Sáng 18.9, một đêm sau khi vụ cháy hàng loạt ngôi nhà ở Đê La Thành (gần Bệnh viện Nhi Trung ương) xảy ra, tại hiện trường mọi thứ vẫn ngổn ngang; cơ quan chức năng phong tỏa xung quanh để phục vụ công tác điều tra.
Hiện trường vụ cháy nhà ở Đê La Thành bị phong tỏa sáng 18.9. Ảnh: Thành An
Rất đông người dân, trong đó phần lớn là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có tập trung ven con đường từ đường Đê La Thành dẫn vào Bệnh viện Nhi, ai ai cũng lộ vẻ mệt mỏi trước cảnh hoang tàn sau vụ cháy, mọi đồ đạc, quần áo, thậm chí cả tiền bạc đều bị thiêu rụi.
Mọi thứ đều đổ lên ông Hiệp “khùng”
Tại đây, rất nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện sau vụ cháy. Người thì cho rằng, nguyên nhân vụ cháy là do nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp (Hiệp "khùng"). Người khác lại phản bác lại ý kiến này.
Anh N.V.Đ, ở trọ tại khu vực này hơn 1 năm nay cho biết, khoảng 18h, anh đang cho con ăn cơm thì thấy mọi người báo cháy. “Tôi ở trọ nhà cô L., lúc đó thấy cháy ở phòng trọ nhà ông Hiệp (Nguyễn Thế Hiệp – PV), lửa cứ cháy bùng bùng, không phải cháy ở nhà khác đâu. Sau đó, tôi chạy ra thì thấy ông Hiệp đang đứng trên đường, mặt ông ấy tỉnh bơ, có hốt hoảng gì đâu. Tôi chắc chắn là cháy ở nhà ông Hiệp chứ không cháy ở đâu hết, tôi thấy rõ ràng thì làm sao mà sai được, cháy từ tầng trên cháy xuống” – ông Đ. quả quyết.
Lối xuống khu nhà trọ ông Nguyễn Thế Hiệp bị phong tỏa để phục vụ cho công tác điều tra. Ảnh: Thành An
Còn bà Đ.T.T. (70 tuổi, số 4/879 Đê La Thành) lên tiếng trách móc ông Hiệp. Bà nói: “Vụ cháy này, tôi cho rằng thứ nhất là cẩu thả, thứ hai là vô trách nhiệm, thứ ba nữa chỉ có lợi nhuận là trên hết. Nhờ lợi nhuận là trên hết, ông Hiệp không cần ở nhà mà lại đi thuê, thành ra xảy ra vấn đề này”.
Theo bà T., đây là nhà ông Hiệp thuê của người khác rồi xây dựng lại cho người nghèo thuê, ông Hiệp làm vậy để “mong lấy tài trợ”.
“Người dân sống xung quanh lâu nay rất bức xúc và đã từng nhắc nhở. Nhiều người còn mua vật liệu hỗ trợ ông Hiệp xây lại vì khu vực này đã xảy ra cháy nổ nhiều lần, nhưng ông Hiệp không đồng ý. Tôi không phải ghen ăn tức ở, tôi bức xúc thay cho mọi người, tôi cho rằng ông Hiệp đánh lừa mọi người để xin tài trợ” – bà T. nói.
Bên cạnh đó, một số người dân sống xung quanh còn cho biết rằng, cầu dao điện nhà ông Hiệp bị hỏng, ông Hiệp đổ keo 502 và dính chặt nên không thể dập được cầu dao khi đám cháy phát ra.
Tuy nhiên, một số người lại khẳng định, đám cháy ban đầu không phải xuất phát từ nhà ông Hiệp. Là người đầu tiên phát hiện ra đám cháy, anh Nguyễn Nam Thắng, SN 1976 (ở trọ tại khu vực xảy ra đám cháy 2 năm) nhấn mạnh: “Tôi là người đầu tiên phát hiện ra vụ cháy. Lúc đó, chỉ có bác Hiệp và một anh nữa cùng tôi cầm bình cứu hỏa đi chữa cháy. Từ hôm qua đến giờ, tôi không muốn xuất hiện nhiều và tôi cũng không muốn nói nhiều vì dân tình mọi cái đều đổ lên đầu ông Hiệp”.
Ông Hiệp “khùng” bật khóc, mong hỗ trợ người nghèo
Tiếp mạch câu chuyện, anh Thắng kể: Vào lúc 17h, khi vừa đi làm về được khoảng 15 phút, anh nghe một bà phơi quần áo ở trên tầng 3 bảo là có khói đen bốc ra, anh cầm theo đèn pin chạy lên soi và thấy toàn bộ tầng 3 của nhà ông Hiệp không phát hiện đám cháy, đến khi quay sang nhà bên cạnh thì thấy khói đen bốc lên, cùng lúc phát ra tiếng nổ như tiếng nổ của bình ga mini từ ngôi nhà này.
Anh Nguyễn Nam Thắng, SN 1976, người đầu tiên phát hiện ra địa điểm cháy. Ảnh: Thành An
Sau tiếng nổ, lửa bén nhanh và lan rộng, cột khói bốc lên, lúc đấy tại nhà trọ của ông HIệp có khoảng 20 phụ nữ và trẻ con, gần như không có đàn ông, cho nên anh Thắng chỉ kịp lùa tất cả mọi người ra ngoài, không kịp mang bất cứ đồ gì giá trị ra ngoài.
