Án tham nhũng, kinh tế tại Bình Định: Có bị can đã 'xài' hết tiền và tài sản khi bị phát hiện

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 24/10/2023 16:46 PM (GMT+7)
Trong 3 vụ án tham nhũng bị phát hiện tại Bình Định, việc thu hồi tài sản chỉ đạt tỷ lệ 49,1%. Lãnh đạo tỉnh Bình Định thừa nhận, tỷ lệ thu hồi tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, một số vụ án không thu hồi được tài sản hoặc thu hồi không đáng kể.
Bình luận 0

Kê khai tài sản, chưa có cán bộ nào vi phạm đến mức phải bị xử lý

Ngày 24/10, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh vừa ký báo cáo gửi Bộ Tư pháp, về Kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản trên địa bàn tỉnh này.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, từ đầu năm đến nay, Cơ quan điều tra các cấp thuộc Công an tỉnh đã khởi tố, điều tra 3 vụ án – 6 bị can về các tội danh tham nhũng, chức vụ và 19 vụ án - 20 bị can về các tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Trong 3 vụ án tham nhũng đã thu hồi 350.000.000 đồng/713.760.000 đồng (đạt tỷ lệ 49,1%); các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế chủ yếu là về các tội danh: vận chuyển, buôn bán hàng cấm; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự... nên không có thiệt hại, thất thoát cần phải thu hồi.

Công an tỉnh Bình Định cũng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra về công tác điều tra, xử lý tội phạm nói chung (kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra; kiểm tra kết quả công tác quý, 6 tháng, 9 tháng của lãnh đạo Công an tỉnh...); trong đó có kiểm tra về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Qua đó đã chấn chỉnh, đôn đốc việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, chưa phát hiện vi phạm nào phải xử lý.

Vụ án tham nhũng, kinh tế tại Bình Định: Có bị can đã 'xài' hết tiền và tài sản…khi bị phát hiện - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện kê khai và công khai bản kê khai TSTN hằng năm và kê khai bổ sung năm 2022, đối với 4.577 cán bộ, công chức, viên chức tại 666 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc kê khai và công khai bản kê khai TSTN năm 2022 đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định; chưa có trường hợp vi phạm đến mức phải bị xử lý.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Kế hoạch và chỉ đạo Thanh tra tỉnh thực hiện Kế hoạch xác minh TSTN đối với 35 cán bộ, công chức, viên chức tại 17 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

"Qua xác minh đã kết luận, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, nghiêm túc những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong việc kê khai, giải trình về biến động TSTN phải kê khai, chưa phát hiện trường hợp vi phạm đến mức phải bị xử lý", ông Tuấn Thanh cho hay.

Tiền và tài sản chiếm đoạt, các bị can dùng vào nhiều mục đích khác nhau

Vẫn theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, việc triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.

UBND tỉnh Bình Định và các ngành, địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản, kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các kiến nghị.

Công tác điều ra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, được cơ quan chức năng tiến hành tích cực, khẩn trương, đúng tiến độ, đúng pháp luật.

Hiệu quả xử lý thu hồi tiền, tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Vụ án tham nhũng, kinh tế tại Bình Định: Có bị can đã 'xài' hết tiền và tài sản…khi bị phát hiện - Ảnh 2.

Thi công xây dựng hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Trần Thị Kỷ, đường Phạm Ngũ Lão, hẻm 50 và đối diện hẻm 50 thuộc Công trình xây dựng đường Hoàng Văn Thụ nối dài (gọi tắt gói thầu) có dấu hiệu tội phạm, đang bị điều tra. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng nhìn nhận, tỷ lệ thu hồi tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, một số vụ án không thu hồi được tài sản hoặc thu hồi không đáng kể.

Nguyên nhân là do các vụ án tham nhũng, kinh tế đa phần diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, tiền và tài sản chiếm đoạt đều bị các bị can sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, khi bị phát hiện thì các bị can hầu như không còn tài sản để khắc phục bồi thường.

Một số vụ bị can bỏ trốn trước khi bị phát hiện, phải truy nã nên không thu hồi được tài sản thiệt hại; một số vụ mới khởi tố, đang trong giai đoạn điều tra làm rõ để xác định chính xác số tiền thiệt hại để làm cơ sở tiến hành các biện pháp thu hồi tài sản thiệt hại.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Tập trung chỉ đạo sâu sát, thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Chủ động rà soát các văn bản pháp luật để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Ngoài ra, chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo quy chế phối hợp, dự thảo văn bản pháp luật về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc kê khai và xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước.

Đặc biệt, chỉ đạo Công an tỉnh bảo đảm quá trình điều tra phải tiến hành song song với việc xác minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt để áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; chủ động báo cáo, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem