Ngày 17.9, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại dãy nhà trọ gần cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. Hàng trăm người dân hoảng hốt bỏ chạy. Khoảng 20 phút sau, lực lượng cứu hỏa có mặt.
Đến khoảng 21h00, ngọn lửa được khống chế, tuy nhiên lực lượng cứu hỏa vẫn làm việc đến nửa đêm để khám xét các dãy nhà.
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: IT
Tuy nhiên, sau 4 ngày kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn, cơ quan chức năng phát hiện hai thi thể trong nhà trọ. Phần thi thể nằm trên lớp tro đen, dưới đống tôn đổ nát, thuộc phần đất của ông Nguyễn Thế Hiệp (tức Hiệp “khùng”) chủ khu nhà trọ giá rẻ dành cho bệnh nhân nghèo.
Ngày 23.9, từ kết quả khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng sơ bộ nhận định, nguyên nhân cháy hàng loạt ngôi nhà ở gần Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) là do chập điện. Điểm cháy xuất phát tại nhà ông Nguyễn Thế Hiệp.
Sau khi vụ việc này xảy ra, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tại sao một vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa khởi tố?
Để giải đáp thắc mắc của bạn đọc, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Giáp cho biết, với vụ việc nghiêm trọng như thế này, theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án ngay sau khi vụ cháy xảy ra.
“Việc khởi tố vụ án ngay từ đầu để điều tra xem ai là thủ phạm, người nào vi phạm dẫn đến việc cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Sau quá trình điều tra, nếu xét thấy đủ căn căn cứ sẽ khởi tố bị can.
Trong trường hợp người gây ra thiệt hại đã chết, hoặc không có ai gây ra thiệt hại, hoặc thiệt hại do lỗi vô ý có thể đình chỉ vụ án”, vị luật sư phân tích.
Theo quan điểm của luật sư Giáp, vụ cháy được coi là nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa được khởi tố là chậm. Tuy nhiên, vị luật sư này cũng cho rằng, có thể cơ quan điều tra có lý do khách quan để chưa khởi tố vụ án.
“Cơ quan có thẩm quyền rất thận trọng để xác minh, điều tra, thu thập thêm chứng cứ xem hành vi là do ai gây ra, khi xác định được cụ thể mới khởi tố vụ án”, luật sư Giáp noi.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc khởi tố phụ thuộc vào việc điều tra của cơ quan chức năng, việc này cần phải xác định được là lỗi của ai và do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.
Lực lượng chức năng chuyển phần nghi thi thể ra khỏi hiện trường.
Nếu nguyên nhân chủ quan sẽ khởi tố, nguyên nhân khách quan sẽ không tiến hành khởi tố vụ án. Lỗi chủ quan có thể là lỗi do thống điện không an toàn, không có cảnh báo. Nếu tiêu chuẩn trên đáp ứng hết mà do lỗi khách quan, có thể vụ án sẽ không khởi tố.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, dù vụ việc có khởi tố, hay không khởi tố thì ông Hiệp “khùng” có thể vẫn bị xử phạt.
Luật sư này phân tích, Nghị định số 79 của Chính phủ quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chủ nhà và người thuê phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình.
Nếu trường hợp ông Hiệp chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.