Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bình Dương: Cháu bé không gặp nguy hiểm vẫn bị xử lý hình sự?
Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bình Dương: Cháu bé không gặp nguy hiểm, đối tượng vẫn bị xử lý hình sự?
Quang Trung
Thứ ba, ngày 07/11/2023 11:37 AM (GMT+7)
Bước đầu xác định, nghi can bắt cóc cháu bé ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương về để nuôi vì ít có khả năng sinh con. Chuyên gia pháp lý cho biết, hành vi của nghi can đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Liên quan vụ bé gái sơ sinh nghi bị bắt cóc ở bệnh viện, Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, đã bắt giữ T.T.N.T (18 tuổi, quê Bến Tre) để điều tra hành vi chiếm đoạt trẻ em dưới 16 tuổi.
Theo điều tra ban đầu, ngày 4/11, T. đến khoa phụ sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để đăng ký sinh và nảy sinh ý định chiếm đoạt con của người khác.
Đến 17h35 chiều cùng ngày, T. lấy áo khoác blouse trắng giả danh nhân viên y tế vào phòng bệnh của sản phụ H.T.B (25 tuổi, quê Hậu Giang). Tại đây, T. nói dối là đưa bé gái sơ sinh con chị B. đi tiêm phòng.
Tuy nhiên, sau khi đưa bé gái khỏi bệnh viện, T. đi thẳng về nhà trọ của mình ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cách bệnh viện hàng chục cây số.
Nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương và Công an TP Thủ Dầu Một nhanh chóng vào cuộc xác minh, truy bắt hung thủ.
Đến 22h tối cùng ngày, lực lượng công an đã tìm được bé gái sơ sinh tại nhà trọ của T. và mang về giao trả cho mẹ bé.
Tại cơ quan điều tra, T. khai bị bệnh u nang buồng trứng, từng sảy thai nên khả năng có con không cao. Với mong muốn có con và áp lực từ nhà chồng, T. nói dối đang mang thai và sinh con vào khoảng tháng 10/2023.
Do T. có tạng người mập giống mang bầu nên nhà chồng không nghi ngờ. Đến ngày 4/11, T. vào bệnh viện và thực hiện hành vi trên.
Mang cháu bé ra khỏi sự kiểm soát của mẹ là hành vi chiếm đoạt trẻ em
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với kết quả xác minh bước đầu thấy nghi can đang trong hoàn cảnh đáng thương. Tuy nhiên hành vi là nguy hiểm cho xã hội nên vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt trẻ em.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của nghi can làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mặc dù mục đích của nghi can là bắt cóc cháu bé về nuôi, chưa gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé, tuy nhiên hành vi mang cháu bé ra khỏi sự quản lý, kiểm soát của mẹ là hành vi chiếm đoạt trẻ em.
"Lén lút bế đứa trẻ mang về làm con nuôi mà không được sự đồng ý của mẹ cháu bé, không thực hiện thủ tục nhận con nuôi (nếu có) theo quy định pháp luật nên hành vi này là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền trẻ em, gây mất an ninh trật tự nên có thể bị xử lý hình sự bằng chế tài nghiêm khắc" – ông Cường cho biết.
Ông Cường thông tin, trẻ em là đối tượng đặc biệt, được pháp luật bảo vệ bằng nhiều quy định của pháp luật, trong đó có luật trẻ em, luật hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, người có quyền quản lý, chăm sóc, giáo dục là cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Nếu cha mẹ đẻ của trẻ em đồng ý giao con mình cho người khác chăm sóc bồi dưỡng theo thỏa thuận hoặc được giao cho người khác làm con nuôi theo quy định pháp luật thì người khác mới có quyền được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Mọi hành vi chiếm giữ, quản lý trẻ em mà không được sự cho phép của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội chiếm đoạt trẻ em với chế tài từ 3 đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, từ thông tin ban đầu thấy nếu bị chứng minh có tội, nghi can có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 153 Bộ luật hình sự và có thể đối mặt với chế tài từ 3 đến 7 năm tù.
Trường hợp nghi can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… đó cũng là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.