Vụ bỏ thuốc sâu vào bể nước đám cưới: Thỏa mãn nhất thời, không lường hậu quả

Ngọc Lương (ghi) Thứ tư, ngày 14/09/2016 06:15 AM (GMT+7)
Trao đổi với NTNN, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, qua báo chí ông cũng đã biết tới những vụ việc “chơi bẩn” nhau ở nông thôn như bỏ thuốc trừ sâu vào bể nước ăn, chặt phá vườn cây ăn quả, đốt ruộng mía, phá vườn dưa... Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, dường như những người ra tay thực hiện chủ yếu nhằm để trả thù, thỏa mãn cơn bực tức nhất thời mà chưa lường đến hậu quả mà mình phải trả giá.
Bình luận 0

Luật sư Tiến nêu dẫn chứng, hồi tháng 5.2016, TAND TP.Hà Nội xử một vụ án giết người và hủy hoại tài sản. Chỉ vì bực tức, bị cáo Nguyễn Thị Chiên (52 tuổi, trú tại thôn Chấn Kỳ, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã bỏ thuốc diệt ốc vào bể nước ăn và đổ thuốc diệt chuột vào thùng cám gà của gia đình ông T ở cùng xã. Hậu quả là 20 con gà bị chết, một người trong gia đình ông T uống phải nước bể dẫn tới đau bụng, tức ngực, khó thở phải đi cấp cứu. Mặc dù không có ai tử vong nhưng các cơ quan tố tụng đã xác định hành vi của bị cáo Chiên là giết người, cùng với đó là hành vi hủy hoại tài sản. Bị cáo đã phải lĩnh mức án 12 năm tù.

img

Hàng trăm cây dừa của người dân xã Tân Bình, huyện Càng Long (Trà Vinh) bị kẻ xấu bơm thuốc diệt cỏ vào thân làm chết rụi hồi đầu năm 2015.  ảnh: Tư liệu

“Có thể nói hiện nay hệ thống pháp luật đã khá đồng bộ để điều chỉnh những mối quan hệ trong đời sống xã hội. Không nên vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhất thời mà người nông dân xử sự theo kiểu "dằn mặt" nhau… Khi cơ quan pháp luật vào cuộc, nếu mức độ nặng thì những kiểu hành vi nêu trên sẽ bị xử lý hình sự, mức độ nhẹ hơn cũng bị xử lý hành chính” - luật sư Tiến phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thân - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao đánh giá: Những hành vi kiểu đốt mía, chặt phá cây cối, hoa màu, bỏ thuốc độc giết tôm cá... có thể thấy đó là hành vi phá hoại sản xuất ở nông thôn, thuộc hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự. Nếu thiệt hại từ hơn 2 triệu đồng trở lên, người gây ra hành vi sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên trong nhiều vụ việc kiểu này, hậu quả không chỉ đơn thuần là thiệt hại tài sản mà có thể còn dẫn tới hậu quả lớn hơn. Ví dụ anh ném thuốc sâu, thuốc độc làm tôm cá người ta chết, nếu có ai ăn phải tôm cá chết này dẫn tới bị ngộ độc gây tổn hại sức khỏe, hoặc tử vong thì người gây ra hành vi cũng phải chịu trách nhiệm hình sự ở lỗi cố ý gián tiếp./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem