Vụ đại án Vạn Thịnh Phát: Nạn nhân trong vụ án này sẽ được nhận lại tiền theo thứ tự nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 23/11/2023 06:20 AM (GMT+7)
Theo kết luận điều tra vụ đại án Vạn Thịnh Phát thể hiện, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của hàng nghìn người. Vậy những người bị hại cần làm gì để được lấy lại tiền?
Bình luận 0

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô 304.000 tỷ đồng

Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB vừa được ban hành cho thấy, số tiền mà bà Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản lớn nhất từ trước đến nay, lên đến 304.000 tỷ đồng. Hành vi này của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, với hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ.

Vụ đại án Vạn Thịnh Phát: Nạn nhân trong vụ án này sẽ được nhận lại tiền theo thứ tự nào? - Ảnh 1.

C03 đã thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỷ đồng và 15 triệu USD của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Ảnh: BCA

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê biên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can, C03 thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỷ đồng và 15 triệu USD.

Cụ thể, căn cứ lời khai của các bị can, người liên quan, tài liệu, dữ liệu điện tử thu thập được, C03 xác định trước thời điểm bị bắt vài ngày, bà Trương Mỹ Lan đưa 14,5 triệu USD cho Tạ Hùng Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty CP Greenhill Village).

Số tiền này được bà Lan đưa theo thỏa thuận từ trước để nhận chuyển nhượng dự án Greenhill Quy Nhơn do ông Việt làm chủ đầu tư.

Từ ngày 23 đến 25/10, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, ông Việt đã liên hệ với hai người khác để giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan cho cơ quan điều tra.

Những người này đã tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra số tiền 116 tỷ đồng (khoảng 4,75 triệu USD) và 9,75 triệu USD. Tổng số tiền đã giao nộp tương đương 14,5 triệu USD bà Lan đã đưa cho ông Việt.

Tại cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan khai số tiền 14,5 triệu USD trên là của mình và tự nguyện sử dụng để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội trong vụ án.

Nạn nhân cần làm gì để lấy lại quyền lợi?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, vụ án này liên quan đến nhiều bị can, nhiều tội danh, nhiều giao dịch và đặc biệt là số tiền được xác định là tham ô tài sản lớn nhất từ trước đến nay. Theo kết luận điều tra, các bị can cũng gây thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn của hàng ngàn người.

Theo quy định của pháp luật, với những vụ án xâm phạm quyền sở hữu tài sản hoặc các vụ án về tham nhũng kinh tế gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, kê biên tài sản, tránh tẩu tán tài sản để đảm bảo thi hành án.

Bởi vậy, đối với các tài sản do phạm tội mà có, mang dấu vết tội phạm, có nguồn gốc do phạm tội mà có đều bị niêm phong, kê biên, phong tỏa để xử lý theo nguyên tắc về xử lý vật chứng trong tố tụng hình sự.

Ông Cường phân tích, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.

Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật…

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong vụ án này có hơn 80 bị can bị truy tố về nhiều tội danh, bởi vậy phần trách nhiệm dân sự sẽ được giải quyết tùy thuộc vào tội danh, tính chất của vụ việc, nguồn gốc của tài sản và liên quan đến quy định về giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự.

Theo đó, Điều 47 Luật thi hành án quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án là số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này được thanh toán theo thứ tự: Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; Án phí, lệ phí Tòa án; Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

Trường hợp có nhiều người được thi hành án, việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau: Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án, việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.

Vụ đại án Vạn Thịnh Phát: Nạn nhân trong vụ án này sẽ được nhận lại tiền theo thứ tự nào? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.

Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể, số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.

Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này.

Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Trường hợp đương sự không đến nhận, tiền, tài sản đó được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này.

Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho biết, trong vụ án này có nhiều người bị hại, nhiều người liên quan, nhiều tài sản và nhiều nghĩa vụ dân sự khác nhau. Bởi vậy trong mối quan hệ dân sự lại được giải quyết theo một cách khác nhau.

Ví dụ số tiền do hành vi đưa nhận hối lộ sẽ bị tịch thu và xung công quỹ nhà nước. Số tiền tham ô tài sản sẽ trả lại cho người bị thiệt hại, trả cho nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự, còn số tiền gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Vì vậy, nếu ai là nạn nhân trong vụ án hay làm đơn trình báo cơ quan chức năng kèm các chứng cứ để được xem xét giải quyết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem