Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang dưới góc nhìn pháp lý

Quang Trung Thứ tư, ngày 06/12/2023 19:18 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, về nguyên tắc bên nào có lỗi phải xử lý bên đó, lỗi của giáo viên đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Còn về phía học sinh vô lễ, có thái độ không đúng mực với giáo viên cũng cần xem xét xử lý kỷ luật.
Bình luận 0

Ai có lỗi cũng phải bị xử lý

Liên quan đến vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu xảy ra ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, sự việc đã đi quá giới hạn của tình thầy trò, của văn hóa ứng xử học đường.

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang dưới góc nhìn pháp lý - Ảnh 1.

Hình ảnh cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang. Ảnh cắt từ clip

Trong các clip lan truyền trên mạng xã hội, có một clip thể hiện là các học sinh ném giấy, dép vào người, vây quanh la hét, nói bậy dẫn đến nữ giáo viên ngất xỉu... Clip này cho thấy giáo viên gần như bất lực trước sự hỗn hào của rất nhiều học sinh trong lớp.

Trong khi đó, một clip khác thể hiện giáo viên đuổi các học sinh chạy quanh lớp và cũng ném dép vào học sinh... Hành động này rất khó hiểu và không thể chấp nhận được trong môi trường học đường.

Ông Cường cho rằng, rõ ràng hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip này là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như đối với hoạt động giáo dục nói chung, có thể ảnh hưởng đến tâm lý sức khỏe của giáo viên và đến vấn đề phát triển hình thành nhân cách của học sinh.

Bởi vậy, để đánh giá tổng thể sự việc phải có thông tin đầy đủ, đa chiều, khách quan, cần làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp mới có thể kết luận chính xác về sự việc và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

"Hành vi ứng xử giữa giáo viên và học sinh trong các clip là rất bất thường, rất hiếm khi xảy ra trong môi trường học đường ở cấp trung học cơ sở. Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh học sinh. Ngoài ra cũng cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên" – ông Cường nói.

Theo vị chuyên gia, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ giáo viên này giảng dạy từ bao giờ, quá trình giảng dạy có hoàn thành nhiệm vụ hay không, hiệu quả trong công tác giảng dạy và việc duy trì kỷ luật giảng đường được thực hiện như thế nào.

Đồng thời, làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên. Phản ứng của giáo viên khi học sinh ném giấy vào người, ném dép vào mặt như vậy đã phù hợp chưa?

Về hình thức xử lý, ông Cường thông tin, theo quy định tại Điều 22 Luật Giáo dục, các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự...

Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm luật giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các hình thức xử lý kỷ luật học sinh hiện nay nhân văn hơn, hướng đến mục tiêu giáo dục cao hơn, tôn trọng học sinh hơn các hình thức xử lý kỷ luật trước đây hướng đến mục tiêu giáo dục văn minh, lành mạnh.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang dưới góc nhìn pháp lý - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Học sinh vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo 3 hình thức nêu trên. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, pháp luật không cho phép giáo viên, cán bộ giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được phép thực hiện các hình thức kỷ luật nào khác, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng bạo lực để thay cho các hình thức xử lý kỷ luật.

Bởi vậy, nếu trong quá trình giảng dạy mà có học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên có thể áp dụng từng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định nêu trên. Quá trình áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật này thì gia đình và ban giám hiệu nhà trường cũng sẽ đều biết, có tham gia vào quá trình xem xét xử lý kỷ luật học sinh.

"Về nguyên tắc bên nào có lỗi phải xử lý bên đó, lỗi của giáo viên đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Còn về phía học sinh vô lễ, có thái độ không đúng mực với giáo viên cũng cần xem xét xử lý kỷ luật. Việc này cơ quan chức năng sẽ có kết luận chính thức" – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Nguyên nhân mâu thuẫn vụ cô giáo ngất xỉu vì bị nhóm học sinh quây lại, ném dép vào người

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 2/12, Công an huyện Sơn Dương phát hiện trên mạng xã hội Facebook đăng tải một video clip có thời gian 1 phút 49 giây liên quan đến giáo viên và học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương.

Qua xác minh ban đầu, xác định khoảng 10 giờ 30 phút ngày 29/11, khi vừa học hết tiết 4, tại lớp 6A, Trường THCS Văn Phú xảy ra vụ việc một số học sinh lớp 7C và 6A có lời nói, hành vi khiêu khích cô giáo Phan Thị H. (SN 1985) là giáo viên bộ môn Âm nhạc tại Trường THCS Văn Phú.

Nguyên nhân ban đầu xác định, từ khoảng tháng 9 vừa qua, cô H. mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói tục tĩu, không đúng chuẩn mực đạo đức của người giáo viên. Khi xảy ra vụ việc, Nguyễn Thị Thùy L. (học sinh lớp 7C) dùng điện thoại quay lại, chia sẻ cho nhóm bạn, đồng thời đăng tải lên trang Facebook cá nhân.

Ngay sau khi phát hiện clip trên, ngày 30/11, Công an huyện Sơn Dương đã làm việc, yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của giáo viên và học sinh liên quan đến vụ việc.

Tại buổi làm việc có 14 ý kiến tham gia, trong đó đều thống nhất nhận xét, cô giáo Phan Thị H. và các học sinh xuất hiện trong video đều có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc.

Đến ngày 2/12, trên mạng xã hội Facebook đăng tải video clip nêu trên lên các hội nhóm Facebook liên quan đến địa bàn huyện Sơn Dương, Công an huyện Sơn Dương đã tiến hành can thiệp, gỡ bỏ 17 lượt bài đăng. Tuy nhiên clip trên vẫn tiếp tục được đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi.

Đáng chú ý ngày 21/11, Hiệu trưởng trường THCS Văn Phú đã ban hành Quyết định về việc kỷ luật đối với viên chức là cô Phan Thị H., bằng hình thức "Cảnh cáo" với lý do cô H. vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm học sinh; ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đảm bảo tính sư phạm, đúng mực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem