Vụ bắn chết 3 người: Chính quyền xử lý tranh chấp không dứt điểm

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 05/01/2018 14:58 PM (GMT+7)
Sau khi Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao một người nông dân chất phác như Hiến bỗng dưng trở thành kẻ sát nhân để phải nhận mức án cao nhất của pháp luật? Và khi người dân và doanh nghiệp dùng "luật rừng" để xử nhau thì trách nhiệm của chính quyền ở đâu?.
Bình luận 0

Huyện từng "đổ dầu vào lửa"

Ngày 3.1, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt tử hình đối với Đặng Văn Hiến (SN 1976, trú tại thôn Phủ Đô, xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Hiến là thủ phạm chính trong vụ nổ súng hôm 23.10.2016 làm 3 người chết, 13 người bị thương tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

img

Dư luận đặt ra câu hỏi vì sao những nông dân hiền lành, chất phác này bỗng thành tội đồ.

Như Dân Việt đã thông tin, năm 2008, Công ty TNHH Đầu tư- Thương mại Long Sơn (Cty Long Sơn) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án nông lâm nghiệp, trên diện tích này cũng có nhiều hộ dân canh tác, làm nhà ở dẫn đến tranh chấp giữa hai bên. Mặc dù UBND tỉnh đã yêu cầu Cty Long Sơn tạm dừng tác động đến diện tích tranh chấp để chờ xử lý, nhưng công ty này (do Nghiêm Xuân Thiên Sửu làm Phó giám đốc) vẫn tổ chức cưỡng chế trái pháp luật.

Khoảng 6h ngày 23.10.2016, Sửu đưa hơn 30 người được trang bị hung khí, khiên, giáp tiến vào san ủi hàng trăm cây điều lâu năm của ông Hoàng Văn Thắng và ông Đặng Văn Hiến tại tiểu khu 1535. Thấy vậy Hiến đã cùng Ninh Viết Bình sử dụng súng tự chế bắn vào những người của Cty Long Sơn, Hà Văn Trường cũng tham gia tiếp đạn cho Hiến bắn, làm 3 người của Cty Long Sơn đi cưỡng chế trái pháp luật chết tại chỗ và 13 người bị thương tích từ 6 - 54%. Mặc dù biết Hiến đã phạm tội nhưng sau đó, Đoàn Văn Diện vẫn giúp Hiến bỏ trốn.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, năm 2005, UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý chủ trương cho Cty Long Sơn được thuê đất, liên doanh liên kết trên lâm phần Lâm trường Quảng Tín quản lý để đầu tư trồng rừng và trồng cây công nghiệp.

img

Theo C45 người dân phá rừng, trồng cây và ổn canh, ổn cư nhưng chính quyền không xử lý dứt điểm.

Tháng 6.2006, cơ quan chuyên môn tỉnh Đắk Nông đã phúc tra hiện trạng rừng và đất rừng trên diện tích 1.079ha dự kiến giao cho Cty Long Sơn thuê. Kết quả cho thấy, diện tích đất rừng bị người dân xâm canh trồng điều, làm nương rẫy là 289,7ha, đất có rừng là 539,3 ha, đất không có rừng 79,7ha, đất có rừng bị phá (chưa canh tác) 170,3ha.

Kết quả xác minh đến cuối năm 2006, có 37 hộ dân đang sử dụng 217,8/289,7 ha, trong đó có hộ ông Hoàng Văn Thắng (người bị Công ty Long Sơn san ủi vườn điều hôm 23.10.2016). Số diện tích trồng điều, nương rẫy còn lại 71,9ha chưa rà soát thống kê được.

Ngày 1.2.2008, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 240, giao đất cho Cty Long Sơn. Trong quyết định này yêu cầu Cty Long Sơn phải phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng 289,7 ha đất nói trên; chỉ thực hiện dự án khi được sự chấp thuận của chủ sử dụng đất cũ.

Ngày 28.2.2008, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông tến hành lập biên bản thu hồi và bàn giao rừng thực địa cho Cty Long Sơn. Tuy nhiên lúc này, diện tích hơn 500 ha đất có rừng đã có biến động, bị người dân lấn chiếm thêm để trồng điều và làm nương rẫy nên việc bàn giao chưa được thực hiện.

Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông xin ý kiến chỉ đạo. Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng đất.

img

Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình là một nỗi đau rất lớn không chỉ đối với gia đình bị cáo.

Ngày 17.3.2008, Sở NNPTNT có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho phép Cty Long Sơn hợp đồng với đơn vị tư vấn, điều tra, rà soát bổ sung hiện trạng đất rừng bị biến động. Theo kết quả rà soát, trong hơn 500 ha đất có rừng này đã có đến hơn 321ha đã bị lấn chiếm.

Tháng 9.2008, UBND huyện Tuy Đức thành lập Đoàn công tác liên ngành thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng (Đoàn 12) để giải tỏa đất của các hộ dân xâm canh trái phép trong vùng dự án của Cty Long Sơn. UBND huyện cũng yêu cầu Cty Long Sơn chuyển tiền vào tài khoản của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tuy Đức để thực hiện hỗ trợ bồi thường cho người dân xâm canh.

Mặc dù phía Cty Long Sơn chưa chuyển tiền cho huyện để bồi thường cho người dân, nhưng ngày 17.9.2008, Đoàn 12 của huyện Tuy Đức vẫn tiến hành cưỡng chế 150,2 ha đất giao cho Cty Long Sơn.

Việc này ngay lập tức bị người dân chống đối, khiếu kiện nên phải dừng lại. Diện tích 150,2 ha đất này bị người dân tái chiếm để canh tác.

"Việc Đoàn 12 giải tỏa 150 ha đất rừng trong khi Cty Long Sơn chưa đạt được thỏa thuận về mức hỗ trợ công khai phá đất hoa màu với chủ đất cũ đã gây bức xúc  và phản ứng manh động của các hộ dân có đất xâm canh, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn, dẫn đến việc người dân khiến nại, khiếu kiện, tranh chấp đất diễn ra phức tạp" (trích kết luận điều tra số 62 ngày 15.8.2017 của C45).

Tại bản kết luận điều tra số 62 ngày 15.8.2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C45) khẳng định hành động trên của UBND huyện Tuy Đức đã khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

Giải quyết không dứt điểm, để dân tự xử  

Trong một diễn biến khác, ngày 2.8.2010, UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định số 1144 giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Văn Sùng và một số hộ dân trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, trong đó khẳng định việc Cty Long Sơn chưa thỏa thuận hỗ trợ bồi thường cho dân nhưng đã phá bỏ cây trồng của ông Hoàng Văn Sùng và một số hộ dân liên quan.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho UBND huyện Tuy Đức chủ trì phối hợp với Sở NNPTNT, Công ty Lâm Nghiệp Quảng Tín, Cty Long Sơn tổ chức rà soát thống kê toàn bộ diện tích đất 289,7ha để thỏa thuận hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

img

Theo C45, khi tỉnh có chủ trường cho Cty Long Sơn thuê đất thì ông Hoàng Văn Thắng đã trồng cây điều và ổn canh, ổn cư.

UBND huyện Tuy Đức phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện cưỡng chế giải tỏa diện tích đất xâm canh, mua bán trái phép sau ngày 4.12.2006 giao cho Cty Long Sơn triển khai dự án.

Tuy nhiên đến nay, UBND huyện Tuy Đức vẫn chưa thực hiện giải tỏa, cưỡng chế thu hồi bàn giao đất cho Cty Long Sơn.

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, chính việc quản lý diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông của các đơn vị chức năng còn thiếu sót đã dẫn đến việc người dân di cư, xâm canh lấn chiếm trái phép diễn ra trong thời gian dài.

Mặt khác, công tác quản lý nắm địa bàn, xử lý đối với người dân xâm canh, phá rừng trái phép cũng không kịp thời, dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép diễn ra phức tạp. Người dân sau khi khai phá đất rừng trái phép hoặc mua bán, sang nhượng trái phép đã ổn định sinh sống. Chính vì vậy, khi UBND tỉnh Đắk Nông cho Cty Long Sơn thuê 1.079ha đất rừng để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp thì vấp phải sự tranh chấp quyết liệt do người dân đã ổn canh, ổn cư sinh sống trồng cây điều, cà phê, tiêu, cao su.

Đây trở thành nguồn sinh sống nên người dân không trả lại đất để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Hơn nữa, mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Cty Long Sơn phải thỏa thuận, hỗ trợ cho người dân đối với diện tích đất rừng xâm canh, lấn chiếm trước thời điểm ngày 4.12.2006 nhưng đến nay Cty Long Sơn vẫn chưa thực hiện.

Ngược lại, Cty Long Sơn đã nhiều lần đi san ủi, hủy hoại cây trồng của người dân dẫn đến xung đột, mâu thuẫn giữa Cty Long Sơn với người dân ngày càng gay gắt.

Theo C45, mặc dù việc này đã được UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý song do địa bàn xa, đi lại khó khăn nên việc quản lý chặt chẽ, nắm bắt, xử lý chưa được các cơ quan chức năng thực hiện triệt để, kịp thời, dẫn đến Cty Long Sơn tự ý đi san ủi cây trồng của người dân gây mất ổn định an ninh trật tự, đặc biệt là vấn đề an ninh nông thôn trên địa bàn.

img

Theo TAND tỉnh Đắk Nông, việc chính quyền không xử lý dứt điểm các tranh chấp, để người dân tự xử lý trái pháp luật đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

C45 cho biết, hiện nay Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo liên quan đến vấn đề người dân di cư, xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai giữa Cty Long Sơn với người dân đã và đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Đắk Nông giải quyết. Vì vậy Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông giao Thanh tra tỉnh tiến hành điều tra, đề xuất xử lý.

Ngày 3.1, tại phiên tòa xét xử vụ bắn chết 3 người, TAND tỉnh Đắk Nông khẳng định, chính việc chính quyền không giải quyết dứt điểm các tranh chấp, để người dân tự giải quyết trái pháp luật đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên HĐXX không xem xét nội dung này do Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông và các cơ quan này đang giải quyết.

Ngày 5.1, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, liên quan đến vụ nổ súng làm chết 3 người ở tiểu khu 1535, trên cơ sở kết luận của TAND tỉnh, tỉnh sẽ giao cơ quan chức năng làm rõ, chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan.

Về câu hỏi, phải chăng nguyên nhân của vụ nổ súng là do sự tắc trách, chậm xử lý các vấn đề trên địa bàn của địa phương mà ra? Ông Diễn từ chối trả lời do chưa nắm kỹ. "Việc này tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời sau"- ông Diễn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cũng từ chối trả lời câu hỏi này và cho rằng, việc này tùy theo phán quyết của tòa chứ ông không có ý kiến gì thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem