Tâm điểm của thị trường sáng nay (13/1) vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản và nhóm cổ phiếu "họ FLC", áp lực xả bán vẫn tiếp tục diễn ra.
Ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch, các nhà đầu tư đã mạnh tay bán tháo mạnh cổ phiếu FLC. Giá cổ phiếu FLC "sập sàn" ngay từ những phút đầu tiên.
Hiện có đến 64,65 triệu cổ phiếu FLC được rao bán, nhưng trắng bên mua. Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, giá cổ phiếu FLC chỉ còn 17.300 đồng mỗi cổ phiếu, mất đến 6,74% giá trị, tương đương 1.250 đồng.
Với hơn 709 triệu cổ phiếu đang giao dịch, giá cổ phiếu FLC mất đến gần 900 tỷ đồng giá trị vốn hoá.
Không chỉ FLC, một loạt các mã chứng khoán "họ FLC" cũng đang có lượng dư bán sàn hàng triệu đến hàng chục triệu đơn vị. Đặc biệt, ROS đang dư bán sàn tới gần 104 triệu đơn vị.
Áp lực bán sàn của nhóm cổ phiếu "họ FLC" đến từ sự kiện liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Theo đó, dù giao dịch "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết đã bị hủy, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã được trả lại tiền, nhưng nhiều NĐT khác lỡ ôm cổ phiếu "họ FLC" đang lo ngại số cổ phiếu này sẽ tiếp tục ... "lau sàn".
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng để bảo vệ NĐT, cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn với trường hợp này để ngăn chặn tận gốc tình trạng "bán chui" cổ phiếu.
Th.S - Luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định việc ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính là vi phạm luật. Việc bán "chui" cổ phần vội vàng của ông Trịnh Văn Quyết đã khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC thua lỗ nặng vì quá tin tưởng vào uy tín của FLC. Cuối cùng thì chỉ có các nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu thiệt hại nặng nề vì lỡ chạy theo "cái bóng" đến khi bừng tỉnh thì muộn.
"Mức xử phạt về hành vi gian dối tạo ra nhu cầu mua một lượng lớn cổ phiếu để "nhử mồi" gây sự chú ý cho các nhà đầu tư tưởng ngon ăn đổ tiền vào mong kiếm lời nhưng đâu ngờ chỉ sau một đêm ngủ dậy hay vài giờ trong giao dịch hành chính mua bán thì một số người nắm quyền kiểm soát cổ phiếu đã bán ra một lượng lớn hơn nhiều lần số cổ phiếu mua vào để thu lợi bất chính một khoản tiền rất nhiều", vị Luật sư này nêu.
Vị Luật sư này cũng cho rằng: "Tuy nhiên quy định về xử phạt hành vi gian lận tạo ra làn sóng mua bán cổ phiếu như thế này chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính về công bố thông tin bằng số tiền "lẻ" của các tay đầu cơ đã thu lợi. Ví dụ năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC làm cho các nhà đầu tư nắm cổ phiếu FLC thiệt hại nặng nề, nhưng, rồi ông Quyết chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính vi phạm hành chính với 65 triệu đồng".
Dẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với cá nhân có hành vi gian lận trong mua bán cổ phiếu giống như trường hợp nêu trên của ông Quyết, Luật sư Thường cho rằng, có thể sẽ bị xử phạt tiền khoảng từ 3% - 5% giá trị của lô chứng khoán đã giao dịch thực tế với số tiền có thể lên 1,5 tỉ đồng (Điểm h, khoản 5 Điều 33 Nghị định 128/2021-NĐ-CP sửa đổi bổ sung NĐ 156/2020).
"Đồng thời, nếu hành vi mua bán cổ phiếu của ông Quyết nếu gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư và làm lũng đoạn thị trường chứng khoán thì có thể sẽ bị xem xét truy tố về tội hình sự như "tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" với mức phạt tù đến 5 năm (Điều 209 BLHS 2015); hoặc "tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" với mức tù đến 7 năm (Điều 210 BLHS 2015); hay cũng có thể bị "tội thao túng thị trường chứng khoán" với mức phạt tù đến 7 năm (Điều 211 BLHS 2015)", ông Lê Bá Thường nhấn mạnh.
Có thể áp dụng tất cả các khung hình phạt để xử một lần làm gương
Tuy nhiên, việc xem xét hành vi để xử lý hình sự sẽ không đơn giản, vì phải căn cứ thời gian gây hậu quả làm thiệt hại nhà đầu tư và thu lợi bất chính của người thụ hưởng rất khó xác định.
Giám đốc một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần (xin giấu tên), với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, cũng chia sẻ rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết phải xử mạnh tay để làm gương.
Nhóm Bất động sản, xây dựng sau giai đoạn tăng "nóng" cũng đang chịu áp lực chốt lời mạnh, nhiều mã giảm sàn "trắng bên mua" như CEO, CII, DIG, FCN, FLC, ITA, LDG, NBB, QCG, ROS, PHC…
Thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam là sân chơi của cả một quốc gia chứ không phải là sân chơi "cò con", và điều tiên quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là phải minh bạch. Không nên để Chủ tịch của nhiều công ty con, bất chấp lợi ích của cổ đông…
"Cái này giống như là lợi ích nhóm, lợi ích nhóm đứng trên cả luật pháp, cả dư luận… thì phải có một biện pháp chế tài thật mạnh", vị Giám đốc này nói.
Cụ thể, theo vị Giám đốc này, có thể dùng tất cả các khung hình phạt mà có thể có để xử một lần làm gương. Còn việc xử phạt, thậm chí vài chục tỷ đồng với trường hợp ông Quyết thì chẳng là gì so với tiềm lực tài chính của họ. Chưa kể, nếu không mạnh tay thì sẽ tạo ra tiền lệ cho những người sau, có thể sẽ làm theo vì mức phạt không là gì so với mức thu lợi bất chính từ việc này.
Thứ hai, việc xử phạt nặng mới đem lại niềm tin cho nhà đầu tư, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài. Hiện rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các quỹ đầu tư lớn có danh mục tài sản hàng tỷ USD đang nhìn vào vấn đề này. Nếu không xử nghiêm thì sau này muốn nâng hạng mà nói thị trường chứng khoán Việt luôn minh bạch, lành mạnh hóa thì… ai nghe?
"Tóm lại, để minh bạch thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư cũng như chặn 'từ trong trứng nước' các ý định gian dối của các chủ tịch, giám đốc tương lai thì phải xử kịch khung các khung hình phạt đã quy định", vị Giám đốc này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.