“Khi nghe thấy vậy, tôi bắt đầu chạy, đập cửa từng phòng từ tầng 3 trở xuống, và lùa hết tất cả mọi người ra, đấy là đầu đuôi sự việc. Tôi là người duy nhất ở đấy, các bạn không nên tin một nguồn tin nào khác. Đêm qua tôi phải ngủ ở trong viện, trước đây cháu tôi ốm ở đây, tôi có thuê trọ và quen nhà ông Hiệp” – Thắng nói.
Nói về sự việc xả ra, ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi) không giấu được những giọt nước mắt, cho rằng: “Thiệt hại là không ai muốn, sự cố ở nhà tôi hay ở nhà khác thì cần các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường xong đã”.
Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi) mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những người bệnh nhân "người ta bị cháy hết tiền, cháy hết quần áo, để người ta có bữa cơm". Ảnh Thành An
Ông Hiệp cho biết, khi nghe thấy tiếng báo cháy, ông cầm bình cứu hỏa chạy lên tầng 2 để chữa cháy, nhưng không thể. “Nhà tôi cháy không còn gì cả. Hơn 20 phòng trọ, 8 cái điều hòa, buồng nào cũng có ti vi, 2 máy bơm, 1 máy giặt, 1 kho chứa đệm đều bị lửa thiêu rụi. Đêm qua tôi ngủ ở trên phường, không tài nào chợp mắt vì lo lắng” – ông Hiệp nghẹn ngào.
Theo ông Hiệp, nhà ông cho thuê là phi lợi nhuận, các phòng được làm bằng vật liệu rẻ tiền, dễ cháy. Bởi vì, khu này là khu quy hoạch không được phép xây kiên cố, người dân thuê nhà tôi cũng toàn người nghèo.
Khu nhà trọ giá rẻ (15.000 đồng/ngày) dành cho bệnh nhân nghèo của ông Hiệp trước khi bị cháy. Ảnh: Thành An
Đến thời điểm này, ông Hiệp chỉ mong rằng những bệnh nhân và gia đình họ được hỗ trợ để cuộc sống đỡ khổ hơn.
“Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những bệnh nhân, người ta bị cháy hết tiền, cháy hết quần áo, để người ta có bữa cơm, còn tôi không còn gì để giúp đỡ cả, thiệt hại của tôi có thể lên tới 500-600 triệu đồng, tôi hiện lực bất tòng tâm” – ông Hiệp rầu rĩ nói.
Cũng theo ông Hiệp, sau khi sự việc xảy ra, Hội chữ thập đỏ khu phố cụm dân cư số 5 đã giúp đỡ những người cơ nhỡ ở nhà văn hóa; Bệnh viện Nhi TƯ cũng chuẩn bị một số giường cho người nhà và bệnh nhân nghỉ, còn một số người tìm những nhà trọ khác để ở.
Bà Lương Thị Thuần (64 tuổi), vợ ông Hiệp cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ông Hiệp được mời lên phường lấy lời khai vào khoảng 22h và ở đó đến sáng nay (18.9). Do nhà trọ bị cháy, nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Để có chỗ cho những người thuê trọ nghỉ trong đêm, gia đình bà phải thuê phòng trong nhà nghỉ với 350k/đêm cho mọi người nghỉ ngơi, một số còn lại ngủ lại trong bệnh viện.
Cám cảnh gia đình bệnh nhân sau vụ cháy
Chị Nguyễn Thị Hà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) buồn bã cho biết: “Hôm qua (17.9), sau khi nhận kết quả xét nghiệm tủy cho cháu, bác sĩ lắc đầu, tôi biết tình hình của cháu là không tốt, buồn bã đi về thì thấy nhà trọ bị cháy. Ba năm nay, gia đình chị phải vay ngân hàng gần 300 triệu để chữa trị cho con; mấy hôm trước bòn mót bán thóc, bán lúa tích được 7 triệu, bây giờ cháy hết cả tiền và đồ đạc. Sau khi nhận được tin, một người bạn cùng quê cho mượn 500 nghìn đồng để hai mẹ con thuê phòng trọ ngủ qua đêm. Giờ không biết ở đâu, tôi hoảng loạn lắm. Con bị ung thu máu, khi cháy thì tôi chỉ nghĩ là bế con và chạy, không nghĩ ngợi thêm gì được cả”.
Chị Bùi Thị Trang, 30 tuổi (Quảng Nam): “Tôi thuê nhà ở đây được nửa tháng để chữa trị cho con với số tiền 90.000 đồng/ngày, khi đám cháy xảy ra, hai vợ chồng chỉ kịp ôm con lao ra ngoài. Hiện mọi giấy tờ của cháu như bảo hiểm y tế, quần áo, đến cả điện thoại của hai vợ chồng đều bị cháy nên rất khó khăn trong việc liên lạc. Hai vợ chồng ở quê đều làm nông nên rất khó khăn khi lên đây chữa trị cho con, giờ cháy hết giấy tờ của cháu nên những ngày tới đây vô cùng gian khổ”. Thành An ghi
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.