Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bị bắt và điểm lạ của Thái Dương Group trong vụ buôn lậu đất hiếm

Vũ Khoa Thứ ba, ngày 23/07/2024 10:06 AM (GMT+7)
Trong vụ buôn lậu đất hiếm của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, ông Đoàn Văn Huấn Chủ tịch kiêm TGĐ đã bị bắt nhưng vẫn là người đại diện công ty và các thành viên trong hệ sinh thái. Điểm đáng lưu ý, trong đó Công ty Xuân Cầu - Lạch Huyện xuất hiện với vai trò đồng sở hữu tại một doanh nghiệp ở Hải Phòng.
Bình luận 0

Trước đó báo Dân Việt thông tin, ngày 22/7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) thi hành lệnh bắt ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đây là diễn biến mới, liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương.

Vụ buôn lậu đất hiếm và Hệ sinh thái của Thái Dương Group- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Linh Ngọc và các bị can bị khởi tố trong vụ án Công ty Thái Dương.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group) thành lập tháng 9/2002 tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp có vốn điều lệ là 350 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đoàn Văn Huấn.

Dữ liệu về doanh nghiệp cho thấy, ông Huấn còn là đại diện tại một số doanh nghiệp khác. Trong đó, doanh nghiệp thành lập gần đây nhất là Công ty CP Khai thác và chế biến vật liệu Tiên Tiến (Công ty Tiên Tiến).

Thành lập tháng 8/2023 (trước thời điểm khởi tố vụ án 2 tháng), Công ty Tiên Tiến có trụ sở tại 20A, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Tại đây, ông Đoàn Văn Huấn giữ vai trò Tổng Giám đốc.

Trong cơ cấu cổ đông của Công ty Tiên Tiến, xuất hiện một cái tên đáng chú ý là "đại gia" Công ty CP Đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện (Chủ đầu tư Dự án Khu phi thuế quan – Logistics và công nghiệp Lạch Huyện có tổng vốn đầu tư 11.100 tỷ đồng tại Hải Phòng).

Tại Công ty Tiên Tiến, Xuân Cầu – Lạch Huyện giữ 40% tỷ lệ sở hữu, tương đương với Công ty CP Tập đoàn Thái dương. Cổ đông còn lại là Công ty CP Đầu tư SISC (trụ sở tại Hà Nội) giữ 20% tỷ lệ sở hữu.

Vụ buôn lậu đất hiếm và Hệ sinh thái của Thái Dương Group- Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông Công ty Tiên Tiến.

Doanh nghiệp thứ 2 trong hệ sinh thái của Thái Dương Group là Công ty CP đất hiếm Yên Phú thành lập tháng 3/2017 tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Khi mới thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Ngành nghề chính của doanh nghiệp gồm khai thác và chế biến quặng đất hiếm.

Tại đăng ký thành lập doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Huấn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và góp 26% tỷ lệ sở hữu, Giám đốc là ông Lưu Anh Tuấn giữ 10% tỷ lệ sở hữu. Cổ đông cá nhân còn lại là ông Đào Duy Tùng, giữ 11% tỷ lệ sở hữu.

Đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của Đất hiếm Yên Phú, Công ty CP Tập đoàn Thái Dương góp 42,4 tỷ đồng, tương đương 53% tỷ lệ sở hữu.

Cùng đó, ông Đoàn Văn Huấn giữ vai trò Giám đốc tại Công ty Công ty TNHH Chế biến đất hiếm, doanh nghiệp thành lập tháng 2/2023. Địa chỉ công ty này cũng được đặt trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Thời điểm thành lập, Công ty TNHH Chế biến đất hiếm có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tại đăng ký doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Liên quan đến vụ án buôn lậu đất hiếm nêu trên, hồi tháng 10/2023, C03 khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố khác liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.

Quá trình điều tra bước đầu xác định, Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Thái Dương đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11.233 tấn quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856 tấn quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 lãnh đạo của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, cùng 4 bị can khác.

C03 cho hay đang tập trung lực lượng để củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, xác minh, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem