Vụ bò sữa chết bất thường ở Lâm Đồng, CEO NAVETCO hứa có biện pháp khắc phục nếu có liên quan đến vắc xin

P.V Thứ năm, ngày 08/08/2024 14:03 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt về việc bò sữa ở Lâm Đồng chết bất thường, bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO cho biết, công ty cam kết phối hợp với địa phương có biện pháp khắc phục cho người chăn nuôi nếu có liên quan đến vắc xin do đơn vị sản xuất.
Bình luận 0

Về việc bò sữa ở Lâm Đồng chết bất thường sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất, bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc NAVETCO cho biết, sự cố bất lợi sau tiêm phòng là hiện tượng bất thường không mong muốn xảy ra sau tiêm, trong đó có nhiều nguyên nhân khó có thể dự báo được. 

"Với trách nhiệm của nhà sản xuất, ngay khi nhận được thông tin có sự cố xảy ra từ lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, chúng tôi đã cử ngay cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm tốt đến ngay các địa bàn để cùng phối hợp triển khai tìm hiểu điều tra xác định nguyên nhân cũng như thực hiện công tác hỗ trợ thuốc sát trùng, chất điện giải, vitamin, … để sử dụng vệ sinh tẩy trùng chuồng trại và tăng sức đề kháng cho vật nuôi", bà Kim Lan cho biết. 

Tổng Giám đốc NAVETCO cũng thừa nhận, đây là một việc xảy ra ngoài ý muốn. "Mặc dù nguyên nhân vẫn còn đang được nghiên cứu, tìm hiểu, tuy nhiên với trách nhiệm của nhà cung cấp vắc xin, chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai, kịp thời đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục cho người chăn nuôi nếu có liên quan đến vắc xin do đơn vị sản xuất", bà Kim Lan khẳng định.

CEO NAVETCO: Cam kết đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục cho người chăn nuôi nếu có liên quan đến vắc xin - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Ánh Hồng (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) xót xa khi con bò sữa lăn ra chết bất thường. Ảnh: Văn Long.

Như Dân Việt đã thông tin, những ngày qua, trên địa bàn hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương liên tục xảy ra tình trạng bò sữa chết chưa rõ nguyên nhân.

Tình trạng trên xảy ra ở các xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) và xã Quảng Lập, Tu Tra (huyện Đơn Dương). Việc này đã khiến cho người dân lo lắng vì còn hàng ngàn con bò khác đang có những triệu chứng bỏ ăn, tụt sữa, tiêu chảy.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, hiện nay, trên cả 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương đã có trên 60 con bò bị chết, trên 2.000 con bò xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu, tụt sữa.

Trong khi đó, báo cáo của Cục Thú y gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ngày 7/8 cho thấy, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng bước đầu nhận định nguyên nhân bò sữa chết bất thường như sau: Qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm nên sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục (vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco),… đã tạo điều kiện cho vi sinh vật cơ hội tấn công, gây rối loạn đường tiêu hóa. 

Hiện, Cục Thú y cũng đã thành lập đoàn công tác đến tỉnh Lâm Đồng từ ngày 07/8/2024 để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân, bao gồm: Kiểm tra tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các địa điểm có nguy cơ cao; Hỗ trợ điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và hướng dẫn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; Kiểm tra việc sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cục Thú y cũng đã yêu cầu tạm dừng tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò sữa trên toàn tỉnh Lâm Đồng và văn bản khuyến cáo một số biện pháp điều trị và hộ lý chăm sóc bò bị tiêu chảy để hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng bò bị tiêu chảy và các bệnh kế phát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem