Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh IT).
Sáng nay (21.5), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Liên quan đến vấn đề xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết:
Công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng,…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường. Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng. “Tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn Dầu khí…). Ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; số lượt công dân khiếu kiện và số vụ việc giảm”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết.
Theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiệu quả chưa cao. Tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài diễn ra tại nhiều địa phương. Trong 4 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp trên 82 nghìn lượt công dân, giải quyết trên 5,4 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo.
Nói về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tập trung cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu, giao thông. Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
“Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, như quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước...Thực hiện tốt Luật tiếp công dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, không để thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Sớm hoàn thành kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Tại phiên họp tháng 4.2018, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trước đó vào 3.2018, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận thanh tra toàn diện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Kết luận thanh tra khẳng định, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã dẫn tới nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.
Cũng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nhấn mạnh, cần tập trung điều tra, đưa vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc" xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương ra xét xử đúng thời hạn luật định; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý triệt để ở giai đoạn II. Đây là vụ án có nhiều đối tượng đã bị khởi tố, trong đó có cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.