Trồng thanh long sạch kiểu giàn chữ T, anh nông dân xuất khẩu "tì tì" sang trời Âu

Trần Đáng Thứ năm, ngày 02/02/2023 08:30 AM (GMT+7)
Gác bằng cử nhân kinh tế, anh Võ Văn Khanh (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khởi nghiệp trồng thanh long sạch kiểu giàn chữ T để xuất khẩu “trái rồng” sang thị trường châu Âu.
Bình luận 0

Theo anh Khanh, phương pháp trồng thanh long kiểu giàn chữ T là phương pháp mới nhằm tận dụng diện tích đất, thuận lợi trong chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái, tiết kiệm nước tưới, nhân công…

Trồng thanh long sạch kiểu… canh nắng trời, anh nông dân tì tì xuất khẩu “trái rồng” sang trời Âu - Ảnh 1.

Anh Võ Văn Khanh (xã Tân Bửu, Bến Lức, Long An) trồng thanh long kiểu giàn chữ T. Ảnh: Trần Đáng

Trồng thanh long kiểu… canh nắng trời

Hôm thứ hai (30/1), cổng tông tin điện tử Bộ Công Thương cho biết, EU (Liên minh châu Âu) đã công bố danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023. Cùng với mì gói, trái thanh long của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu tiếp tục bị kiểm tra tại cửa khẩu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện, trái thanh long đang nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần xuất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.

Khi biết thông tin này, tôi đã hẹn gặp anh Khanh để tìm hiểu thêm việc xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu. Anh Khanh cho biết, đã nhận được thông tin này, nhưng chưa thấy đối tác xuất khẩu có ý kiến gì, việc xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu vẫn bình thường.

Thực tế, anh Khanh cho biết, anh không lo trái thanh long mình trồng gặp vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi vào thị trường châu Âu. Bởi, lâu nay anh trồng thanh long sạch.

Theo anh Khanh, hiện anh đang trồng thanh long sạch với gần 3ha kiểu giàn chữ T, chất lượng trái hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính…

Anh Khanh chia sẻ, trồng thanh long kiểu giàn chữ T không phục vụ cho xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc vì gặp bất lợi về hướng nắng.

Trồng thanh long sạch kiểu… canh nắng trời, anh nông dân tì tì xuất khẩu “trái rồng” sang trời Âu - Ảnh 2.

Anh Khanh bón phân hữu cơ cho vườn trồng thanh long sạch. Ảnh: Trần Đáng

"Làm hàng bán cho thị trường Trung Quốc thì thanh long phải chín đỏ đẹp, tai xanh. Nếu trái chín không đều thương lái Trung Quốc sẽ xem là hàng dạt. Trong khi đó, trồng thanh long kiểu giàn chữ T trái chín không đều, thường bị lam", anh Khanh thổ lộ.

Anh Khanh giải thích thêm, trong năm từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau nắng thường chỉ một bên giàn thanh long chữ T. Bên nắng nhiều trái sẽ chín đỏ, đẹp, nhưng bên nắng ít trái bị lam.

"Nếu trái bị lam chỉ có thể xuất khẩu sang châu Âu, không sang thị trường Trung Quốc được. Bởi thị trường châu Âu không quan tâm trái bị lam mà chỉ chú trọng dư lượng hóa chất", anh Khanh chia sẻ.

Để khắc phục trái thanh long chín bị lam, anh Khanh cho rằng, khi quyết định trồng thanh long kiểu giàn chữ T nên làm giàn trồng thanh long canh theo hướng Đông – Bắc của mặt trời. Như vậy, giàn trồng thanh long sẽ lệch trục Bắc – Nam một gốc 15 độ. Làm vậy, giàn thanh long sẽ có nắng đều hai bên.

Ngoài việc, trồng thanh long kiểu giàn, anh Khanh còn sử dụng phân bón hữu cơ để chú trọng xuất khẩu thanh long vào thị trường khó tính.

Hiện, anh Khanh đang sử dụng phân bón hữu cơ làm từ vỏ tràm. Theo anh Khanh, phân bón hữu cơ vỏ tràm không chỉ cho chất lượng thanh long tốt mà còn tiết kiệm chi phí nhiều so với dùng phân bón hóa học. Nhờ lên men hữu cơ nên loại phân bón này giúp đất tơi xốp, cây thanh long phát triển tốt, cho năng suất cao, thân thiện môi trường.

Trồng thanh long xuất sang trời Âu

Clip. Anh Khanh trồng thanh long sạch để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Clip: Trần Đáng

Hôm chúng tôi thăm vườn, anh Khanh cho biết, đang chuẩn bị thu hoạch đợt thanh long khoảng 2 tấn trái.

Theo anh Khanh, thị trường châu Âu "ăn" thanh long liên tục trong năm, nhưng "ăn" nhiều nhất vào thời điểm cuối năm, nhất là dịp lễ Phục sinh, Giáng sinh. Hiện, cứ mỗi tháng anh Khanh xuất thanh long sang thị trường châu Âu 2 chuyến hàng.

Anh Khanh cho biết, trồng thanh long xuất sang thị trường châu Âu khác biệt so với xuất sang thị trường Trung Quốc. Thị trường châu Âu chủ yếu ăn thanh long có trọng lượng 300 – 400g/trái. Cứ một hộp đủ 8 trái.

Để làm loại thanh long này, vào vụ xông đèn, anh Khanh để trái rất nhiều trên cây. Do cây nuôi trái nhiều, cho nên trái thanh long không thể to lớn được mà chỉ tầm nắm tay.  

"Chủ yếu thanh long xuất sang thị trường châu Âu bằng đường hàng không. Cứ đủ 300 hộp vô 1 container "bay" (khoảng 900kg)", anh Khanh cho biết.

Trồng thanh long sạch kiểu… canh nắng trời, anh nông dân tì tì xuất khẩu “trái rồng” sang trời Âu - Ảnh 5.

Vườn trồng thanh long kiểu giàn chữ T của anh Khanh. Ảnh: Trần Đáng

Theo anh Khanh, hiện giá thanh long xuất khầu sang thị trường châu Âu vẫn theo thời vụ. Đối tác xuất khẩu chưa thỏa thuận giá thanh long cả năm mà chỉ từng đợt xuất khẩu.

"Chính vì vậy, vẫn xảy ra tình trạng giá thanh long bị "đè". Giá thanh long xuất khẩu "ăn theo" giá thanh long trong nước", anh Khanh bộc bạch.

Hiện, ngoài xuất khẩu thanh long sang thị trường châu Âu, anh Khanh còn xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc và bán trên thị trường nội địa.

Anh Khanh còn đang thử nghiệm trồng thanh long hữu cơ để tìm kiếm phân khúc thị trường thanh long mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem