Vụ cựu Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội bị kháng nghị, diễn biến tiếp theo ra sao?

Quang Trung Thứ ba, ngày 21/11/2023 18:50 PM (GMT+7)
Trong bản kháng nghị, Viện KSND tỉnh Yên Bái cho rằng tòa cùng cấp đã không khách quan và sai lầm khi tuyên cựu Phó Bí thư Tỉnh đoàn không phạm tội. Vậy diễn biến tiếp theo của vụ việc sẽ diễn ra thế nào?
Bình luận 0

"Tòa sai lầm khi tuyên cựu Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái vô tội"

Viện KSND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm xét xử của TAND tỉnh Yên Bái đối với ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, cùng đồng phạm.

Trước đó, ngày 7/11, TAND tỉnh Yên Bái đã đưa vụ án trên ra xét xử. Đáng chú ý, TAND tỉnh này đã đưa ra nhiều căn cứ bác bỏ cáo buộc của viện kiểm sát và tuyên bị cáo Đinh Tiến Hùng không có tội.

Vụ cựu Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội bị kháng nghị, diễn biến tiếp theo ra sao? - Ảnh 1.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái vừa quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng bị cáo Đinh Tiến Hùng đã phạm tội.

Theo Viện KSND tỉnh Yên Bái, trên cơ sở kết quả điều tra có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, xác định bản án sơ thẩm đã bỏ lọt người phạm tội khi tuyên bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.

Viện kiểm sát cho rằng bản án sơ thẩm không khách quan, toàn diện khi đánh giá cáo trạng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Giám đốc Công ty Tuyên Huy) để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng việc khai thác quặng trái phép tại mỏ núi Ngàng.

Bên cạnh đó, với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của Hậu, Nguyễn Trọng Tuấn (phó giám đốc Công ty Tuyên Huy) tại tòa hoàn toàn có đủ căn cứ để kết luận ngày 18/10/2020, Tuấn, Hậu và Đinh Tiến Hùng đã bàn bạc, thống nhất khai thác khoáng sản trái phép.

Ngoài ra, Viện KSND tỉnh Yên Bái cho rằng bản án sơ thẩm đã sai lầm khi nhận định Đinh Tiến Hùng không phải là người thúc đẩy hoạt động khai thác quặng trái phép ở mỏ núi Ngàng, việc khai thác chưa được triển khai trong thực tế, Hùng chưa được hưởng lợi gì nên không phạm tội.

Viện kiểm sát khẳng định trong vụ án này, Đinh Tiến Hùng là người khởi xướng việc phạm tội, rủ rê lôi kéo, thúc đẩy các bị cáo trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội, tham gia chỉ đạo hoạt động phạm tội.

Việc hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên là bỏ lọt người phạm tội giữ vai trò tổ chức.

Kháng nghị được chấp nhận khi nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Kháng nghị phúc thẩm án hình sự là quyền năng pháp lý duy nhất mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định cho viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị những bản án, quyết định hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp; khi những bản án, quyết định này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm khắc phục vi phạm, bảo đảm việc xét xử vụ án đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.

Cụ thể, căn cứ theo khoản 1 Điều 37 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định, bản án hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp tỉnh được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá không đúng tính chất của vụ án; Kết luận, quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác; Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.

Theo luật sư Thơ, sau khi nhận được kháng nghị, tòa án cấp phúc thẩm sẽ thụ lý, nếu nhận thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, người được tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

Hoặc có căn cứ cho thấy tòa án cấp sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ…thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Từ phân tích trên, luật sư Thơ cho biết, sau khi nhận được kháng nghị của Viện KSND tỉnh Yên Bái, TAND cấp cao tại Hà Nội (tòa án cấp phúc thẩm) sẽ thụ lý và nếu có các căn cứ như trên, tòa phúc thẩm sẽ tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Yên Bái để xét xử lại.

Còn trường hợp khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Lúc này bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem