Không phải chuyện không tưởng
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2018/images/2018-02-09/Bac-si-Hiep-khung-chua-benh-gia-re-40The-Gioi-Tiep-Thi41-chan-kinh-2-1518165853-width600height380.jpg)
BS Ngô Tuấn Hiệp (đeo kính thứ ba từ trái sang).
Tốt nghiệp bác sĩ đại học Y dược TP.HCM năm 2000, sau hai năm thực hành tại viện Tim TP.HCM, BS Ngô Tuấn Hiệp về trường trung cấp Y tế Long An giảng dạy. Năm 2008, cùng vài người bạn anh hùn vốn mở phòng khám đa khoa Vạn An. Thiếu kinh nghiệm quản lý nên chỉ sau sáu tháng phòng khám lỗ gần sạch vốn. Nhờ người thân giúp đỡ, anh mua lại toàn bộ cổ phần của bạn bè để tự điều hành phòng khám, rồi vừa làm vừa học hỏi.
Cũng trong năm 2008, BS Hiệp được cử đi học nghiên cứu sinh tại đại học Y dược TP.HCM. Năm 2013, anh quay lại trường. Thời gian này, vừa giảng dạy, vừa viết luận án tốt nghiệp, lại phải điều hành phòng khám nên anh không đủ sức. “Tôi phải nghỉ làm ở trường dù thú thật rất thích giáo dục y khoa”, anh nói.
Có nhiều đam mê trong đời là thường tình, nhưng để thành công người ta buộc phải chọn một đam mê để đeo đuổi, và khi đó giấc mơ ngày xưa lớn dần. Anh chia sẻ: “Thời học y khoa, tôi hay đi về bằng xe đò và chứng kiến cảnh người dân quê lặn lội lên thành phố chữa bệnh, trong đó có nhiều người nghèo. Từ đó, tôi mong sao cho họ tiếp cận được y tế chất lượng cao, chi phí thấp nhưng không cần đi xa”.
“Người ta nói ‘tiền nào của nấy’, một sản phẩm vừa rẻ vừa tốt dường như là không tưởng”, tôi đặt vấn đề. Người đàn ông 41 tuổi đáp: “Khi tôi nói điều này, nhiều người cũng nghĩ như thế. Nhưng ở một số nước, đặc biệt là Ấn Độ, từ lâu đã có trào lưu y tế giá rẻ (low cost healthcare). Theo tôi, chi phí khám chữa bệnh ở nước ta đang cao hơn giá trị thật”.
Đi con đường chưa ai đi hoặc ít người đi thật thú vị, nhưng cũng nhiều gian nan. Vài năm đầu tiên khởi nghiệp, doanh thu hai cơ sở của phòng khám đa khoa Vạn An - một ở TP Tân An và một ở thị trấn Bến Lức (Long An) - không như ý, nhưng người đứng đầu không nản lòng.
Thế rồi sau gần mười năm ra đời, ý tưởng chữa bệnh giá rẻ của BS Hiệp bước đầu thành công. Tại hai cơ sở của phòng khám này, người ta thường thấy cảnh bệnh nhân ngồi kín các hàng ghế chờ khám bệnh, làm xét nghiệm cận lâm sàng và lãnh thuốc.
Anh tâm đắc: “Nếu những bệnh viện hoặc phòng khám cao cấp ở nước ta thuộc loại 5 sao, thì tôi tự hào phòng khám của mình cỡ 3 sao, nhưng so với mặt bằng chung, giá ở đây thấp hơn để nhiều người tiếp cận được. Ở Tân An, bệnh nhân trả trung bình 300.000 đồng cho một lần khám bệnh, xét nghiệm và lãnh thuốc, còn ở Bến Lức con số này chỉ là 150.000 đồng”.
Đi Ấn Độ tìm “chân kinh”
Sau hơn bảy năm xây dựng, phòng khám đã có vị thế, nhưng để phát triển tốt hơn BS Ngô Tuấn Hiệp nghĩ mình cần phải “mục sở thị” mô hình y tế giá rẻ. Tháng 1.2016, nhờ một “phượt thủ” chuyên nghiệp dẫn đường, anh đi Ấn Độ, “cái nôi” của y tế giá rẻ thế giới và tìm đến hai địa điểm nổi tiếng: bệnh viện đa khoa Narayana Hrudayalaya (NH) và bệnh viện mắt Aravind.
Đó là một chuyến đi thú vị, vì BS Hiệp tận mắt chứng kiến nhiều điều để mang về Việt Nam áp dụng.
Ngày 24.1.2016, anh có mặt ở bệnh viện NH tại TP Mysore, thành viên của tập đoàn y tế giá rẻ NH với 23 bệnh viện, 7 trung tâm tim mạch và mạng lưới chăm sóc y tế cơ sở trải khắp Ấn Độ, và một bệnh viện quốc tế ở quần đảo Cayman. Là dân tim mạch, nên BS Hiệp tự hỏi tại sao NH lại có thể mổ một ca bệnh tim chỉ với 800 USD, chưa bằng nửa giá ở Việt Nam.
Thắc mắc của anh được trả lời phần nào. Anh nói: “Bệnh viện được xây dựng thấp tầng theo kiểu nhà tiền chế. Mái nhà kết cấu bằng kèo và đòn tay rất đẹp, không cần đóng trần mà vẫn thoáng mát. Chỉ có khu phòng khám có trần và lắp máy lạnh, nhưng rất thấp. Tường bệnh viện ít chỗ lót gạch men mà dùng sơn epoxy chống bám. Nền nhà lát gạch men 30 - 30 rẻ tiền và không đồng bộ. Người quản lý cho biết bệnh viện chỉ xây dựng sáu tháng với mức đầu tư 30.000 USD/giường bệnh (hơn 600 triệu đồng, chưa bằng 1/2 mức đầu tư giường bệnh ở Việt Nam - NV)”.
Hành trình của BS Hiệp chưa trọn vẹn vì anh không gặp được BS Devi Shetty - “đại ân nhân” của người dân nghèo Ấn Độ, vì đã sáng lập chuỗi bệnh viện giá rẻ NH. Thế nhưng, tại bệnh viện Aravind ở Madurai - thuộc chuỗi bệnh viện mắt giá rẻ Aravind Eye Care System nổi tiếng Ấn Độ và cả thế giới, người quản lý đời thứ hai của Aravind đã tặng anh cuốn: “Infinite Vision - How Aravind Became the World’s Greatest Business Case for Compassion” (tạm dịch: Tầm nhìn vô hạn - Làm thế nào Aravind trở thành thí dụ kinh doanh lớn nhất thế giới về lòng từ bi). “Đó là cuốn ‘chân kinh’ để tôi xây dựng mô hình y tế giá rẻ tại Việt Nam”, BS Hiệp chia sẻ.
* Tìm kiếm nhà đầu tư từ bi
Cuối năm dương lịch 2017, trò chuyện với BS Ngô Tuấn Hiệp, tôi hỏi anh làm sao xoá được định kiến “của rẻ là của ôi” trong suy nghĩ của nhiều người, anh đáp: “Trong 13 nguyên tắc làm y tế giá rẻ thành công của bệnh viện Aravind, có nguyên tắc làm thật tốt để kéo giá thành xuống. Đặt vấn đề ngược lại, nếu mổ không tốt, bệnh nhân gặp tai biến, thời gian nằm viện kéo dài, khi đó chi phí điều trị tăng lên, vậy đâu còn giá rẻ nữa”.
Số liệu đã chứng minh chữa bệnh giá rẻ của Ấn Độ đi kèm với chất lượng cao. Tại bệnh viện Aravind, tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ mắt là 4‰, thấp đáng kể so với tỷ lệ quốc tế cho phép là 6‰. Tương tự, tỷ lệ mổ tim thành công tại NH tương đương các nước tiên tiến. Chẳng hạn tử vong của mổ bắc cầu mạch vành 1,27% và nhiễm trùng 1%, ngang ngửa với các bệnh viện tại Mỹ.
Nhưng để y tế giá rẻ phát triển bền vững, nó cần một nhà đầu tư từ bi như BS Davi Shett, sáng lập NH, hay BS Venkataswamy, sáng lập Aravind, người có một cái đầu kinh doanh với một trái tim trắc ẩn, họ lấy tiền bình thường đối với người có điều kiện, nhưng lại miễn phí cho người nghèo. Họ làm từ thiện nhưng lại có lợi nhuận rõ ràng. Chẳng hạn trong hai năm 2009 - 2010, tổng doanh thu Aravind là 20 triệu USD, lãi được… 7,9 triệu USD!
Từ cơ sở 1 phòng khám Vạn An, BS Hiệp chở tôi đi hơn 5 phút đến một bãi đất trống rộng 40.000m2 cạnh tuyến tránh quốc lộ 1, và nói: “UBND tỉnh Long An đã cấp phép cho tôi xây một bệnh viện đa khoa 200 giường ở đây. Trong năm 2018, giai đoạn 1 của bệnh viện sẽ ra mắt. Tôi vẫn đang tìm kiếm một nhà đầu tư từ bi cùng chí hướng, làm có lợi nhuận nhưng cũng vì người nghèo, sao cho người dân tiếp cận được y tế chất lượng cao, giá chấp nhận, không phải đi xa”.
Rồi anh cười nói tiếp: “Thời đi học, bạn bè hay gọi tôi ‘khùng’ vì có những ý tưởng điên rồ, nhưng tôi không nghĩ làm y tế giá rẻ ở nước mình là ‘khùng’ đâu”.
Phan Sơn (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.