Xử lý như thế nào đối với tài sản của cựu Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai?

Quang Trung Thứ ba, ngày 15/02/2022 11:29 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, nếu phát hiện tài sản của ông Nguyễn Ngọc Hai và những người khác có được là do hành vi phạm tội liên quan đến dự án Tân Việt Phát 2 thì sẽ kê biên, tịch thu để xử lý.
Bình luận 0

Yêu cầu cung cấp thông tin tài sản của cựu Chủ tịch Bình Thuận

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch (biến động) đối với các tài sản, bất động sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sở hữu nhà đứng tên các bị can nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của Bình Thuận vừa bị khởi tố trong vụ dự án Tân Việt Phát 2.

Xử lý như thế nào đối với tài sản của cựu Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa bị bắt trong vụ dự án Tân Việt Phát 2.

Những người này gồm: Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh); Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở TN-MT), Lê Nguyễn Thanh Danh (Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Sở TN-MT, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận sau đó đã ký ban hành công văn yêu cầu Sở Tư pháp (chủ trì), phối hợp với Công an tỉnh, Sở TN-MT và các huyện, thị xã, thành phố rà soát các tài sản, bất động sản của những người bị khởi tố nhằm cung cấp cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an phục vụ điều tra.

Tài sản của cựu Chủ tịch Bình Thuận có thể bị tịch thu trong trường hợp nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc cơ quan điều tra xác minh tài sản của các bị can trong vụ án này là có căn cứ và phù hợp với quy định pháp luật.

Theo ông Cường, chính sách hình sự trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay là nghiêm minh và thu hồi tài sản. Vậy nên ngoài việc phát hiện, xử lý tội phạm, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có cũng là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với những tài sản có liên quan đến người phạm tội, có thể là vật chứng của vụ án hoặc tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội. 

Đối với vật chứng của vụ án, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phải thu hồi để làm căn cứ chứng minh tội phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Những tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tài sản phạm tội sẽ bị thu hồi để trả lại cho người bị hại hoặc tịch thu, sung công quỹ nhà nước.

Đối với những tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị can, bị cáo trong những vụ án mà bị can, bị cáo có thể gây thiệt hại cho nhà nước, cho tổ chức, cho cá nhân hoặc đối với những tội danh mà có quy định hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải xác minh để làm căn cứ thực hiện quyết định tịch thu tài sản hoặc thu hồi tài sản để phát mại, khắc phục hậu quả do người phạm tội gây ra.

Khi xác định được tài sản của người phạm tội, của bị can, bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản theo quy định tại điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trường hợp phát hiện tài sản của bị can, bị cáo là số tiền để trong ngân hàng, cơ quan điều tra cũng có thể căn cứ vào quy định tại điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để tiến hành phong tỏa tài khoản.

Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

Như vậy, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng…những tài sản như nhà đất, phương tiện giao thông, tiền trong tài khoản có thể là vật chứng của vụ án hình sự. Những tài sản này có thể có dấu vết tội phạm hoặc có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm.

Việc xác minh phải tìm hiểu những tài sản này là cần thiết, trong trường hợp phát hiện những tài sản có dấu hiệu tội phạm cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tẩu tán tài sản. Trường hợp xác định tài sản do phạm tội mà có sẽ phải thu hồi để trả lại cho người bị hại hoặc sung công quỹ nhà nước.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Cường cho rằng, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện tài sản của ông Nguyễn Ngọc Hai và những người khác có được là do hành vi phạm tội liên quan đến dự án Tân Việt Phát 2 thì sẽ kê biên, tịch thu để xử lý.

Quý độc giả đang đọc bài viết "Xử lý thế nào đối với tài sản của cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.835.666.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem