Vụ bắt lãnh đạo công ty Alibaba: Ai phải chịu liên đới trách nhiệm?

Hạ Anh Thứ hai, ngày 23/09/2019 20:59 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, những đối tượng biết rõ hành vi của các lãnh đạo công ty này là lừa đảo nhưng vẫn tiếp tay, giúp sức là đồng phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, ngày 18/9, cơ quan Công an tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty Alibaba về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

img

Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng nhân viên của Alibaba và các công ty con đã lên đến 2.600 người. Tuy nhiên, công an cho rằng, con số nhân viên hay cộng tác viên của Alibaba có thể còn đông hơn nữa.

Những nhân viên của công ty Alibaba vẫn bảo vệ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện và “sống chết” dù công ty địa ốc Alibaba có biến và lãnh đạo bị bắt.

Những người này có phải chịu trách nhiệm liên đới trong vụ án?

Theo luật sư Đặng Văn Cường -  Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức: Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

img

Một trong những trụ sở Công ty Alibaba.

“Như vậy, trong quá trình điều tra, nếu CQĐT có căn cứ chứng minh những cán bộ, nhân viên của công ty AliBaba có cùng ý chí với Luyện và Lĩnh để đưa ra thông tin gian dối, dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì tất cả những người gian dối với khách hàng sẽ đều bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – Luật sư Cường cho biết.

Ông phân tích, theo thông tin điều tra ban đầu, trong vụ án này thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động vốn trái phép trong lĩnh vực bất động sản. Các đối tượng vẽ ra những dự án “ma”, phân lô bán nền đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi, chưa có sự phê duyệt, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn để huy động vốn trái phép, đưa ra thủ đoạn gian dối, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận, hứa hẹn sẽ mua lại BĐS với lãi suất cao để chiếm đoạt tài sản (tiền đầu tư) của khách hàng.

Để thực hiện thủ đoạn này cần nhiều người thực hiện. Bởi vậy, trong số những người tham gia công ty Alibaba nếu người nào biết dư án không có thật mà vẫn đưa ra thông tin gian dối để khách hàng nộp tiền cho các đối tượng lừa đảo, những người này cũng sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò là người giúp sức cho những đối tượng chủ mưu.

Ngoài ra, những người nào biết rõ tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự. Mức án đối với người vi phạm hành vi này là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.....

Bên cạnh đó, nếu có đối tượng nào làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem