Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) tái diễn tình trạng nợ lương: Cần làm rõ tình trạng “1 cơ quan 2 chế độ"

Phạm Sỹ Công Thứ hai, ngày 21/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trong câu chuyện Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại nợ lương, các y, bác sỹ loay hoay với "cơm áo gạo tiền", đơn vị chủ quản là Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam xuất hiện tình trạng "1 cơ quan 2 chế độ".
Bình luận 0

Clip Bệnh viện Tuệ Tĩnh tái diễn nợ lương

Lãnh đạo nhận nguyên lương, nhân viên đi làm không công

Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị Trực thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam được thành lập với mục tiêu trở thành cơ sở thực hành cho sinh viên của học viện. Chỉ là bệnh viện hạng 2 nhưng năm 2019, bệnh viện này lại chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính để khám chữa bệnh dịch vụ, mặc dù có 84,32% cán bộ nhân viên không đồng ý với quyết định này.

Gần 3 năm tự chủ, bệnh viện đã "thay đổi ngược" so với kỳ vọng. Đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động không được cải thiện mà còn thấy rõ sự bất ổn trong nội bộ đơn vị.

Tình trạng "1 cơ quan 2 chế độ" cũng bắt đầu diễn ra. Các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh dù là viên chức thuộc biên chế của học viện, do học viên phân công công việc nhưng không được hưởng lương và các khoản phúc lợi. Ngược lại, viên chức học viện và những người kiêm nhiệm thì luôn được nhận đầy đủ lương, thưởng.

Chính vì vậy mới có chuyện đội ngũ lãnh đạo bệnh viện được hưởng nguyên lương dù nhân viên phải đi làm không công.

Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) tái diễn tình trạng nợ lương: Cần làm rõ tình trạng “1 cơ quan 2 chế độ" - Ảnh 3.

Người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cảm thấy bị phân biệt đối xử. Ảnh: Sỹ Công

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Lê Thanh Huyền, Điều dưỡng Khoa Sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc nói: "Cùng thi và cùng được biên chế tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam mà chúng tôi bị đối xử một cách không công bằng. Chúng tôi bị nợ lương, cắt thưởng còn nhân viên bên học viện vẫn được đầy đủ lương, thưởng. Giữa một ngôi nhà chung, trên một mảnh đất, cùng cơ quan mà chúng tôi bị tách biệt hẳn luôn".

Chung nỗi niềm đó, anh Trần Văn Trường, Điều dưỡng Khoa Ngũ quan, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ: "Mặc dù thấu hiểu và đồng cảm với khó khăn của bệnh viện do dịch bệnh nhưng nếu tình hình tiếp tục thế này, tôi và các đồng nghiệp đều rất hoang mang".

"Thủ tướng đã nói sẽ không bỏ lại ai ở phía sau trong đại dịch Covid-19, nhưng chúng tôi cảm thấy chúng tôi gần như bị bỏ rơi ở trong đơn vị này", anh Trường buồn bã nói.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Y tế Việt Nam: "Hiện tại có 67 viên chức của học viện kiêm nhiệm các chức vụ tại bệnh viện, học viện và đương nhiên là tiền lương của họ sẽ không ảnh hưởng gì cả vì họ là giảng viên, viên chức của học viện. Đối với 128 người lao động là viên chức của bệnh viện và 30 hợp đồng lao động tiền lương sẽ không có".

Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) tái diễn tình trạng nợ lương: Cần làm rõ tình trạng “1 cơ quan 2 chế độ" - Ảnh 5.

Anh Trần Văn Trường, Điều dưỡng Khoa Ngũ quan, Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Ảnh: Sỹ Công

"Về mặt nguyên tắc, các đơn vị độc lập tự chủ sẽ có tài khoản có con dấu riêng mặc dù Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn trực thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, nhưng quan hệ lao động chắc chắn phải được thiết lập lại theo đơn vị tổ chức mới. Hiện nay, bộ máy lãnh đạo bệnh viện cũng chưa kiện toàn xong, đề án vị trí việc làm cũng chưa có gì cả cho nên mọi chuyện cứ nhùng nhằng như thế này", ông Tuấn nhấn mạnh.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam vấn đề "nhùng nhằng" trong cơ cấu tổ chức đã được thanh tra chỉ ra.

Thế nhưng hàng loạt tồn tại và hạn chế tại học viện và bệnh viện hầu như chưa được xử lý dứt điểm.

Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) tái diễn tình trạng nợ lương: Cần làm rõ tình trạng “1 cơ quan 2 chế độ" - Ảnh 6.

Nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh với băng rôn cần làm rõ việc 1 cơ quan 2 chế độ. Ảnh: Sỹ Công

Bệnh viện Tuệ Tĩnh gọi là tự chủ nhưng phụ thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam quá nhiều mặt. Đơn cử, trong lần tái diễn nợ lương này khi phóng viên liên hệ lãnh đạo bệnh viện để tìm hiểu thì ông Đoàn Quang Huy, Quyền Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng phải "xin phép lãnh đạo học viện và trả lời sau".

Theo một số nhân viên y tế, quan hệ lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa được thiết lập lại theo đơn vị tổ chức mới. Vì vậy Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cần có trách nhiệm trong việc trả lương nhân viên y tế, có như thế tình trạng "1 cơ quan 2 chế độ" mới không diễn ra.

Theo luật sư Trần Hồng Phúc, Công ty TNHH Luật Nguyễn Chiến, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 về Nguyên tắc trả lương cho người lao động. Căn cứ vào hợp đồng lao động, học viện này phải chịu trách nhiệm chi trả lương và giải quyết khiếu nại của các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Báo điện tử Dân Việt tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem