Vụ chế phẩm Redoxy 3C: Đơn vị nhận quà từ "tiền bẩn" của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có phải hoàn trả?

Q. Nguyễn Thứ ba, ngày 17/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Bộ Công an xác định bị can Nguyễn Đức Chung đã dùng tiền lãi thu được từ hoạt động kinh doanh của công ty của vợ, trong đó có cả phần lợi nhuận từ hoạt động bán chế phẩm Redoxy 3C, để làm từ thiện, tặng quà, tài trợ... nhằm phục vụ mục đích chính trị, đánh bóng hình ảnh.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, C03 cũng đề nghị truy tố các bị can gồm: Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Võ Tiến Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhiều đơn vị nhận quà từ bị can Nguyễn Đức Chung

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Trường Giang có mối quan hệ thân thiết với cá nhân và gia đình Nguyễn Đức Chung, được cự Chủ tịch Hà Nội tạo các điều kiện thuận lợi cho Công ty Arktic bán các sản phẩm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP.Hà Nội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng động cơ phạm tội của bị can Nguyễn Đức Chung trong việc chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic - công ty gia đình, để được hưởng khoản lợi nhuận gộp không chính đáng số tiền hơn 36 tỉ đồng.

Vụ chế phẩm Redoxy 3C: Đơn vị nhận quà từ "tiền bẩn" của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có phải hoàn trả? - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TL

Trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, ông Chung chỉ đạo, yêu cầu Giang dùng tiền của Công ty Arktic để làm từ thiện, tặng quà cho các đơn vị thuộc UBND TP.Hà Nội và tỉnh Sơn La để phục vụ mục đích chính trị, đánh bóng hình ảnh của mình. Có những mặt hàng Giang mua về nhưng chưa bán được, ông Chung cũng chỉ đạo dùng làm từ thiện.

Được sự chỉ đạo từ ông Chung, bị can Giang đã tặng quà, tài trợ cho các đơn vị thuộc UBND TP.Hà Nội như Ban quản lý phố cổ Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; UBND tỉnh Sơn La; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Trường mầm non Yển Khê (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ); Trường Đại học FPT...

Cụ thể, ông Chung khai đã tặng 5 bộ đèn Led được nhập khẩu từ Đức cho dự án phố sách của Ban quản lý phố cổ Hà Nội trước hôm làm lễ khánh thành 1 - 2 ngày; một số bộ đèn tương tự cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình để chỉnh trang quanh tượng đài Lênin nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Mười; 1 bộ lọc nước cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 1 xe cắt tỉa cây của hãng Haulot cho UBND tỉnh Sơn La...

Tổng số tiền xuất hóa đơn cho việc tặng quà, tài trợ khoảng 7,8 tỷ đồng, nguồn tiền tặng quà, tài trợ chủ yếu đến từ lợi nhuận bất hợp pháp trong việc bán chế phẩm Redoxy 3C cho Công ty Thoát nước Hà Nội.

Đơn vị nhận quà có chịu trách nhiệm liên đới?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định số tiền mà các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước là hơn 36 tỉ đồng. Đây là vật chứng của vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ số tiền này được phân chia, quản lý, sử dụng như thế nào để buộc các đối tượng và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải hoàn trả số tiền này cho nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, cơ quan tố tụng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phong tỏa tài sản của các bị can, những người có nghĩa vụ liên quan để đảm bảo cho việc thu hồi số tiền trên. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận, quản lý, sử dụng số tiền này cũng sẽ bị triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với phần dân sự.

Việc xử lý phần dân sự sẽ theo nguyên tắc: Người chiếm hữu, sử dụng tiền không có căn cứ thì sẽ phải nộp lại số tiền đó cho nhà nước;

Người nào biết rõ số tiền đó là do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Trường hợp số tiền đó đã được thanh toán cho các giao dịch dân sự trước đó, bên được thanh toán là bên thứ ba ngay tình (họ không biết và không có nghĩa vụ phải biết số tiền đó là do phạm tội mà có) thì phải bảo vệ quyền lợi của "người thứ ba ngay tình" và người này không có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đó. Trong trường hợp này thì nghĩa vụ hoàn trả số tiền đó thuộc về bị can, bị cáo.

Đối với hoạt động từ thiện, tặng cho tài sản mà tài sản đó có nguồn gốc là phạm tội mà có thì bên nhận từ thiện, nhận tặng, cho có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền đó cho bên bị hại, ở đây là Nhà nước.

"Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung không thừa nhận hành vi phạm tội. Bởi vậy cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội của ông Chung qua các tài liệu, chứng cứ thu thập được", luật sư Cường nói.

Hiện nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án này đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356 bộ luật Hình sự, tội phạm và hình phạt của điều, khoản này có mức án từ 10-15 năm tù.

Điều 89. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về việc xử lý vật chứng như sau:

Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Vật chứng được xử lý như sau:

- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

- Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

- Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

- Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

- Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem