Vụ cựu giám đốc chi 1,1 tỷ tiền “hoa hồng”: Hé lộ bảng kê chi tiền

Thiên Nhẫn Thứ năm, ngày 29/11/2018 09:42 AM (GMT+7)
Trong đơn thư kêu oan gửi đến TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cựu giám đốc bị truy tố tội Cố ý làm trái... đã cung cấp bảng kê thể hiện việc chi tiền “hoa hồng” cho nhiều cơ quan, cá nhân.
Bình luận 0

Về vụ cựu giám đốc chi 1,1 tỷ tiền “hoa hồng” kêu oan, sáng nay (29.11), tin từ TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong đơn thư kêu oan gửi đến tòa, bị cáo Lê Hữu Lam - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (nay là Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã cung cấp văn bản thể hiện việc chi tiền “hoa hồng” cho nhiều cơ quan, cá nhân. 

Tại bảng tổng hợp chi phí nguồn khoán sản phẩm 2011-2012 của Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm, thể hiện việc ông Lam đã nhận các khoản tiền “phần trăm”, “phong bì” cho nhiều cơ quan, cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở tỉnh.

img

Các bị cáo Lê Hữu Lam (áo đen) và Nguyễn Lợi tại tòa. 

Trong số nhiều cơ quan có tên trong danh sách được chi tiền, có những cơ quan được ông Lam đứng ra “nhận giúp” số tiền lớn. Như Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế, bảng tổng hợp thể hiện ông Lam đã nhận tiền cho sở này nhiều lần: Ngày 20.1.2011 nhận 83 triệu đồng “tiền %”, ngày 24.1.2011 nhận 12 triệu đồng tiền “phong bì”, ngày 18.1.2012 nhận 45 triệu đồng tiền “chi %”…   

Bảng tổng hợp này cũng thể hiện việc nhiều cá nhân là lãnh đạo các cơ quan ở tỉnh được ông Lam nhận tiền giúp, như: Ngày 24.1.2011 ông Lam nhận 32,5 triệu đồng tiền “thăm tết lãnh đạo và các phòng ban huyện Phú Lộc”; ngày 27.1.2011 nhận 21 triệu đồng tiền “bỏ phong bì anh Nguyên, Thành, Quê, Điểm, Tuấn CVP, Phúc, Tuệ”; ngày 18.1.2012 nhận 15 triệu đồng tiền “bỏ phong bì anh Đề, Mạnh, Trai, Xuân, Thông, Sành”, 25 triệu đồng tiền “phong bì lãnh đạo Ban”, 45,5 triệu đồng “phong bì các sở ban ngành”; ngày 2.12.2013 nhận 24 triệu đồng tiền “bỏ phong bì lãnh đạo Ban”, 10 triệu đồng “bỏ phong bì anh Tuấn, Lưu, Sỹ, Nhân”, 10 triệu đồng “bỏ phong bì anh Đấu, Trường, Hùng, Vinh, Hương”…

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Lam là người chịu trách nhiệm trực tiếp giao dịch ký hợp đồng đưa tiền trích lại phần trăm giá trị công trình cho chủ đầu tư. Theo đó, khi chủ đầu tư chuyển tiền thanh toán công trình, ông Lam chỉ đạo ông Nguyễn Lợi (nguyên Trưởng Phòng Tài chính - kế hoạch Trung tâm) kiểm tra lại khoản tiền thanh toán và tính toán số tiền trích lại cho chủ đầu tư là 10% hoặc 20% giá trị công trình. Ông Lợi tính toán ra số tiền cụ thể rồi thông báo cho thủ quỹ chi tiền để đưa cho ông Lam theo giá trị của từng công trình cho chủ đầu tư.

img

Một phần bảng tổng hợp chi phí nguồn khoán sản phẩm 2011-2012 của Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm. 

Theo lời khai của ông Lam, từ 20.1.2011 đến 31.3.2015, ông này đã nhận tiền trích phần trăm công trình từ thủ quỹ của Trung tâm 1.135.763.000 đồng và đã đưa cho các chủ đầu tư gồm: Sở TNMT, Sở GTVT, Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Phú Lộc, Công ty Phong Phú, Công ty Word Shine Hồng Kông…

Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, trong quá trình điều tra xác minh, đối chất thì các chủ đầu tư trên đều không thừa nhận có nhận tiền trích phần trăm giá trị công trình từ ông Lam, nên không có cơ sở để kết luận lời khai của ông Lam là có thật. 

Tại phiên tòa ngày 27.11, chủ tọa phiên tòa nhận định rằng việc chi hoa hồng cho chủ đầu tư là không đúng pháp luật, là cạnh tranh không lành mạnh.

Như tin đã đưa, vào chiều 27.11, sau một ngày xét xử, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định đến ngày 30.11 mới tuyên án vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm ông Lê Hữu Lam - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và ông Nguyễn Lợi - nguyên Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch trung tâm này.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 2 bị cáo này phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền 1.135.763.000 đồng chi phần trăm cho các chủ đầu tư nhưng không có người nhận và khoản tiền nâng khống chi phí tiền công khoán 197.235.000 đồng sử dụng để bù chi phí không có hóa đơn chứng từ thanh toán. Tuy nhiên, tại tòa ông Lê Hữu Lam khẳng định mình bị oan vì cơ quan chức năng đã hình sự hóa vụ việc.

Tại tòa, bị cáo Lê Hữu Lam cho rằng, thực chất số tiền 197.235.000 đồng là chi phí có thật do cán bộ, nhân viên Trung tâm đã tạm ứng để phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới và phục vụ lợi ích cho cán bộ công nhân viên chứ không phải gây thiệt hại cho Trung tâm.

Về khoản tiền 1.135.763.000 đồng chi “hoa hồng” cho các chủ đầu tư, ông Lam nói, đây là tiền công khoán của người lao động và được người lao động tự nguyện trích lại để thưởng cho các tập thể, cá nhân đã giao việc làm cho đơn vị trong thời gian từ năm 2011-2015. Vì vậy, theo ông Lam, đây không phải là tiền của Trung tâm như như quy kết của Cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát nên ông không gây thiệt hại cho Trung tâm.

Theo ông Lam, Trung tâm đã họp và thống nhất việc chi hoa hồng cho các chủ đầu tư. Đây là khoản tiền phần trăm giá trị công trình chi lại cho chủ đầu tư đã giao việc cho Trung tâm. Tiền này là một phần trong tiền khoán sản phẩm của người lao động được trích lại để Trung tâm đi giao dịch và chi hoa hồng cho chủ đầu tư. Theo cơ chế đã thống nhất này, sau khi chủ đầu tư chuyển tiền thanh toán công trình, bộ phận kế toán của Trung tâm tính toán số tiền cụ thể như đã thống nhất với người lao động rồi giao cho thủ quỹ chi tiền và giao cho ông đại diện Trung tâm chuyển tiền hoa hồng cho chủ đầu tư.

Ông Lam nói tiền hoa hồng này chi cho chủ đầu tư nhằm khuyến khích, động viên chủ đầu tư đã quan tâm giao việc cho đơn vị, giúp đơn vị hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Trên cơ sở đó, ông Lam khẳng định ông không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Lam cho rằng mình bị oan và nói trước tòa lẽ ra thời điểm này ông đã vinh dự được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng nhưng lại bị vướng vào vòng lao lý vì vụ việc bị hình sự hóa.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Lam phân tích, tiền ông Lam bị quy kết gây thiệt hại cho Trung tâm thực chất là tiền khoán của người lao động, các khoản chi đã được người lao động thống nhất và không có ai khiếu nại gì. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử không công nhận cáo trạng và phần luận tội của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau thời gian nghị án, chủ tọa phiên tòa cho biết, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần làm rõ nên Hội đồng xét xử quyết định kéo dài thời gian nghị án. Chủ tọa phiên tòa cho biết, tòa sẽ tuyên án vào lúc 15h ngày 30.11.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem