Vụ bệnh viện quá tải bệnh nhân chen chúc chờ khám: Lãnh đạo bệnh viện nói gì
Vụ quá tải bệnh nhân chen chúc chờ khám như... ùn tắc giao thông: Lãnh đạo bệnh viện nói gì?
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 04/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, số lượt khám bệnh trong tháng 6/2021 là 16.141 thì tháng 6/2022 đã tăng lên 34.79 khiến nhân viên phải làm việc từ 8 -16 tiếng mỗi ngày, bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Bệnh viện Việt Đức tăng 250% lượt người khám gây quá tải
Liên quan đến vụ việc một PV Dân Việt vừa phản ánh về tình trạng tại nhiều khu vực ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện đã chính thức lên tiếng chia sẻ.
Nghẹt người khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Clip: Gia Khiêm
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đã thừa nhận tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện. Cụ thể, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có diện tích hơn 3 ha, với 1.508 giường bệnh được giao. Trên thực tế số lượng bệnh nhân nằm tại bệnh viện rất đông.
Riêng bệnh nhân nội trú khoảng 2.000 người, số lượng bệnh nhân đến khám hàng ngày trong khoảng 2.000 người, cộng thêm 2.000 – 4.000 người nhà bệnh nhân đi cùng, cùng với 2.500 cán bộ nhân viên y tế chăm sóc tại bệnh viện nên hầu như luôn có tối thiểu hàng vạn người mỗi ngày.
"Trong 6 tháng đầu năm 2021, bệnh viện ghi nhận 56.347 lượt khám bệnh thì 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận 140.980 lượt khám bệnh, tức tăng 250%. Về lượt chụp CT, tăng từ 2.508 lên 8.025 lượt, nội soi từ 2.578 lên 5.925, siêu âm từ 20.530 lên 48.914 lượt, xét nghiệm tăng từ 194.162 lên 674.704 lượt", PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đưa ra dẫn chứng.
Theo ông Khánh, khuôn viên, hạ tầng cơ sở vật chất và cán bộ nhân viên bệnh viện chỉ có giới hạn nhưng để đáp ứng số lượng khám chữa bệnh tăng chóng mặt, các nhân viên y tế tại bệnh viện phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Chưa nói đến thời gian qua, ngoài chức năng khám chữa bệnh, bệnh viện còn có chức năng phòng chống dịch cũng như chi viện, huy động cán bộ y tế cho miền Nam.
Tiếp đó, bệnh viện còn phải thành lập đơn vị thu dung và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện, hỗ trợ toàn bộ bệnh nhân Covid-19 của quận Hoàn Kiếm, đồng thời trưng dụng 2 khoa định vị theo yêu cầu và khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn dành cho bệnh nhân Covid-19,… Trong khi tại bệnh viện vẫn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuyên môn.
"Sau khi dịch bệnh bình thường trở lại, số lượng bệnh nhân tăng đột biến khiến nhân viên y tế phải làm việc hết công suất, thậm chí gấp 2, gấp 3 lần. Lượt khám bệnh trong tháng 6/2021 (trước thời điểm Hà Nội phong toả) là 16.141 lượt khám, trong tháng 6/2022 đã tăng lên 34.79 khiến nhân viên phải làm việc từ 8 -16 tiếng.
Thậm chí được điều động đi làm vào ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ, trong khi đó chế độ đãi ngộ không thay đổi. Có những bác sĩ kết thúc ngày làm việc lúc 12 giờ đêm. Nhưng 5 giờ sáng ngày hôm sau đã phải thức dậy để kịp ca làm việc lúc 6 giờ sáng. Họ phải làm việc hết công suất, thậm chí không nghỉ mới có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân", ông Khánh bày tỏ.
Đánh giá về cơ sở vật chất khuôn trang bệnh viện, ông Khánh cho hay, tại khu vực chờ, bệnh viện đều bố trí ghế, quạt thông gió, điều hoà trung tâm,… để phục vụ người bệnh và người nhà đến khám. Tại khu vực thu viện phí, bệnh viện bố trí gần 250 ghế ngồi, khu vực xét nghiệm với gần 150, khu vực chờ làm chuẩn đoán gần 450,… Hầu hết các khu vực đều có đầy đủ ghế chờ.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám và điều trị, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh phân tích, Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện công lập, trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động trên nguyên tắc không bao giờ từ chối người bệnh. Ngoài những trường hợp nặng như cấp cứu, chuyển tuyến,… với các trường hợp bệnh nhân đến thăm khám, dù có bảo hiểm hay không bệnh viện cũng đều tiếp nhận, giải quyết đầy tốt nhất nhu cầu người bệnh.
Thứ hai, trong thời gian dịch bùng phát, người bệnh khó khăn trong việc khám và điều trị hoặc có những bệnh nhẹ có thể trì hoãn. Vì vậy sau khi dịch bình thường trở lại, số lượng bệnh nhân tăng đột biến cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, Bệnh viện này lại là một trong những cơ sở y tế đầu ngành, nhận được sự tin tưởng của người bệnh.
Thứ ba, bệnh viện các tuyến có thể vướng mắc về chuyên môn, trang thiết bị,… nên chưa thể giải quyết tốt nhu cầu của bệnh nhân.
"Ngoài ra, tâm lý bệnh nhân thường muốn đến thăm khám từ sớm, mỗi bệnh nhân lại đi kèm 2-3 người nhà. Dẫn đến số lượng người đến bệnh viện sẽ rất đông, đặc biệt là quá tải vào các buổi sáng. Tại những khu chờ của bệnh viện, ngoài bệnh nhân đang chờ kết quả, thường là người nhà các gia đình vào ngồi tránh nóng, dẫn đến số lượng người tập trung tại một địa điểm quá đông", ông Khánh nói.
Bệnh viện quá tải, nhiều nhân viên y tế làm việc từ sáng đến nửa đêm
Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân, ông Khánh chia sẻ, cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện phải làm việc hết công suất và phải đi làm từ rất sớm. Cán bộ nhân viên y tế sẽ bắt đầu làm việc từ 6h sáng cho đến khi hết bệnh nhân.
Điển hình như phân việc chụp cộng hưởng từ, các y bác sĩ thường phải làm việc đến 24 giờ đêm với những hôm đông và 20 giờ tối với những ngày ít bệnh nhân hơn. Các công việc khác như chụp CT, X-quang, các bác sĩ cũng thường phải làm việc đến 6 giờ tối mới hết bệnh nhân.
Tại khu vực khám bệnh, bệnh viện bố trí nhân lực, chia là việc làm việc từ 6 giờ sáng, thăm khám cho đến khi hết bệnh nhân. Tại khu xét nghiệm, chuẩn đoán liên ngành, nội soi,… các bác sĩ cũng sẽ bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng và thông thường kết thúc 20 giờ tối, đa phần là 24 giờ đêm. Khu vực mổ, bệnh viện bố trí 51 bàn mổ, đồng thời triển khai mổ cả ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ Tết.
"Để số lượng bệnh nhân chờ mổ tại bệnh viện rất giảm xuống, bệnh viện đã mở thêm bàn mổ, bố trí nhân lực vào phòng mổ. Nhân viên phòng mổ cũng làm việc hết công suất, đến khuya. Bệnh viện cũng trưng dụng khu vực có thể làm phòng bệnh, bố trí giường, cơ sở vật chất phục vụ bệnh nhân tối đa.
Đồng thời san bớt bệnh nhân từ các khoa đông sang khoa ít người để giảm tải tình trạnh quá tải. Bệnh viện cũng triển khai hoạt động khám ngoài giờ, thứ bảy và ngày lễ để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện đã và đang triển khai tiêu chuẩn số hoá thông qua việc đặt thẻ qua điện thoại, tổng đài tự động, trang web,… nhằm giúp người bệnh thuận tiện trong việc đặt lịch khám", Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói.
Trước thực trạng số lượng người bệnh đến khám và điều trị tăng vọt, áp lực dồn cục bộ vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Khánh cho rằng các bệnh viện tuyến dưới cũng cần có phương án hỗ trợ, chia sẻ bệnh nhân bởi nhân lực và cơ sở hạ tầng vật chất của bệnh viện chỉ có giới hạn.
"Về giải pháp lâu dài, bệnh viện sẽ triển khai các đề tài quan trọng nhằm thay đổi diện mạo mới. Trong đó, bệnh viện sẽ tiếp tục đấy nhanh hơn nữa tiêu chuẩn số hoá và sớm thực hiện xây dựng khu phòng khám mới", ông Khánh nêu.
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng khẳng định, với công tác chuẩn bị từ trước, bệnh viện không rơi vào tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư. Trước số lượng bệnh nhân tăng cao, bệnh viện cũng kịp thời bổ sung các gói thầu, đấu thầu theo đúng quy định Nhà nước để đáp ứng đủ nhu cầu về thuốc men và trang thiết bị y tế cho người bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.