Từ vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người trong cuộc nói gì?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 02/08/2022 18:17 PM (GMT+7)
Vụ người nhà bệnh nhân bóp cổ bác sĩ trực cấp cứu tối 27/7 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) không phải là vụ hành hung nhân viên y tế đầu tiên. Mỗi khi có một vụ hành hung y bác sĩ, dư luận lại lên án nhưng rồi đâu vẫn vào đó.
Bình luận 0
Từ vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người trong cuộc nói gì? - Ảnh 1.

Người nhà bệnh nhi xông vào bóp cổ bác sĩ T. tối 27/7. Ảnh cắt từ camera bệnh viện

Ở các bệnh viện lớn tại TP.HCM, số lượng bệnh nhân đông nhưng nhân viên y tế có hạn khiến áp lực công việc tại đây vô cùng lớn. Mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế là điều khó tránh khỏi.

Bác sĩ P.H.T trực cấp cứu bị hành hung tối 27/7 cho biết, hơn 7 năm gắn bó với chuyên ngành cấp cứu, chứng kiến nhiều vụ hành hung, nhưng lần này bị người nhà bệnh nhi bóp cổ khiến anh rất nản.

Theo bác sĩ T, môi trường hành nghề cấp cứu ở bệnh viện công khá rủi ro, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị hành hung, bị côn đồ xông vào gây rối, những người say xỉn chửi bới, xô xát...

Có nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân đập xuống bàn, đấm vào mặt chảy máu. Tuy vậy, sau khi nhận được lời xin lỗi, phần lớn trong số họ chọn bỏ qua, không làm lớn chuyện vì không muốn ồn ào.

Bác sĩ T đã từng chứng kiến lần lượt đồng nghiệp nộp đơn nghỉ việc vì áp lực lớn. "Nhiều năm công tác ở khoa cấp cứu, tôi cảm nhận hành hung như trở thành một thói quen của một số người Việt, ảnh hưởng đến tâm lý hành nghề khiến nhiều bác sĩ rời đi", anh T nói.

Sau khi chứng kiến vụ việc, nhiều người công tác trong ngành y và người dân tỏ ra bức xúc trước thái độ và cách ứng xử của người nhà bệnh nhân. Còn đối với các bác sĩ và nhân viên y tế, sự đau lòng thể hiện rõ qua từng chia sẻ.

"Cho dù cách giải thích của bác sĩ trực chưa thật sự thuyết phục được người nhà người bệnh, nhưng không thể chấp nhận được cách ứng xử thiếu văn hóa của thân nhân bệnh nhi khi dùng lời lẽ thô tục, hăm dọa và bất ngờ xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ", ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Bác sĩ Vũ Duy, Phó Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, trung bình khoa cấp cứu bệnh viện tiếp nhận 300 - 400 bệnh nhân mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân có bệnh lý nặng nhập viện, người nhà lo lắng yêu cầu xử lý nhanh cũng là điều dễ hiểu. Còn với nhân viên y tế, áp lực bệnh nặng, số ca đông, người nhà liên tục hỏi thăm tình hình bệnh nhân… khiến y bác sĩ luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng.

"Cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều nhân viên y tế vì quá áp lực nên đã có thái độ chưa được mềm mỏng với bệnh nhân hoặc người nhà. Thời gian qua, chúng tôi đang từng ngày cải thiện văn hoá ứng xử khi làm việc. Đồng thời, cũng hy vọng người nhà đặt mình vào hoàn cảnh nhân viên y tế để ứng xử có chừng mực, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Duy chia sẻ.

Bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nhận định, hiện tượng hành hung nhân viên y tế luôn có xu hướng tăng là do luật chưa thật sự đủ sức răn đe. Dù rằng nhân viên y tế không phải lúc nào cũng đúng nhưng không có nghĩa bệnh nhân và người nhà muốn hành xử kiểu gì cũng được.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia định TP.HCM bày tỏ: "Đứng trên quan điểm cùng là đồng nghiệp với nhau, chúng tôi rất chia sẻ nỗi trăn trở này. Môi trường của bệnh viện phải thực sự là môi trường an toàn để bệnh nhân và nhân viên y tế được làm việc tốt nhất".

Từ vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người trong cuộc nói gì? - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thăm nhân viên trực cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP HCM sẽ kiểm tra rà soát lại các quy định để bảo vệ an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

"Chúng ta đã rất nỗ lực cố gắng cải cách về thủ tục hành chính và nhận được nhiều lời khen, nhiều ý kiến hài lòng của người dân. Chính vì vậy, qua sự việc lần này, chúng tôi kêu gọi người dân khi đến cơ sở y tế hãy giữ một môi trường điều trị an toàn, tin tưởng vào người thầy thuốc để các nhân viên y tế an tâm công tác, người bệnh được an toàn chăm lo sức khoẻ", Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng chia sẻ thêm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM, đang củng cố hồ sơ để xử lý đối với Đ.Q.B (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) về hành vi hành hung bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo đó, tối 27/7, B đưa con gái 11 tuổi đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm khám. Tại Khoa Cấp cứu, điều dưỡng đã tiếp nhận, làm hồ sơ bệnh án, cho ông B viết tờ khai tình trạng bệnh của bé gái. Sau đó, bé gái được nhóm các bác sĩ chẩn đoán bị hóc xương, đau nhẹ vùng cổ, sức khỏe bình thường, chỉ định bác sĩ kiểm tra, gắp xương cá.

Tuy nhiên, khoảng 10 phút sau, ông B đến quầy hồ sơ gặp bác sĩ T, trưởng ca trực của Khoa Cấp cứu, có lời nói đe dọa. Bác sĩ T giải thích, nhưng người đàn ông không đồng ý, xô ngã, dùng tay bóp cổ bác sĩ T và đe doạ bác sĩ. Sau khi được bảo vệ bệnh viện can ngăn, ông B đưa con gái đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để thăm khám.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Bình Thạnh đã mời B lên làm việc. Bước đầu, B thừa nhận hành hành vi dùng vũ lực tấn công bác sĩ T, cản trở hoạt động cấp cứu điều trị bệnh nhân, ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín của bác sĩ và ca trực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem