Vụ DN bị thiệt hại do Dự án Cảng nước sâu Kê Gà: Bao giờ được bồi thường?
Vụ DN bị thiệt hại do quy hoạch cảng Kê Gà (Bình Thuận): Vướng mắc pháp lý, nhiều năm vẫn chưa được bồi thường
Đông Anh
Thứ năm, ngày 17/02/2022 12:00 PM (GMT+7)
Sau khi đọc bài viết "Cựu Chủ tịch Bình Thuận bị bắt: Doanh nghiệp đầu tư tại khu vực cảng Kê Gà bị hành ra bã thế nào", luật sư Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những phân tích pháp lý.
Ngày 14/2, Báo Dân Việt đăng bài "Cựu Chủ tịch Bình Thuận bị bắt: Doanh nghiệp đầu tư tại khu vực cảng Kê Gà bị hành 'ra bã' như thế nào?" đề cập Công ty TNHH Vạn Trụ đã bị 2 quan chức tỉnh Bình Thuận làm khó, khi làm thủ tục bồi thường.
Hiện nay, vụ việc khiếu nại bồi thường của Công ty Vạn Trụ đã được đưa sang Tòa hành chính giải quyết theo quy định của luật pháp. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa đi tới đâu, do phát sinh quá nhiều vấn đề về pháp lý.
Luật sư Đặng Anh Đức – thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Đặng và Cộng sự (Hà Nội) - sau khi đọc bài báo trên đã gửi đến Báo Dân Việt bài viết dưới đây:
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng nước sâu Kê Gà. Chủ đầu tư dự án Cảng nước sâu Kê Gà là Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam – TKV.
Tháng 4/2008, Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận ban hành văn bản về việc thông báo chủ trương đầu tư tới các chủ đầu tư dự án trong khu vực dự kiến xây dựng Cảng nước sâu Kê Gà.
Do vậy, các chủ đầu tư dự án bao gồm Công ty TNHH Vạn Trụ bị yêu cầu dừng thi công dự án, không được tiếp tục xây dựng mới để chờ Quyết định của phê duyệt chính thức Dự án Cảng nước sâu Kê Gà.
Ngày 9/6/2011, Thủ tướng có công văn đồng ý chủ trương thu hồi đất xây cảng Kê Gà. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản đồng ý dừng thực hiện đầu tư Cảng Kê Gà, thể hiện tại công văn số 1166/VPCP – KTN ngày 20/2/2014.
Để giải quyết việc này, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với TKV tổ chức thực hiện việc đánh giá bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thu hồi đất phục vụ dự án cảng nước sâu Kê Gà và chi trả việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư dự án khu du lịch Vạn Trụ là một đơn vị bị thiệt hại trong trường hợp này.
Suốt nhiều năm, Công ty Vạn Trụ không thể kinh doanh do bị thu hồi văn bản chấp thuận đầu tư dự án du lịch, trong khi đó nhiều hạng mục công trình trong dự án do Công ty Vạn Trụ xây dựng trong quá trình chờ đợi đã xuống cấp, hoang tàn đổ nát.
Xây tiếp cũng không được, đập bỏ cũng không xong vì vướng thẩm định bồi thường đền bù.
Căn cứ quy định của Luật đất đai năm 2013 về nguyên tắc và điều kiện khi Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường.
Trường hợp này, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích phát triển kinh tế, xét các điều kiện quy định tại Điều 75 - Luật Đất đai năm 2013, Công ty Vạn Trụ đương nhiên đủ điều kiện được bồi thường, vì thực tế thiệt hại của Công ty đã nhìn thấy rõ.
Thế nhưng, cho đến hiện tại Công ty Vạn Trụ vẫn chưa được bồi thường. Sau nhiều lần đơn từ khiếu nại nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Tháng 7/2018 Công ty TNHH Vạn Trụ đã làm đơn khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Theo đó, yêu cầu buộc UBND tỉnh Bình Thuận phải ban hành quyết định bồi thường hỗ trợ thiệt hại cho Công ty Vạn Trụ, làm cơ sở cho TKV chi trả tiền bồi thường cho Công ty. Hiện vụ án vẫn đang được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.