất lời khai và sắp xếp hiện trường.

Tiếp theo, điều tra viên hỏi bạn bè và người thân của Pamela tại bang Arkansas, điều mà nhà chức trách địa phương không làm trong cuộc điều tra ban đầu. Trái với những gì gia đình Ronnie kể, gia đình Pamela nói cô vốn rất vui vẻ khi rời bang Arkansas, không có xu hướng tự sát. Nhưng qua những lần Pamela nói chuyện điện thoại với người thân sau đó, tâm trạng của người phụ nữ dường như ngày càng đi xuống.

Chồng cũ của Pamela tiết lộ vào ngày xảy ra sự việc, cô nói muốn trở về quê để nối lại tình cảm nhưng Ronnie giật lấy điện thoại và bảo con đường duy nhất Pamela quay lại là trong quan tài. Người chồng cũ đồng ý làm bài kiểm tra nói dối và cho kết quả tốt.

Ngoài ra, con gái Pamela kể lại ngày hôm đó, Ronnie về nhà khi say rượu và cãi nhau, nói muốn đuổi ba mẹ con ra khỏi nhà. Pamela sau đó nhờ bố dượng của Ronnie chở về Arkansas. Khi đang xếp đồ, bé thấy mẹ đi vào nhà rồi nghe thấy tiếng hét, rồi tiếng súng. Đứa trẻ chạy vào tới nơi thấy Ronnie đứng cạnh thi thể mẹ. Sau sự việc, nhà chức trách chỉ tập trung vào lời khai của gia đình Ronnie mà bỏ qua hai đứa trẻ nên tình tiết này không được đưa vào hồ sơ.

Tại sao Pamela lại tự sát trong khi đang sắp đồ lên xe để cả nhà được đoàn tụ? Điều tra viên cho rằng Ronnie trong cơn ghen đã giết Pamela bằng cách dí súng vào sát đầu, rồi đánh lạc hướng nhà chức trách.

Trước những bằng chứng mới, đại bồi thẩm đoàn quận DeWitt đưa Ronnie ra xét xử vào tháng 11/2012. Khi ấy, Ronnie đang phải chấp hành án tù vì vi phạm pháp luật trong thời gian quản chế về tội Bạo lực gia đình.

Trước khi phiên xét xử kịp diễn ra vào ngày 9/9/2013, tập phim Công lý lạnh lùng liên quan tới vụ án của Pamela đã lên sóng truyền hình. Kết quả là vào ngày xét xử, hơn một phần ba số bồi thẩm viên được chọn đều đã xem phim và có định kiến. Thẩm phán chủ tọa vì thế buộc phải tuyên hoãn phiên tòa vì sai thủ tục tố tụng, đồng thời lùi lịch tới tháng 6/2014 và đổi địa điểm xét xử. Thẩm phán hy vọng rằng khoảng thời gian trôi qua và địa điểm mới sẽ làm giảm tác động của tập phim, từ đó giúp chọn ra bồi thẩm đoàn mới khách quan.

Tuy nhiên vì Công lý lạnh lùng là chương trình được phát sóng toàn nước Mỹ, Ronnie sợ khó có thể tìm được bồi thẩm đoàn có lợi cho mình nên đã thỏa thuận nhận tội Giết người vào ngày 10/9/2013 và nhận án 22 năm tù. Nếu phải ra tòa, Ronnie nhiều khả năng đối diện với hình phạt 99 năm tù hoặc chung thân, cùng với tiền phạt 10.000 USD.

Sau này, chuyên gia của Công lý lạnh lùng cho biết khả năng chương trình tác động tới bồi thẩm đoàn của các vụ án trong tương lai là rất thấp vì thường các tập phim sẽ được chiếu từ lâu trước khi diễn ra phiên xét xử. Vụ án của Pamela là đặc thù vì đây là tập phim đầu tiên nhằm thử phản ứng khán giả.

Quốc Đạt (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem