Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sau khi Quốc hội thảo luận trên hội trường, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau, bên cạnh đó các chuyên gia, các nhà khoa học, người dân cũng có ý kiến. Trước đó, Ủy banThường vụ Quốc hội cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến các nhà khoa học chuyên gia cho dự luật này.
“Chúng tôi cũng đi tìm hiểu các đặc khu ở nước ngoài để học tập. Một dự án Luật khi trao đổi còn nhiều vấn đề khác nhau nên Quốc hội cho lùi thời hạn lại để tiếp tục nghiên cứu và lắng nghe ý kiến đóng góp. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành chỉnh lý cho hợp lý, ví dụ một số vấn đề về đất đai, trước đây dự luật đưa ra quy định cho thuê đất ưu đãi 99 năm nay thực hiện theo quy định của Luật đất đai 2013 (thời hạn thuê đất cao nhất 70 năm –PV), hay vấn đề liên quan chính sách thuế tới đây sẽ rà soát lại để phù hợp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm: “Phóng viên có hỏi việc dự thảo Luật này có được lấy kiến Nhân dân rộng rãi như với làm Hiến pháp, Luật đất đai trước đây hay không. Theo tôi chưa đến mức phải lấy ý kiến như vậy, trước mắt chúng ta tiếp thu hết các ý kiến như cách làm này là tốt rồi”.
Trước đó vào sáng nay Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kỳ họp thứ 5. Nghị quyết của Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cử tri và Nhân dân.
Tại buổi họp báo, phóng viên báo nước ngoài đã đề cập có công khai danh tính của các đại biểu bấm nút tán thành và không tán thành khi thông qua Luật An ninh mạng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc cho biết: Quốc hội Việt Nam thực hiện biểu quyết công khai kết quả, không công bố danh tính.
Trên thế giới có khoảng ¼ Quốc hội các nước công bố danh tính, còn 3/4 không công bố danh tính. Hình thức nào cũng có mặt tích cực và không tích cực.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.