Vụ "con ruồi nửa tỷ": Pháp lý và đạo lý

Chủ nhật, ngày 08/02/2015 13:20 PM (GMT+7)
Vụ anh Võ Văn Minh bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt, khởi tố vì nhận 500 triệu đồng của Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát đang gây xôn xao dư luận với hai luồng quan điểm: Một thì bảo đây chỉ là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, một lại nói đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Bình luận 0
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin lược thuật các ý kiến tiêu biểu trên báo chí tuần qua.
 
img
Hình ảnh con ruồi trong chai nước Number One.

Chỉ là thỏa thuận dân sự

Trên trang soha.vn ngày 6.2, luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng không có căn cứ để khép anh Minh vào tội cưỡng đoạt tài sản.

Luật sư Hải phân tích: Điều 135 Bộ luật Hình sự dùng khái niệm “uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”, nghĩa là phải có hai thứ liên quan: Một là “tinh thần”, hai là “người”. Trường hợp thỏa thuận, giao dịch giữa anh Võ Văn Minh và Tân Hiệp Phát không có hai yếu tố đó. Tân Hiệp Phát là một tổ chức, không phải “người”. Và ở vụ việc này, pháp nhân liên quan chỉ có “uy tín”, không có “tinh thần” nên không có chuyện “uy hiếp tinh thần”...

Theo luật sư Hải, nếu chai nước có ruồi là của Tân Hiệp Phát thì anh Minh là người chịu thiệt hại, có quyền thỏa thuận với Tân Hiệp Phát theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng và có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm để thương lượng. Những việc như “thông báo cho các cơ quan báo chí”, “phát tờ rơi” là việc pháp luật không cấm khi người tiêu dùng thương lượng với nhà sản xuất. Trên thế giới có hàng trăm vụ dàn xếp hoặc kiện cáo liên quan đến những sơ suất của nhà sản xuất mà giá trị lên tới hàng triệu USD nên 500 triệu đồng mà anh Minh nhận của Tân Hiệp Phát chưa phải là quá lớn...

Luật sư Hải cũng cho rằng nếu giám định chai nước đúng là của Tân Hiệp Phát thì cũng có thể hiểu văn bản giấy tờ ký kết giữa hai bên để đổi chai nước có ruồi lấy 500 triệu đồng là một hợp đồng tặng-cho có điều kiện. Khi Tân Hiệp Phát đã đồng ý ký vào biên bản giấy tờ tặng-cho có điều kiện đó rồi, nó lập tức có hiệu lực, anh Minh có quyền sở hữu số tiền 500 triệu đồng đó...

Cùng quan điểm, trên Người Lao Động ngày 7.2, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Tân Hiệp Phát đã chấp nhận thương lượng với anh Minh, tức phương án giải quyết theo Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được lựa chọn. Tân Hiệp Phát đã lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này...

Theo luật sư Thi, yêu cầu 1 tỷ đồng trong trường hợp này là không chính đáng nhưng pháp luật cho phép anh Minh thương lượng, nghĩa là chấp nhận cho anh đề đạt yêu cầu. Tân Hiệp Phát có chấp nhận hay không là quyền của công ty, nếu không giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải được thì anh Minh có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Ở đây, yêu cầu của anh Minh đã được Tân Hiệp Phát chấp nhận và chính vì sự chấp nhận này mới phát sinh sự chi trả 500 triệu đồng…

Trên Tuổi Trẻ ngày 7.2, luật sư Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao) cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để khởi tố anh Minh. Ông phân tích: Nếu anh Minh cố tình bỏ ruồi vào chai nước để tống tiền Tân Hiệp Phát thì mới bị coi là cưỡng đoạt tài sản. Còn nếu con ruồi trong chai nước không phải anh Minh bỏ vào mà đúng là do lỗi của Tân Hiệp Phát thì việc anh Minh yêu cầu bồi thường không bao giờ là tội phạm cả. Anh Minh yêu cầu bồi thường 1 tỷ hay 10 tỷ đồng đi nữa là chuyện của anh. Tân Hiệp Phát cử người đàm phán với anh Minh, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng cũng là chuyện thỏa thuận giữa hai bên. Việc đại diện Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho anh Minh 500 triệu đồng là một thỏa thuận dân sự. Nếu Tân Hiệp Phát báo cho công an bắt anh Minh thì rõ ràng Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận…

Có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản

Trên Pháp Luật TP.HCM ngày 3.2, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) khẳng định hành vi của anh Minh có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo Thẩm phán Hùng, anh Minh đã có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với Tân Hiệp Phát là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết. Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội bởi nó có thể giết chết một doanh nghiệp, gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người tiêu dùng, gây điểm nóng trong xã hội… Không nên coi đây là một kiểu thỏa thuận dân sự giữa hai bên vì rõ ràng có sự bất tương xứng giữa nội dung giao dịch và mục đích giao dịch.

Cũng theo Thẩm phán Hùng, phòng, chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức. Phía Tân Hiệp Phát báo công an bắt anh Minh khi bị anh yêu cầu đưa tiền là một hành động đúng. Nó góp phần tạo ra một xã hội lành mạnh, có sức đề kháng cao, không im lặng trước những việc làm trái pháp luật… Xét về mặt tình cảm, nhãn hiệu nước giải khát trên là sản phẩm anh Minh đang kinh doanh (bán lẻ) kiếm lời. Nói cách khác anh đang hưởng lợi từ sản phẩm đó nên về góc độ nào đó anh Minh phải bảo vệ uy tín của doanh nghiệp. Việc yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền như trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức...

Trên Người Lao Động ngày 7.2, một lãnh đạo VKSND tỉnh Tiền Giang cho biết việc phê chuẩn khởi tố, bắt tạm giam anh Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản là hoàn toàn có cơ sở pháp luật chứ không phải hình sự hóa một vụ việc dân sự. Một điều tra viên cao cấp của Công an tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng việc anh Minh yêu cầu công ty đưa 1 tỷ đồng để trả lại chai nước, còn không thì sẽ cung cấp vụ việc cho báo chí… chính là dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác với mục đích là chiếm đoạt tiền, tức là đã cấu thành tội phạm.

Trên Tuổi Trẻ ngày 7.2, bà Nguyễn Thị Ánh (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Khi xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tôi xem rất kỹ hồ sơ và rất cân nhắc về việc có cần thiết phải tạm giam hay không. Tuy nhiên, số tiền bị can nhận khá lớn, lọt vào quy định không thể cho tại ngoại được. Tôi cũng theo dõi thông tin báo chí trong những ngày qua, từ đó chỉ đạo cho anh em phải kiểm sát thật kỹ quá trình điều tra. Cá nhân tôi cũng sẽ chú ý xem xét đặc biệt hồ sơ vụ án này”.

Ủng hộ quan điểm hành vi của anh Minh có dấu hiệu phạm tội, trên chuyên trang netluat.plo.vn, bạn đọc Lưu Quang Đạo (lqdao@...) viết: Nếu là thỏa thuận dân sự thì anh Minh chỉ có thể đòi Tân Hiệp Phát bồi thường cho những tổn thất, thiệt hại mà anh gánh chịu. Ở đây không có chuyện đó vì anh Minh dường như cũng không thấy mình bị thiệt hại gì mà đòi bồi thường. Chỉ có chuyện anh Minh đòi một khoản tiền lớn, bằng không anh sẽ làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát bằng cách này cách nọ. Anh Minh đã lợi dụng cơ hội để hù dọa, tống tiền doanh nghiệp. Như vậy ở đây có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này cũng giống như một người biết ai đó léng phéng bồ bịch, bèn chụp ảnh trộm rồi đòi người kia chi tiền, nếu không sẽ làm um lên. Cái này không thể gọi là thỏa thuận dân sự được, kể cả khi người kia buộc phải giả vờ đồng ý, rồi báo công an…

PV (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem